Tạp chí Sông Hương -
Hà Nội, trước hết là nhà tôi, 30 Hàng Bông...
14:25 | 30/06/2010
Bà Natasha (tên thật là Natalia Kraevskaia, vợ của họa sĩ Vũ Dân Tân) đến Hà Nội từ năm 1983. “Hồi đó tôi làm việc cho Viện Pushkin, giúp các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Nga. Cuộc sống rất khó khăn, nhiều vấn đề về lương thực, điện và nhiều thứ nữa, nhưng con người đều rất nhiệt tình với công việc, ít nhất là các giáo viên”, Natasha chia sẻ.
Hà Nội, trước hết là nhà tôi, 30 Hàng Bông...
* Khung cảnh Hà Nội, những người họa sĩ Hà Nội của ngày đó ra sao, thưa bà?

- Hà Nội rất đẹp và rất lãng mạn, đúng như là bạn có thể thấy trong tranh Bùi Xuân Phái ấy. Những ngôi nhà màu ghi, chỉ có xe đạp và xích lô trên phố. Buổi tối không có đèn đường, tối lắm, chỉ đây đó có những ngọn đèn dầu nhỏ nhoi lập lòe trên vỉa hè, của những người bán nước chè. Nhưng đâu đâu cũng có cái mùi rất đặc trưng của Hà Nội: mùi hoa sữa. Ngày nay, với sự ô nhiễm khủng khiếp do ô tô và xe máy gây ra, bạn không còn ngửi thấy cái mùi ấy nữa.

Natasha Gallery đầu thập niên 1990


Trong tháng đầu tiên ở đây, tôi gặp bà Đôn Thu, người điều hành gallery của nhà nước tại số 7 Hàng Khay, và thông qua bà tôi gặp được nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim và nhà sưu tầm. Tháng 12/1983, tôi gặp chồng tương lai của tôi, Vũ Dân Tân, lần đầu tiên tại studio của ông, 30 Hàng Bông, nơi tôi vẫn sống cho đến nay. Lúc ấy rất nhiều nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ thường đến nhà ông, tuần nào cũng đến: Bùi Xuân Phái, Dương Tường, Dương Thụ, Đỗ Phấn, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Hồng Cẩm, Nguyễn Đình Dũng. Họ uống rượu quốc lủi, hát với nhau, nói chuyện về nghệ thuật, cuộc đời, văn chương, vẽ các bức ký họa. Chính vì vậy mà tôi có rất nhiều tranh chân dung, do Bùi Xuân Phái vẽ. Các nghệ sĩ thời đó ít bận rộn hơn bây giờ, họ không nghĩ quá nhiều tới sự nghiệp nghệ thuật của họ, chỉ nghĩ làm sao làm ra được nghệ thuật đẹp mà thôi. Theo một cách nào đó, họ tự nhiên hơn và vui tươi hơn so với nghệ sĩ ngày nay.

* Ngoài việc thân quen nhiều các họa sĩ/nghệ sĩ, vì lý do thực sự nào mà vợ chồng bà quyết định mở Natasha gallery - gallery tư nhân duy nhất ở Hà Nội thời bấy giờ?

- Gallery của chúng tôi, Salon Natasha, mở cửa vào năm 1990. Thời ấy, đây đúng là gallery duy nhất của Hà Nội. Tôi và chồng tôi, Vũ Dân Tân, đã quyết định mở gallery khi chúng tôi quay trở về Việt Nam sau vài năm sống ở Nga. Cuối những năm 1980 đã có một biến chuyển thực sự to lớn trong nghệ thuật Nga: các nghệ sĩ có cơ hội trưng bày và bán tác phẩm của mình một cách tự do - họ bày tác phẩm tại các công viên, hoặc bày luôn trên phố. Bị ấn tượng mạnh trước sự tự do này, chúng tôi quyết định tạo ra một không gian nghệ thuật tại Hà Nội, một không gian để mọi người không chỉ được xem nghệ thuật đương đại mà còn có thể giao tiếp, cùng nhau trao đổi ý tưởng...

* Bởi đây là mô hình gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội, ông bà có gặp nhiều khó khăn khi thành lập và duy trì nó không?

- Không, không có khó khăn gì đâu. Chúng tôi chưa bao giờ đăng ký gallery như là một địa điểm kinh doanh. Và cũng bởi vì nó chưa bao giờ thực sự là một địa điểm kinh doanh, mà là nơi chúng tôi và bạn bè “chơi” nghệ thuật, như người Việt Nam thường nói, nên chúng tôi không gọi nó là một gallery, mà là một salon, theo nghĩa tiếng Pháp: một địa điểm nơi bạn tìm được sự giải trí về mặt trí tuệ. Về khía cạnh tài chính, bạn bè nghệ sĩ của chúng tôi đã giúp chúng tôi trong việc sửa sang địa điểm, trang bị các đồ dùng và trang trí thiết yếu.

Khi Salon Natasha được mở ra, những nghệ sĩ đầu tiên trưng bày tác phẩm ở đây là các bạn của chúng tôi: Đỗ Phấn, Nguyễn Đình Dũng, Ngô Đình Chương, Trần Thiều Quang, Khúc Thanh Bình. Sau này, các nghệ sĩ trẻ hơn cũng đến với gallery. Chúng tôi là gallery đầu tiên bày tác phẩm của Lê Hồng Thái, Trương Tân, rồi Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy,... Giữa những năm 1990, thầy giáo và nghệ sĩ người Pháp Eric Leroux giúp tôi điều hành gallery và chúng tôi đã thực hiện rất nhiều dự án nhằm thúc đẩy các hình thức tác phẩm hợp tác. Từ giữa những năm 1990, nghệ sĩ nước ngoài cũng bắt đầu bày tác phẩm tại Salon Natasha.

* Bà đã được tiếp xúc với nhiều tác phẩm tranh về Hà Nội của các họa sĩ ngày đó như Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... Bà có cảm nhận gì về các bức tranh đó?

- Tôi sẽ không nói được điều gì độc đáo cả, bởi với tôi trong số các nghệ sĩ từng vẽ Hà Nội, tôi thấy gần gũi nhất với tâm hồn tôi là các tranh phong cảnh của Bùi Xuân Phái với nỗi buồn bã lắng đọng, vẻ đẹp u hoài và tình yêu chân thành. Trong nghệ thuật người ta không nói dối được. Bùi Xuân Phái lúc nào cũng rất thành thực trong tác phẩm của ông, không như những kẻ bắt chước ông. Tình yêu chân thành với con người Hà Nội cũng có thể tìm thấy trong những bức chân dung đầy tao nhã của Dương Bích Liên, hoặc tác phẩm vẽ Trung Thu của Nguyễn Tư Nghiêm.

Người Hà Nội có thể thể hiện tình yêu thành phố của mình theo nhiều cách khác nhau. Vũ Dân Tân đã viết một tác phẩm âm nhạc cổ điển cho đàn piano và dàn nhạc mang tên Người Hà Nội. Tác phẩm này ông dành tặng cho 1.000 năm Hà Nội và năm nay sẽ được biểu diễn ở Nga.

* Thế còn các họa sĩ đồng thế hệ với chồng bà ở Hà Nội, bà cảm nhận tình cảm của họ đối với thành phố này ra sao qua các tác phẩm hội họa?

- Các họa sĩ cùng thế hệ với chồng tôi, nghĩa là những người hiện nay trên 60 tuổi, rất khác so với thế hệ trẻ. Tôi không nghĩ có thế hệ nào tốt hơn hay tệ hơn một thế hệ khác, chỉ là họ có những cách tiếp cận cuộc sống và nghệ thuật khác nhau mà thôi. Thế hệ trước tìm kiếm cảm hứng bên trong triết lý sâu xa của bản thân họ, bên trong cái dòng chảy tinh tế của các xúc cảm và thể hiện nó ra bằng những hình ảnh bình dị. Các nghệ sĩ trẻ hơn thì tìm kiếm ở những thứ bên ngoài nhiều hơn: sự kiện hoặc hiện tượng mới trong cuộc sống của xã hội, những gì bất thường gây ấn tượng mạnh, họ thích gây ấn tượng với người khác hơn là thể hiện xúc cảm của mình. Đó cũng là một cách thức…, thực sự cũng rất tốt khi tìm kiếm những gì mới mẻ.

* Vậy còn với cá nhân bà, sống ở Hà Nội nhiều năm qua, Hà Nội trong bà hiện hữu như thế nào?

- Với tôi, Hà Nội trước hết là phố Hàng Bông nhà tôi và khu vực xung quanh, với rất nhiều ngõ ngách. Đó là những ngôi nhà cũ kỹ rất đông người sống ở trong, những người bán hàng trên vỉa hè, những người thông cống, những người phụ trách rác thải, những cửa hiệu nhỏ bé và sự trộn lẫn của các phong cách. Đó là ngôi nhà số 30 thân yêu của tôi với rất nhiều gia đình hàng xóm, với toàn bộ lịch sử phức tạp của nó. Và cuối cùng, với tôi Hà Nội không chỉ là một địa điểm về mặt địa lý, mà nó giống như là thực thể hữu cơ nơi các ý tưởng thực tế, những ảo tưởng, kế hoạch và niềm tin, dự định và sự phát triển, cũng như những giấc mơ, tất tật đều lưu chuyển nhộn nhịp.

* Rất gắn bó với ngôi nhà số 30 Hàng Bông của bà, bà tiếp tục duy trì hoạt động của Natasha gallery chứ?

- Salon Natasha hoạt động đặc biệt tích cực từ 1990 đến 2005. Trong 5 năm vừa qua nó được dùng làm studio cho chồng tôi, nhưng nó vẫn luôn luôn tồn tại, chưa bao giờ đóng cửa. Tôi cũng không coi Salon là một địa điểm thuần túy địa lý, nằm ở 30 phố Hàng Bông. Giờ đây tôi thích mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác. Hiện tại tôi đang làm giám tuyển cho một dự án (cùng chuyên gia đô thị người Canada, Lisa Drummond - gồm ba triển lãm) dành cho nghệ thuật Hà Nội. Các triển lãm sẽ bắt đầu vào cuối tháng 11/2010 tại Viện Goethe. Tôi cũng sẽ tổ chức lưu giữ lịch sử của Salon Natasha với sự tài trợ của Asian Art Archives (Hồng Kông), sau này sẽ đưa lên Internet. Tháng Chín này tôi tham gia tổ chức trưng bày riêng của Vũ Dân Tân, rồi trưng bày tranh Đông Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở thành phố quê hương tôi, Astrakhan bên Nga. Tôi cũng có công việc nghiên cứu cá nhân và cả viết lách nữa.

* Xin cảm ơn bà và chúc Natasha gallery luôn là trung tâm nghệ thuật của nghệ sĩ không chỉ sống ở Hà Nội.

                                 Còn 15 tuần nữa
Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

Theo Việt Quỳnh - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng