Tạp chí Sông Hương -
Những người “Khai quốc công thần” nền giáo dục
10:05 | 16/07/2010
Văn miếu Quốc Tử Giám - ngôi trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng nền văn hiến của dân tộc. Đứng đầu Văn miếu Quốc Tử Giám là các vị Tư nghiệp và Tế tửu - tương đương chức Hiệu trưởng và Hiệu phó các trường Đại học ngày nay.
Những người “Khai quốc công thần” nền giáo dục
Để nắm giữ vị trí này đều là các bậc thầy tài năng, công đức, và để bạn đọc hiểu rõ hơn về những vị thầy đầu tiên “Khai quốc công thần” nền giáo dục nước nhà, bước đầu, Trung tâm dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ đã cho khảo cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách: “Các vị Tư nghiệp và tế tửu Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội”.

Tháng 10 năm 1070, Văn Miếu được xây dựng. Nơi đây thờ Khổng Tử, các vị hiền triết của Nho giáo. Sáu năm sau, Quốc Tử Giám đầu tiên được xây kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử và con em hoàng tộc, về sau mở rộng và thu nhận các các học trò giỏi bốn phương.

Đứng đầu Quốc Tử Giám là các chức quan: Tư nghiệp (tương đương Hiệu trưởng Đại học), Tế tửu (tương đương với Hiệu phó). Và hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám chính là người thầy lỗi lạc Chu Văn An.

Thầy Chu văn An tên thật là Chu An, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu, cùng với Khổng Tử.

Một vị tư nghiệp đáng kính khác của Văn miếu Quốc Tử Giám chính là Nguyễn Phi Khanh - cũng chính là thân sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Không chỉ trình bày kỹ lưỡng về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Phi Khanh, mà còn giới thiệu rất nhiều áng thơ, bài ký đặc sắc minh chứng rõ nét về tài năng và cốt cách của những bậc thầy.

Phùng Khắc Khoan cũng là một vị Tư nghiệp tài đức và còn là một sứ thần xuất sắc. Học vấn uyên thâm của ông không chỉ được vua nhà Minh ghi nhận, mà sứ các nước khác cũng phải nể phục. Tập thơ Vạn thọ viết trong thời gian ông đi sứ nhà Minh được Hoàng đế nhà Minh là Minh Thần Tông cho khắc in để ban hành khắp Trung Quốc. Quê ông ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Mặc dù ông chỉ đỗ Hoàng giáp, nhưng người đời quen gọi ông là trạng Bùng.

Lê Quý Đôn - Nhà khoa học của nhiều lĩnh vực cũng đã từng giữ Tư nghiệp của Văn miếu Quốc Tử Giám. Không chỉ học trò nể phục, mà các quan thần cùng triều cũng đều nể phục tư chất thông minh, tính nết thuần hậu, chăm học, làm việc không biết mệt mỏi của Lê Quý Đôn.

103 vị Tư nghiệp và Tế tửu Văn miếu Quốc Tử Giám đã được cuốn sách này giới thiệu một cách tỉ mỉ, chi tiết, kỹ lưỡng. 103 bậc thầy được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau như tiểu sử, chức vị, công danh, khoa cử, tài năng, đức độ… Tuy có khác nhau về hàm cấp, phẩm trật, hoàn cảnh, nhưng đều là những người thầy đáng kính của trường Quốc Tử Giám.

Theo Phạm Hà – vtv.vn





Các bài mới
Các bài đã đăng