Tạp chí Sông Hương -
Mỹ thuật cổ Thăng Long trên đất phương Nam
09:49 | 20/07/2010
Với mong muốn mang đến cho đông đảo khán giả và công chúng phương Nam hình ảnh về một Thăng Long cổ kính, với nhiều vết tích của lịch sử còn đọng lại trong những tác phẩm nghệ thuật truyền thống, triển lãm “Nét cổ Thăng Long”, do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức đã ra mắt khách thưởng lãm sáng ngày 18-7.
Mỹ thuật cổ Thăng Long trên đất phương Nam
Thềm bậc chạm rồng (bằng đá, thế kỷ 15) tại điện Kính Thiên, khu di tích thành cổ Hà Nội
Tư liệu quý về kiến trúc và điêu khắc cổ

Hơn 120 bức ảnh tư liệu chủ yếu là kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cổ của Hà Nội trong vòng 1.000 năm trở lại đây, được trưng bày tại triển lãm “Nét cổ Thăng Long”, đã khái quát được một vùng đất Thăng Long cổ kính. Điều này thể hiện rõ qua từng tác phẩm nghệ thuật truyền thống mà cha ông đã tạo nên và được truyền giữ từ ngàn xưa đến giờ. Đó là di tích chùa Một Cột được dựng từ thời Lý (năm 1049) mang hình bông sen nở trên mặt nước, là kiến trúc chùa Kim Liên độc đáo thể hiện sự khéo léo và tài hoa của những người thợ Bắc Hà. Đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt, mà còn là một công trình kiến trúc ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa của Nho giáo và Khổng giáo.

Triển lãm còn giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu hình ảnh các di sản điêu khắc độc đáo như tượng Sư tử thời Lý ở chùa Bà Tấm, thềm bậc chạm rồng ở điện Kính Thiên (thế kỷ 15, thời Lê Sơ) trong thành cổ Hà Nội, tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (thế kỷ 16, thời Mạc) ở chùa Đào Xuyên, hệ thống tượng Phật ở chùa Nành, tượng hậu Phật (thế kỷ 17) ở chùa Lý Quốc Sư, tượng Lý Ông Trọng và phu nhân đầy bí ẩn trong hậu cung của Đình Trèm, tượng Huyền Thiên thần Trấn Vũ vốn là niềm tự hào của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ở đền Quan Thánh…

Qua những thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật tạo hình truyền thống trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến đã phát triển không ngừng. Ở vùng ngoại vi, nơi không xa phố xá đô thị, nơi mảnh ruộng, nếp nhà, bờ ao bụi duối luôn gắn chặt với tâm hồn con người, thì nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chứa đựng sự đầm ấm, rộng mở chan hòa với thiên nhiên và con người. Ngược lại, ở trong phố, hệ thống kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng lại chịu sự tác động rõ nét bởi kinh tế thương mại. Có nơi, di tích nép mình trên các con phố, hòa vào với nhịp sống sôi động của người dân kẻ chợ, cũng có nơi nhiều ngôi đền, chùa được xây dựng rất công phu, hệ thống tượng thờ đồ sộ và lộng lẫy… Những tác phẩm này chính là địa hạt cho các phường thợ phô diễn tài nghệ, vẻ tài hoa tinh tế của mình, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân chốn đô hội.

Giữ hồn di sản cho đời sau

Hà Nội xưa được thống kê với hệ thống di tích dày đặc gồm hơn 500 ngôi đình, 600 ngôi chùa, hơn 300 đền miếu với hơn 25.000 hiện vật, mà phần lớn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Dù chỉ giới thiệu với công chúng phương Nam một phần rất nhỏ trong khối di sản đồ sộ ấy, nhưng cũng giúp người ta thấy được một Thăng Long đi lên cùng lịch sử dân tộc, nơi mở đường cho sự phát triển nghệ thuật tạo hình, hội tụ những tinh hoa của đất trời Đại Việt để rồi từ đó lan tỏa khắp bốn phương.

Với bề dày ngàn năm văn hiến, di sản nghệ thuật cổ của mảnh đất rồng thiêng mang đậm dấu ấn của sự hòa đồng, dung nạp tinh hoa và cởi mở của người Thăng Long - Hà Nội trong suốt dặm dài lịch sử đã qua. “Những con số từ cuộc triển lãm dù rất khiêm tốn nhưng cũng đủ để người dân TPHCM thấy được nét độc đáo của đất Thăng Long. “Nét cổ Thăng Long” không chỉ phát huy các giá trị di sản văn hóa, cổ vũ lòng tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ hôm nay khi nhìn quá khứ và hướng tới tương lai”, bà Mã Thanh Cao, Quyền Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phát biểu. Được biết, triển lãm ảnh tư liệu “Nét cổ Thăng Long” trưng bày đến hết ngày 30-7-2010 tại số 97 Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM.

Theo Minh An - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng
Kỳ án giấc mơ (19/07/2010)