Tạp chí Sông Hương -
Tạo sức sống mới cho Phim tư liệu lịch sử
14:32 | 11/06/2010
Với thực tiễn công việc của một người tham gia những phim về lịch sử và truyền thống dân tộc, nhiều năm liền tôi trăn trở về những thước phim tư liệu, mà những nhà làm phim tiền bối đã thực hiện từ chiến trường đẫm máu và nóng bỏng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tạo sức sống mới cho Phim tư liệu lịch sử
Nhiều người làm phim đã ngã xuống, những thước phim của họ được mang về các cơ quan tuyên huấn, đến thủ đô Hà Nội, còn vương dấu máu. Hầu hết họ hy sinh ở tuổi còn rất trẻ, với mơ ước sâu thẳm, mong những thước phim tư liệu mà họ đổi bằng máu được trường tồn, được nhiều người biết đến.

Và thật vậy, lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng, đã ghi nhận những bộ phim tư liệu, tài liệu quý báu của một thời giữ nước. Với những máy quay cũ kỹ, cách tráng và dựng phim rất sáng tạo, độc đáo; những kỳ công, lòng dũng cảm khi tiếp cận chiến trận, các nhà làm phim thời ấy đã làm nên những tác phẩm điện ảnh được xem là “Những kỳ tích và huyền thoại có thật”, góp phần to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Những phim tư liệu lịch sử thời ấy thực sự là những báu vật cho đời sau. Từ “Trận Mộc Hóa” - bộ phim chiến sự đầu tiên của Khu 8, các nhà làm phim Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn đã ghi lại những hình ảnh độc đáo của cuộc kháng chiến Nam bộ. Nếu không có họ, làm sao chúng ta tận mắt chứng kiến những đợt xung phong anh dũng của những người lính vệ quốc đầu tiên, viên đồn trưởng Bertrand đầu hàng trong trận Mộc Hóa…

Để có được “chiến công” làm nức lòng quân dân, khiến bà con ào ào đi xem phim “Trận Mộc Hóa” trên bờ kênh Dương Văn Dương và tiếp theo những kỳ tích khác, tổ Nhiếp - Điện ảnh Nam bộ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy.

Để đối phó với sự rình rập, tiêu diệt của kẻ thù, những nhà làm phim đã phải chôn đồ nghề xuống bùn, đã tráng phim ngay trong lòng địch, vượt qua đồn bót địch chở nước đá về phục vụ việc in tráng phim bằng guồng inox trong thùng gỗ có chèn nước đá, tráng phim không cần điện, nhiều phim được in bằng đèn măng xông… Chiếc ghe buồng tối của đạo diễn Khương Mễ đã phải luồn lách tránh tầm bom na-pan của địch.

Nhà báo Wilfred Burchett (thứ hai từ trái) và Madeleine Riffaud (thứ ba từ trái) thăm Xưởng phim Giải phóng năm 1965. Ảnh: TƯ LIỆU


Song hành cùng sự nghiệp kháng chiến, những nhà làm phim Nam bộ tiếp tục lập nên những kỳ tích. Thật quý báu biết bao, khi ngày nay chúng ta còn có được những thước phim sống động về những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, với những hình ảnh trận Ấp Bắc, những ngày Đồng Khởi, du kích Củ Chi, đội nữ pháo binh, những bờ vai con gái vác đạn giữa cánh đồng mùa nước nổi, những chiến dịch rầm rập bước chân người, những hình ảnh Mậu Thân ngay trong lòng phố Sài Gòn, những người con gái, con trai đẹp nhất trên “đường ra phía trước”, chân dung những tướng lĩnh oai phong mà gần gũi, yêu thương. Ở đó, có cả những góc khuất số phận, mồ hôi, nước mắt đọng trên những nếp nhăn của bà mẹ khóc con hy sinh, những đau thương, tổn thất...

Trong cuộc kháng chiến, miền Bắc là hậu phương lớn của điện ảnh cách mạng miền Nam, nơi chi viện sức người, sức của cho điện ảnh Nam bộ, nơi lưu trữ những thước phim tài liệu thấm máu từ các miền đất nước gởi về. Nhiều thước phim có một hành trình dài dằng dặc, được đưa ra miền Bắc làm hậu kỳ và quay trở lại phục vụ chiến trường, làm ngời sáng hình ảnh đất và người miền Nam anh dũng…

Những xưởng phim trong rừng năm ấy đã làm những nhà báo quốc tế Wilfred Burchett, Madeleine Riffaud vô cùng kinh ngạc và ngưỡng mộ. Ngày ấy đội ngũ làm phim cũng ngày càng đông đảo, hùng hậu, từ nguồn kháng chiến cũ, từ nội thành Sài Gòn vào, những nhà làm phim được đào tạo ngay trong lòng đất mẹ đến những đạo diễn, quay phim được học hành bài bản từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam…

Họ đã làm nên diện mạo độc đáo của điện ảnh cách mạng Nam bộ. Máy quay ngày ấy cồng kềnh, nên khi tác nghiệp, những nhà quay phim là mục tiêu tiêu diệt hàng đầu của kẻ thù. Vì lẽ đó, hàng trăm nhà quay phim của Xưởng phim Giải phóng Nam bộ, của Điện ảnh Quân giải phóng miền Nam, Điện ảnh Giải phóng miền Trung…, được gọi chung là “Điện ảnh cách mạng Nam bộ” đã ngã xuống trên đường làm nhiệm vụ. Đó không chỉ là những đạo diễn, quay phim nổi tiếng đã góp phần làm nên những bông sen rực rỡ mà còn là những con người làm công việc chuyên môn thầm lặng trong một góc rừng, đã ngã xuống vì bom pháo, biệt kích, rắn độc, sốt rét…

Thế hệ chúng tôi lớn lên sau chiến tranh, khi thực hiện những bộ phim lịch sử gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm lại, mua lại những phim tư liệu quý báu ấy. Hầu hết đó là phim nhựa, nằm trong các viện lưu trữ phim, Xưởng phim tài liệu Trung ương, Xưởng phim Quân đội…

Đại hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho những người hoạt động điện ảnh, nhiều kế hoạch sáng tác, đối ngoại, đầu tư vật chất cho nền điện ảnh đầy triển vọng, lạc quan. Nhưng với lòng yêu mến những thước phim lịch sử thấm máu bao chiến sĩ, mong rằng Nhà nước, những người làm công tác điện ảnh có kế hoạch cứu lấy những thước phim tài liệu này, bởi thời gian có sức công phá dữ dội. Và khi làm phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh, làm sao để việc tra cứu tư liệu, mua phim được dễ dàng.

Tôi ao ước một ngày những phim nhựa ấy dễ dàng chuyển qua đĩa, phổ biến sâu rộng vào trường học, các cơ quan nghiên cứu lịch sử, giáo dục cho thế hệ trẻ, bởi những hình ảnh ấy tự thân đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trái tim con người. 

Theo Trầm Hương - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng