Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Tuân - tình yêu lớn
08:49 | 06/07/2010
Nguyễn Tuân sinh tại Hà Nội ngày 10-7-1910. Quê ông là làng Mọc (Nhân Mục) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh vào đầu thế kỷ XX – thế kỷ của những biến động lớn với đất nước, dân tộc, Nguyễn Tuân đã sống và viết bằng cả tình yêu chân thật, mãnh liệt với nhân dân mình, với Tổ quốc mình, dấu ấn ông để lại trong cả đời sống và đời văn vô cùng đặc biệt.
Nguyễn Tuân - tình yêu lớn
Nguyễn Tuân (giữa) cùng Bùi Xuân Phái và Văn Cao. Ảnh: TL
Tâm sự yêu nước bộc lộ từ rất sớm trong những trang viết đầu tiên của Nguyễn Tuân (Chơi thành Cổ Loa – 1932). Tâm sự yêu nước ấy sau đó đã khiến nhà văn chủ động hăm hở dấn thân – không phải trên lưng ngựa, mà bằng đôi chân của mình, “mình cưỡi lên mình mà trườn qua núi sông đẫm mùi thuốc súng”, suốt từ chiến trường Nam Trung bộ, những con đường lưu diễn khu Bốn, những ngả đường Việt Bắc đi theo chiến dịch…

Những năm hòa bình ở miền Bắc, ông đi lao động thực tế, đắm đuối với hun hút núi rừng Tây Bắc và trở về với tập Sông Đà – một bộ tranh liên hoàn hoành tráng thật đẹp và đầy men say lãng mạn.

Thời chống Mỹ, ông là một trong những văn nghệ sĩ cao tuổi nhất, nhưng lại đi vào tuyến lửa nhiều nhất, kỹ nhất. Đất nước chia đôi, nhà văn canh cánh suốt nhiều năm đề tài Sông tuyến và ông là một trong những người viết hay nhất về chiếc cầu tuyến và con sông tuyến. Nhà văn còn Về thăm đất lửa Quảng Trị (1973), ghi lại hình ảnh Bưu điện Thanh đánh Mỹ, thao thức khôn nguôi…

Giữa bom đạn ác liệt năm 1972, Nguyễn Tuân đã ở lại Hà Nội, dù mọi người khuyên ông nhiều tuổi, bệnh hoài, nên đi sơ tán. Ông tâm sự với Mai Văn Tạo: “Tôi thấy tôi đúng. Mình là người viết văn, nhà văn Việt Nam. Trong khi thủ đô – trái tim của cả nước – lâm nguy mà bỏ Hà Nội mình đi, thì còn viết cái gì, mình còn ra gì nữa ông?”. Ông đội mũ sắt chia lửa cùng những người lính bảo vệ thủ đô và viết Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi – thiên anh hùng ca của tọa độ lửa kiên cường, thể hiện bản lĩnh văn hóa cao đẹp của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Gắn bó với cách mạng, ở một người có tài và đầy khát vọng lý tưởng như Nguyễn Tuân, tất yếu nảy sinh khuynh hướng muốn được cống hiến tối đa và ông đã viết tùy bút với cả trái tim nhiệt thành cùng cái đầu uyên bác của mình. Tùy bút là sở trường và chiếm số lượng lớn nhất trong văn nghiệp Nguyễn Tuân, cũng là phần in dấu đậm nét và phong phú hơn cả cái tôi độc đáo của nhà văn.

Nếu trước cách mạng, Nguyễn Tuân đã là một nhà văn tài hoa soi chiếu, khám phá bản thân thì sau cách mạng, Nguyễn Tuân thực sự thành nhà văn lớn, nhà tùy bút số một, bao hàm được trong những trang tùy bút độc đáo của mình “mọi niềm vui và nỗi đau giằng xé của thời đại dông bão này” (Điện chia buồn của các nhà văn Liên Xô, 1-8-1987, VN số 32, 1987).

Tùy bút Nguyễn Tuân thấm đượm thứ văn hóa Đông Tây đã được ông tiếp nhận – không chỉ hiểu triết lý mà còn thấm cả đạo lý, dù hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, phố phường, thấy mình có gốc rễ từ lịch sử. Đám tang Nguyễn Tuân rất đông cùng những lời ghi sổ tang cho thấy ông hiển nhiên đã thuộc bậc danh nhân một thời, là nhà văn của đông đảo công chúng.

Tình yêu đắm đuối sâu nặng với quê hương tiên tổ thể hiện vô cùng thuyết phục trong hành trình luyện chữ “tử công phu” của ông. Nguyễn Tuân từng có lần chia sẻ với các bạn văn trẻ về tâm trạng bồi hồi căng thẳng khi ngồi trước trang viết mà ông gọi là “pháp trường trắng”. Ông gọi nhà văn là “phu chữ”. Có thể thấy rõ ở nhà văn một ý thức trách nhiệm hoàn toàn tự giác và tình yêu sâu đậm hết sức nhạy cảm với những gì liên quan đến “tiếng ta” – nơi kết tinh linh hồn văn hóa dân tộc.

Nguyễn Tuân đã được mệnh danh bằng những chữ tôn vinh nhất: Bậc thợ cả văn xuôi, “người quốc ngữ” tài hoa, “cây bút quái kiệt”, “người thợ kim hoàn” chữ nghĩa… Có người nói đến “ma lực của ngôn ngữ” Nguyễn Tuân. Ở ông “mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”. Giới nghiên cứu ca tụng những bữa tiệc ngôn từ trên trang văn Nguyễn Tuân và đề cập đến việc soạn một từ điển ngôn ngữ Nguyễn Tuân – với những “phố Phái”, “huyện đảo”… mà nhà văn này đã góp vào kho từ vựng chung của tiếng Việt. Người ta hiểu rằng cả một vùng trời lung linh ngôn ngữ ấy là tinh kết của một cuộc sống từng trải, si mê góp nhặt từng mảy vàng tiếng mẹ đẻ…

Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu mà còn là chính văn chương và nhà văn đã có ý thức lạ hóa nó, để tạo được dấu ấn độc đáo cho mình và lôi cuốn người đọc. Con đường ngôn từ mà Nguyễn Tuân khai phá có lẽ chỉ dành cho ông. Trên độc đạo ấy, ông là khách độc hành. Nhưng rõ ràng, ở đây, Nguyễn Tuân đã để lại tấm gương lớn về lao động sáng tạo và dũng khí mở đường.

Bâng khuâng chờ đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bồi hồi nhớ Nguyễn Tuân nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh của nhà văn lớn. Trăm năm là “cõi người” mênh mang dâu bể, lại cũng chỉ như bóng câu qua cửa, điều gì có thể sống mãi, tươi mới mãi, càng ngày càng trở nên quý giá, thách thức sự trôi chảy miên viễn lạnh lùng khắc nghiệt của thời gian và quên lãng. Thác là thể phách, còn là tinh anh - “của tin” một đời văn Nguyễn Tuân gửi lại đã vượt lên trên lẽ tử sinh để nhập vào huyền sử của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo Nguyễn Thị Hồng Hà - SGGP





Các bài mới
Các bài đã đăng