Tạp chí Sông Hương -
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - Với 60 bản Romance
14:25 | 01/07/2010
Phương Nam phim vừa phát hành Album Vol.1 “Phác thảo mùa thu” gồm 12 tác phẩm trong “Tuyển tập 60 bản Romance cho hát với piano” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, với sự thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn và giọng hát trẻ Hoàng Quyên.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - Với 60 bản Romance
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và ca sĩ Hoàng Quyên.
Tâm huyết với nghệ thuật Romance, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã sáng tác thể loại thanh nhạc này trong nhiều năm. Nhạc sĩ đã chia sẻ với chúng tôi những tâm tư, cảm xúc về đứa con tinh thần đặc biệt của mình.

- PV: Nhạc sĩ rất tâm đắc với thể loại Romance? Vì sao có sự “nên duyên” để ra đời “Tuyển tập 60 bản Romance” này?

- Nhạc sĩ ĐẶNG HỮU PHÚC: Khi còn là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam, tôi đã thường xuyên đệm đàn piano cho học sinh khoa thanh nhạc và bắt đầu tiếp xúc với thể loại Romance từ đấy. Sau khi tốt nghiệp đại học piano và sáng tác năm 1979, được phân công đi đệm cho khoa thanh nhạc, tôi lại càng có điều kiện để đệm hàng trăm bản Romance kinh điển trong kho tàng âm nhạc chuyên nghiệp của thế giới. Cái chất Romance đã dần ngấm vào tôi từ đó. Tôi cảm nhận vẻ đẹp cao sang, tinh túy của nó và mong muốn viết những bản Romance của riêng mình. Tôi bắt đầu viết Romance từ năm 1975 và đã dành nhiều thời gian cho thể loại này. Tới năm 2006 tôi đã hoàn thành tuyển tập nói trên.

Cũng phải nói thêm rằng, một bản Romance không phải là một ca khúc có phần đệm piano như nhiều người vẫn nghĩ, sự khác biệt chính là: trong một bản Romance, giọng hát và piano là một tổng thể không thể phân chia ra chính và phụ. Ở đây là sự hài hòa, là sự ensemble của một phức hợp chứ không phải sự đơn điệu của một giai điệu được bổ sung thêm phần đệm piano.

- Thể loại Romance đã được “xếp hạng” trong âm nhạc kinh điển rồi, vậy tuyển tập Romance của nhạc sĩ có đem đến cho thính giả điều gì mới mẻ không?

- Cái độc đáo của mỗi cá nhân, dấu ấn của mỗi chủ thể sáng tạo là cái luôn luôn mới. Romance dễ nghe hơn so với các tác phẩm khí nhạc nhưng không dễ “vào tai” như ca khúc nhạc trẻ hoặc ca khúc quần chúng, nó đòi hỏi người nghe phải có trải nghiệm cuộc sống và tập trung hơn. Mặc dù tôi đã đưa chất ca khúc vào Romance và đưa chất romance vào ca khúc của tôi, nhưng chắc chắn Romance của tôi không “dễ vào” như ca khúc phổ thông. Nó dành cho những người muốn khám phá những gì khác biệt, không quen thuộc.

Ví dụ một ca khúc thường dài khoảng 4-7 phút. Nhưng Romance của tôi không nhất thiết phải định lượng trong khoảng thời gian nào cả, có bài như bài “Phác thảo mùa thu”chỉ dài hơn 1 phút hoặc nhiều bài chỉ là 2 phút. Khi tôi thấy đã truyền tải được thông điệp mình mong muốn, thấy đủ là thôi… Về loại nhịp, ca khúc phổ thông chỉ xoay quanh mấy loại nhịp như 2/4, 3/4, 4/4, 6/8 với các tiết điệu đệm quen thuộc như Slow, Disco, Chachacha, Pop-Ballad. Ở Romance chỉ tuân theo dòng chảy của cảm xúc và không theo một loại nhịp cứng nhắc nào từ đầu đến cuối… Chính những sự khác biệt này có thể sẽ mang một không gian âm nhạc mới cho khán giả.

- Liệu với thể loại Romance, âm nhạc của Đặng Hữu Phúc có “lạc hậu” với thời cuộc ở Việt Nam không?

- Dù đã viết lâu rồi, có những bài cách đây trên 35 năm, giờ mới giới thiệu với công chúng nhưng tôi không sợ nó lạc hậu, vì tôi quan niệm tác phẩm nghệ thuật khi đã đạt tới độ có giá trị kinh điển thì nó không sợ thời gian, ngược lại thời gian sẽ tô điểm thêm cho nó. Bạn thấy có công trình kiến trúc nào ở Hà Nội đẹp hơn, “mới hơn” được Nhà hát lớn không, dù nó đã trăm năm tuổi?

Cái đẹp trong Romance của tôi là những vẻ đẹp của trời đất, của tự nhiên như “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (Kiều)... Trong nhịp sống hối hả của thời đại này, có khi một vẻ đẹp rất đỗi giản dị, thuần khiết như cảnh một đêm trăng sáng với một “niềm yên tĩnh cô đơn” lại rất khó tìm, nó bị nhịp sống hiện đại cuốn đi mất rồi, để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp ấy, bây giờ người ta phải tìm về một nơi rất xa, rất hẻo lánh. Càng hiện đại thì người ta càng có xu hướng quay trở về cái hồn nhiên, hoang sơ và đó là cách mà người nghệ sĩ đánh thức trái tim và tâm hồn của khán thính giả.

- Trong khi lớp trẻ mải miết sáng tác những ca khúc thị trường để bán được, để nổi danh và những người học chuyên nghiệp phải làm mọi nghề để sống, nhiều người đã nhụt chí, không còn theo đuổi sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp. Vậy mà, nhạc sĩ vẫn giữ cho mình niềm đam mê và sự tâm huyết với sự nghiệp của mình?

- Khi nghệ sĩ toàn tâm toàn ý với nghề của mình và có thực tài sẽ tìm được con đường để tồn tại với nghề, tác phẩm hay sẽ đến được với mọi người theo cách này, hay cách khác như cái duyên, nhiều khi không lý giải được. Có lẽ người nghệ sĩ không nên ngụy biện đổ tại mình không làm được vì khách quan. Tôi nghĩ bất kể hoàn cảnh nào cũng có thể làm được những điều mình tâm huyết, dù nhiều gian truân nhưng rồi thời gian sẽ trả lời. Tôi chỉ biết sáng tác và làm những công việc chuyên môn của một nhạc sĩ. Tôi tin mỗi tài năng thực sự sẽ có con đường của riêng mình, cho dù lắm chông gai.

Theo Mỹ Hằng - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng