Tạp chí Sông Hương -
Dấu ấn văn hóa Chăm pa ở Tây Nguyên
08:33 | 06/07/2010
Việc tháp Bang Keng, huyện Krông Pa (Gia Lai) đang được tiến hành khai quật hy vọng hé lộ thêm nhiều điều về dấu ấn văn hóa Chăm pa tại Tây Nguyên.
Dấu ấn văn hóa Chăm pa ở Tây Nguyên
Công trình kiến trúc của người Chăm cổ đang được khai quật - Ảnh: Thiên Trúc
Sau 4 năm kể từ khi ngành văn hóa Gia Lai phát hiện tháp Bang Keng, việc khai quật cho đến giữa 6.2010 mới được tiến hành. Đây là một phát hiện khá quan trọng về tháp Chăm ở vùng đất này.

Tháp Bang Keng được xây dựng trên vùng đất thuộc buôn Jú, xã Krông Năng (Krông Pa) ngày nay. Tháp có bình diện hình vuông, mặt chính hướng về phía Đông (sông Ba). Phần trong của tháp trước đó đã có dấu hiệu đào bới nên phần kiến trúc bên trong bị phá vỡ. Phần tường phía Nam bị phá sập hoàn toàn. Điều rất đáng tiếc là những kiến trúc bên trong cũng như các đồ vật linh thiêng đi kèm chẳng hạn như linga, yoni... đều không còn.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, người chịu trách nhiệm chính trong cuộc khai quật tháp cho biết: “Nhiều khả năng đây là một kiến trúc ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Căn cứ trên lượng gạch khai quật và quy mô của công trình, chúng tôi có thể nhận định đây là một đền thờ hơn là tháp. Công trình được xây trên gò cao có thể tượng trưng cho núi Nêru, còn mặt chính quay về sông Ba tượng trưng cho biển sữa như truyền thuyết. Kiến trúc này có diện tích 6,4 x 7,8m, móng sâu 1,8m, được gia cố bằng lớp cát và đá cuội to cỡ nắm tay trước khi xây gạch lên. Gạch dùng để xây nên công trình kiến trúc này có kích thước khá lớn là 40 x 20 x 8cm, nặng gần 20kg. Phần trên của kiến trúc đã bị sụp hoàn toàn... Đây là một công trình được xây dựng hoàn chỉnh. Nhưng hiện chúng tôi vẫn chưa xác định được lò gạch, nơi cung cấp nguyên liệu cho công trình”.

Trước đây, một số học giả người Pháp đã có những ghi nhận từ rất sớm các tháp Chăm ở Kon Tum, Cheo Reo (Ayun Pa ngày nay) và một số địa điểm khác của Tây Nguyên. Nhưng mọi việc cũng dừng lại tại đó... Ngoài ra, cùng với việc phát hiện một bia đá có khắc chữ Phạn của người Chăm cổ tại thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai (Thanh Niên đã thông tin) gần đây, thì dấu ấn của văn hóa Chăm vẫn là câu hỏi lớn cần sự giải đáp của những nhà nghiên cứu. Hiện vẫn chưa có một công trình khoa học chỉn chu nào đề cập toàn bộ đến sự xuất hiện của người Chăm và những dấu ấn văn hóa của họ ở vùng đất Tây Nguyên.

Theo Thiên Trúc - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng