Tạp chí Sông Hương -
Nhiệm kỳ mới và hy vọng mới
14:28 | 07/07/2010
Còn như vẹn nguyên cái không khí vui mừng sau đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ VII vào tháng 8.2005 với sự hiện diện của những thành viên mới trong Ban Chấp hành như NSND Quang Thọ, nhạc sĩ Trọng Đài và cuộc bàn giao "ngoạn mục" vị trí Chủ tịch hội giữa Giáo sư - NSND Trọng Bằng - đại diện thế hệ cha anh với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nhiệm kỳ mới và hy vọng mới
Một số đại biểu Đại hội VII (5.2005) trước Nhà hát Lớn TP.Hà Nội
Sau không khí vui mừng là công cuộc vận hành của bộ máy mới, liên tục và không ngừng trong suốt 5 năm qua.     

Mở ra nhiệm kỳ thứ bảy, trên mảnh đất của toà lâu đài âm nhạc Việt Nam từ đầu, hội đã nhận rõ một tiêu chí xây dựng hội phát triển: “Hội mạnh là do hội viên mạnh, không có hội viên thì không có hội”. Vậy là một cuộc đánh thức các “tế bào âm nhạc” trên toàn quốc được khẩn trương tiến hành toàn diện và triệt để. Bên cạnh 2 hội âm nhạc có số hội viên lớn là Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc TPHCM, hội đã tăng cường mở rộng đầu tư cho Hội Âm nhạc Thừa Thiên - Huế, Hội Âm nhạc Đà Nẵng và Hội Âm nhạc Cần Thơ. Từ 14 chi hội đầu nhiệm kỳ, đến nay đã đạt tới 32 chi hội trong toàn quốc.
 
Sáng kiến “đánh thức” đầy hiệu quả là 10 liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ VN đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước suốt 5 năm qua. Nhờ những liên hoan như thế, “tế bào âm nhạc” toàn quốc đã được “đánh thức” và đã được thổi vào một sức sống mới. Người mến mộ âm nhạc vừa có thể được thưởng thức những trình diễn giao hưởng, hợp xướng của TPHCM đầy chất kinh viện và hoành tráng vào mùa thu 2009 tại TP.Đà Nẵng, lại vừa được thưởng thức một ca khúc vùng cao do đội văn nghệ Tây Côn Lĩnh trình diễn sinh động tại TP.Việt Trì (Phú Thọ) vào lúc chớm đông 2009. Hoạt động này khiến các hội viên vừa có điều kiện giới thiệu tác phẩm, giới thiệu cách trình diễn và đặc biệt là được giao lưu với nhau về chuyên môn, cuộc đời khiến cho mọi thông tin về hoạt động của hội được cập nhật đầy đủ, minh bạch và thuyết phục.

Cùng với những liên hoan âm nhạc là những chuyến thâm nhập thực tế, các cuộc vận động sáng tác cho Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngành y Việt Nam... và đặc biệt là cuộc vận động sáng tác về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong suốt 2 năm (2008 - 2009) đã thu được hàng trăm tác phẩm với nhiều thể loại, bút pháp đa dạng và đã được công diễn thành công trong 2 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội (vào tháng 3 và tháng 5.2009).

Người mến mộ âm nhạc hiện nay đã có thể hát khắp nơi ca khúc “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (phổ thơ Lê Huy Mậu), song ít người biết đó là tác phẩm đã được nhạc sĩ viết tại trại sáng tác Vũng Tàu 2006 do Hội Nhạc sĩ VN tổ chức. Họ cũng có thể trầm trồ bởi tầm vóc của giao hưởng - hợp xướng “Khai giác” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo thu hút sự trình diễn của 500 diễn viên tại đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Visak) 2008, nhưng có thể chưa biết đến việc đầu tư một phần kinh phí cho sáng tạo này của Hội Nhạc sĩ VN.
 
Mới đây, khán giả Cần Thơ lần đầu tiên được thưởng thức một vở nhạc kịch VN mang tên “Người giữ cồn” của nhạc sĩ Ca Lê Thuần được trình diễn nhân dịp khánh thành cầu Cần Thơ, chắc cũng không mấy người biết tác phẩm nhạc kịch VN đầu tiên ở thế kỷ mới này có được ngoài tài năng của tác giả, cũng cần kể đến sự đầu tư sáng tác về kinh phí của hội.

Tuy quan tâm chính của hội vẫn là sáng tác của các hội viên, nhưng suốt 5 năm qua, hội cũng đã nỗ lực trong những hoạt động biểu diễn. Bên cạnh 10 liên hoan âm nhạc là những chương trình ca nhạc do hội đứng ra tổ chức, đó là chương trình “Âm thanh trong ngày mới” (12.2006) tôn vinh các nhạc sĩ giải thưởng Hồ Chí Minh, hoặc chương trình “Nhịp điệu xuân” phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ múa VN (4.2009). Đặc biệt, Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam đã tổ chức được lễ hội “Giỗ tổ nghề hát xẩm” (3.2009) tại đình Hào Nam - Hà Nội.

Trong thực trạng hiện nay của âm nhạc VN cũng như các ngành VHNT khác, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nhận định: “Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên” nên “Đã đến lúc phải đưa âm nhạc chính thống về quỹ đạo của nó, phục hồi vị trí của âm nhạc VN từng có trong khu vực và quốc tế” (báo cáo của hội với Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương), hội đã tổ chức nhiều hội thảo về thực trạng âm nhạc như “Ca khúc tác giả trẻ thời kỳ đổi mới” hay “Âm nhạc VN thực trạng và phương hướng” hoặc “Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc”... Những hội thảo này đã phần lớn thấm vào tư duy sáng tạo của hội viên các lứa tuổi, đặc biệt là hội viên trẻ.

Năm năm qua, điểm son đáng kể của nhiệm kỳ bảy là lễ kỷ niệm “50 năm Thành lập Hội Nhạc sĩ VN” (12.2007) với 2 công trình đồ sộ “Kỷ yếu nhạc sĩ VN” và “Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ VN” như 2 bộ cẩm nang âm nhạc VN hiện đại và cũng vào dịp ấy, Hội Nhạc sĩ VN đã vinh dự được đón nhận Huân chương Sao Vàng cùng các huân chương cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

“Năm năm với bấy nhiêu ngày/ Mà trông hội nhạc đổi thay đã nhiều”. Cứ ngẫm lại vừa thấy vui, vừa thấy tin tưởng, vừa muốn góp sức cho những tháng ngày tới. Hướng tới đại hội, từ đêm 4.7.2010 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình giao hưởng của Giáo sư - nhạc sĩ Vĩnh Cát với 2 tác phẩm viết nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đêm 6.7.2010, tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN cũng diễn ra một chương trình chào mừng đại hội. Đại hội lần này sẽ bầu ra 17 nhạc sĩ vào Ban Chấp hành để đủ người đảm trách các công việc đề ra trong nhiệm kỳ mới.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng