Tạp chí Sông Hương -
Đại hội VII Hội Điện ảnh Việt Nam: 3 tiền đề và 5 giải pháp
09:47 | 22/07/2010
Sáng 21.7, Đại hội VII Hội Điện ảnh VN đã chính thức khai mạc, sau một ngày họp nội bộ khá êm ả với hơn 400 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - đã đến dự.
Đại hội VII Hội Điện ảnh Việt Nam: 3 tiền đề và 5 giải pháp
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bức trướng của Ban Bí thư tặng Hội Điện ảnh VN.

Ban Bí thư đã tặng đại hội bức trướng với dòng chữ "Đoàn kết - dân chủ - xây dựng - sáng tạo". Một lần nữa, chữ "đoàn kết" lại mở đầu như một sự nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu, nhất là với giới văn nghệ sĩ vốn nhiều cá tính mạnh mẽ.

Bức tranh sáng nhạt

Nhìn chung, không khí ĐH năm nay có phần lắng hơn các kỳ trước, nhưng vẫn đông vui. Một số gương mặt diễn viên TPHCM như Việt Trinh, Quyền Linh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên, Ngọc Hiệp... cũng xuất hiện.

So với các ĐH lần trước, nét mới lần này là trước bài tổng kết nhiệm kỳ của PGS-TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN - có một đoạn video khoảng trên 30 phút về hoạt động của hội nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng phim hơi dài và thiếu điểm nhấn.

Hơi dài cũng là bài tổng kết của ông Trần Luân Kim, nhưng có nhiều điểm đáng chú ý. Đó là thị trường điện ảnh đã được hình thành rõ nét hơn ở ta, với việc phát triển các cụm rạp hiện đại của tư nhân. Phim truyện truyền hình đã tăng từ 200 tập năm 2006 lên 2.000 tập năm 2010. Một số hãng phim đã cổ phần hóa hoặc chuyển thành Cty TNHH một thành viên. Nhược điểm lớn nhất, dễ nhìn thấy nhất là số phim nhựa sản xuất ra mỗi năm là quá ít. Khả năng huy động vốn, thu hút các nguồn lực xã hội mới chỉ nằm trên giấy tờ nhiều hơn, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc là khá muộn màng...

Sau khi điểm qua tổng quan về tình hình sáng tác ở các khu vực, Ban chấp hành hội đưa ra 10 vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ việc nhận thức lại điện ảnh coi nhu cầu hưởng thụ xã hội là yếu tố chi phối nhu cầu sản xuất - sản xuất phim đứng vững trên cơ sở phục vụ hữu hiệu xã hội, đến hoạch định chiến lược phát triển điện ảnh dân tộc. Trong đó phải xây dựng được nền công nghệ điện ảnh đồng bộ, gồm công nghệ chế tác kịch bản, công nghệ sản xuất phim và công nghệ tiếp cận thị trường. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về đào tạo, cơ chế chính sách, quan hệ điện ảnh - truyền hình....

Đại hội VII Hội Điện ảnh VN. Ảnh: V.V


Tiền đề và giải pháp

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ 3 tiền đề quan trọng để phát triển điện ảnh. Đó là nhu cầu xem phim của quần chúng nhân dân rất lớn - với dân số 87 triệu người VN. Nhà nước quan tâm, phát triển văn hóa nói chung trong đó có điện ảnh. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Luật Điện ảnh là cơ sở để phát triển điện ảnh. Những cơ hội hợp tác với quốc tế đang được mở ra thuận lợi. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 giải pháp để phát triển điện ảnh. Trước hết là vấn đề đào tạo, đề xuất của hội về cử 200-300 người đi học ở nước ngoài là rất quan trọng.

Tiếp đến là mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy. Nhà nước tiếp tục đặt hàng một số phim, nhưng có lựa chọn kỹ để đạt hiệu quả tối đa, phục vụ nhu cầu nhân dân tốt nhất. Phải đổi mới công tác phát hành để đem phim đến phục vụ bà con ở vùng xa nhất, sâu nhất, song song là đưa phim VN ra nước ngoài. Cuối cùng là đánh giá chất lượng tác phẩm chính xác, kịp thời. Buổi chiều, tham luận các đại biểu đề cập đến một số vấn đề tồn tại của điện ảnh VN, đều là những thứ “biết rồi”, nhưng “khổ lắm” vẫn phải “nói mãi” để chuyển. Mong muốn chung là hướng tới một nền điện ảnh VN phát triển mạnh mẽ, giàu bản sắc, nhất là trong bối cảnh các phim ngoại tràn ngập.

Đạo diễn - NSƯT Trần Vịnh phát biểu thẳng thắn với phóng viên LĐ: “Ban chấp hành mới phải dũng cảm, có nghề và bảo vệ quyền lợi cho hội viên, tham gia xốc nền điện ảnh đi lên. Hiện phim VN èo uột, nhiều xưởng “sống thực vật”, trông vào tư nhân bỏ tiền làm phim. Theo tôi, Nhà nước hãy tiếp tục bỏ tiền ra để đặt hàng làm phim truyền thống và đừng tính lãi vật chất, hãy tính lãi tinh thần. Làm xong phim hãy bỏ tiền đầu tư nhân bản, đem bản phim nhựa về chiếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa xem, chứ không phải bản DVD như trước”.

Trong khi đó, một nhóm nghệ sĩ trẻ thì cho rằng: Điện ảnh là công nghệ. Bởi thế việc đổi mới công nghệ, đầu tư con người và thiết bị là vô cùng thiết yếu, cũng như việc hợp tác với nước ngoài và tiếp tục mở rộng cửa tư nhân. Đã đến lúc cần một ban chấp hành mới năng động, quyết liệt, chứ không cần những vị hiền lành, chậm chạp nữa, để có thể cùng chung một ngôn ngữ với điện ảnh đương đại thế giới!

Và Ban chấp hành mới với 15 vị đã kịp ra mắt cuối buổi chiều để tối BCH kịp họp riêng phiên đầu tiên bầu ra chủ tịch hội và các chức danh quan trọng khác.

                                                                                      Theo LĐ









Các bài mới
Các bài đã đăng