Tạp chí Sông Hương -
Hàng ngàn năm trước hoa sen mặc nhiên đã là Quốc hoa
09:06 | 27/07/2010
Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng việc cần thiết chọn một loài hoa làm "Quốc hoa" cho Việt Nam, làm biểu tượng cho văn hóa Việt. Việc làm này không mới, mà đã được phát động trước đây qua kênh thông tin của báo Tuổi Trẻ, TP.HCM.
Hàng ngàn năm trước hoa sen mặc nhiên đã là Quốc hoa
Nhiều ý kiến thăm dò cho biết hoa sen hoàn toàn xứng đáng là Quốc hoa của nước ta, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố chính thức. Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu đến quý độc giả ý kiến và những tổng hợp ý kiến dưới đây của tác giả Dương Kinh Thành.

Hoa sen đã và đang tồn tại, hiện hữu trên ruộng đồng bao la sắc thắm của dân tộc Việt Nam; được lưu giữ trang trọng trong các hoa văn đền, chùa, miếu mạo trải dài từ Nam ra Bắc.  Chưa có loài hoa nào ở nước ta có được nhiều vị trí từ đồng ruộng dân dã cho đến những nơi tôn nghiêm như vậy mà không mất đi dáng dấp bình dân, nhưng đượm vẻ thanh cao như hoa sen.

Nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta không thể không nói đến công ơn của vua Lý Thái Tổ mà cuộc đời Ngài cũng bắt đầu từ hoa sen. Đó là một trong những chi tiết về cuộc đời Lý Công Uẩn, rằng thân phụ Ngài chết trong khu rừng Báng, những gò đất chung quanh tụ lại thành hoa sen tám cánh, ứng hiện cho tám đời vua nhà Lý tồn tại trong suốt 215 năm (1010-1225). Đến đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) thì hoa sen đã trở thành biểu trưng văn hóa Việt Nam; đó là hình thái chùa Một Cột, một đóa sen định thể cho sức sống và tâm hồn người Việt ngay giữa lòng kinh đô Thăng Long.

Chính vì là biểu trưng văn hóa dân tộc, hoa sen đã đi vào thơ ca, cổ tích và tình yêu đôi lứa một cách thi vị. Hoa sen ngày nay đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực xã hội, được chọn làm biểu trưng cho các tổ chức hoặc trong các cuộc lễ lạt quan trọng. Dù là để trang trí hay chèn trong các pano, áp phích, quảng cáo v.v… Trong hội họa, trong nghệ thuật cũng vậy, hoa sen luôn là đề tài không bao giờ cạn với cảm hứng sáng tác. Có thể lấy một ví dụ rất ấn tượng là chương trình mang tên "1.000 năm sau hoa sen vẫn nở"của ngành y tế thành phố HCM ngày 25-2-2006. Dược sĩ Trần Thị Đào, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm thổ lộ:

"Chúng tôi lấy slogan của công ty "Một ngàn năm sau hoa sen vẫn nở"bởi đối với ngành y, cây sen là một nguồn dược liệu quý (liên hoa chi dược). Sen nở để tỏa hương, dâng sắc và để hữu ích cho đời. Sen như ẩn dụ những dược sư áo trắng, những truyền nhân của dược sư Hải Thượng, Tuệ Tĩnh, những danh sư dưới rặng tre lũy trúc, băng qua những đường làng, cánh đồng. Với chủ đề này, chúng tôi muốn mỗi một cá nhân trong ngành đều là một cành sen tươi thắm, góp chút hương sắc cho đời." (nguồn:TT 23-2-2006).

Từ bài viết của tác giả Lê Văn Nuôi "Cần chọn Quốc hoa làm biểu tượng văn hóa Việt" (TT, 12.6.2006) , liên tiếp những ngày sau báo Tuổi Trẻ đã tạo sức hấp dẫn qua diễn đàn "Để mọi người bình chọn Quốc hoa". Và tất nhiên hoa sen chính là biểu tượng được hầu hết bạn đọc bình chọn. Tuy nhiên chen lẫn trong đó có ý kiến của bạn đọc Thái Trung, đã làm diễn đàn bỗng dưng chựng lại và… mất hút! Đó là "Nếu chọn hoa sen thì chúng ta đã trễ mất rồi. Người Ấn Độ đã nhanh chân hơn và hoa sen là Quốc hoa của họ. Dù không là Quốc hoa của chúng ta, hoa sen vẫn mãi là hình ảnh đẹp nhất thể hiện bản chất của người Việt Nam:gần bùn mà vẫn đẹp, vẫn trong sáng và "chẳng hôi tanh mùi bùn". Đây là địa chỉ tham khảo:http://www.inde-en-ligne.com" (nguồn: TT 20-6-2006).

Những ngày này sự kiện "Quốc hoa" một lần nữa được hâm nóng; lần này do Bộ VH-TT&DL phát động với chủ đề "Quốc hoa Việt Nam. Sự cần thiết tôn vinh và tiêu chí lựa chọn". Đã có nhiều ý kiến tham gia bình chọn, đặc biệt các nhà nghiên cứu, các lãnh vực cũng đều góp tiếng nói của mình, làm cho ý nghĩa cuộc bình chọn lần này tăng thêm phần hào hứng và ý nghĩa lớn. Qua đó, những lo ngại như bạn đọc Thái Trung kể trên hay các tiêu chí khác đã không còn là cản ngại nữa và tất cả như đều sẵn sàng mang bên mình cành sen văn hóa dân tộc bước vào vận hội mới.

Ngàn năm sau hoa sen vẫn nở! Đúng vậy, hoa sen đã nở trong lòng dân tộc hàng ngàn năm trước và sẽ luôn luôn tươi nở để chứng tỏ với bạn bè năm châu thấy được giá trị tinh thần cũng như con người của dân tộc Việt Nam.

Một chi tiết quan trọng nữa xin kể thêm ra đây để củng cố thêm cho nhận định "Hoa sen đã là Quốc hoa". Trong chúng ta hầu như ai cũng thấy được hình thức kinh doanh của ngành hàng không dân dụng có tính chất đặc thù đặc biệt hơn hẳn các ngành kinh tế khác. Nó vừa mang ý nghĩa chính trị, diện mạo một quốc gia và là một cánh cửa ngoại giao đa năng. Vâng! Chúng ta đang nói đến Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Arlines- VNA).


Ngày 20-10-2002, chiếc Boeing 777 đầu tiên mang biểu tượng (logo) mới của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam với cánh sen vàng trên nền xanh dương sẽ về đến sân bay Nội Bài. (...) Tại sao phải thay logo và chọn cánh sen vàng thay chú cò quen thuộc đang bay qua vầng trăng ? Ông Lương Hoài Nam - lúc đó là Trưởng ban Kế hoạch Thị trường của VNA cho biết:  

Năm 1989, Hãng Hàng không Việt Nam được tách khỏi sự quản lý của Bộ Quốc phòng và hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, với tên gọi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Tháng1-1990, VNA tổ chức cuộc thi sáng tác logo và cánh cò bay qua vầng trăng của họa sĩ Nguyễn Văn Thân được chọn. Vào thời điểm đó ngành mỹ thuật công nghiệp Việt Nam còn yếu, VNA đề nghị Công ty Airbus sử dụng ý tưởng của họa sĩ, hơn nữa VNA chưa đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh biểu tượng (...). Về trực cảm mà nói, trên bầu trời và nhất là giữa các sân bay quốc tế lớn, máy bay của VNA với màu trắng và biểu tượng con cò trông rất mảnh mai, yếu ớt, không gây ấn tượng với khách hàng (...). Việc thay đổi một biểu tượng logo rất tốn kém (Cathay Pacific của Hongkong chi tới 16 triệu USD cho việc thay logo của họ) nên VNA đàm phán với các đối tác cho thuê và bán máy bay để được hỗ trợ về mặt tài chính. Boeing đã đồng ý tài trợ cho dự án này thông qua Peck Communication. VNA thực hiện logo mới dựa trên cơ sở tham khảo các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, lịch sử, mỹ thuật v.v... Phần thiết kế mỹ thuật do họa sĩ Victor Kubo - người Mỹ gốc Nhật - thực hiện. Năm 1997, VNA cho sơn thử chiếc Boeing 747 đầu tiên để thăm dò ý kiến dư luận (...).

Về phần mình, nhà thiết kế logo mới cho VNA - Victor Kubo nói: "Tôi có rất nhiều ý tưởng để so sánh và lựa chọn. Tôi đã đi khảo sát rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Đến các đình, chùa, lăng tẩm, các làng xóm từ miền Nam đến miền Bắc. Tôi thấy hoa sen có mặt khắp mọi nơi, nó mọc tự nhiên và cũng được yêu mến một cách tự nhiên. Hoa sen đẹp - một vẻ đẹp châu Á. Tôi cũng là người châu Á nên tôi cảm nhận được gần như tất cả điều đó. Khi đã chọn được hoa sen để làm biểu tượng rồi thì phần thể hiện còn lại hoàn toàn mang tính công nghệ và chuyên nghiệp".

Để chọn được biểu tượng hoa sen bên cạnh những đề xuất như chiếc nón lá, cây tre, trống đồng, bông lúa v.v... sau khi phân tích so sánh những ưu nhược điểm của các hình tượng trên, kết quả chỉ có hoa sen là đạt được mục tiêu chiến lược quảng bá hình ảnh dài hạn của VNA. Cũng theo ông Lương Hoài Nam, có đến sáu tiêu chí để VNA chọn hoa sen như sau:

Thứ nhất: Nó phản ành văn hóa, lịch sử Việt Nam, thu hút sự chú ý, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hoa sen có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam, nó tượng trưng cho sự khai sáng và hoàn mỹ theo triết học nhà Phật và phản ảnh sức vươn lên của dân tộc Việt Nam. Hoa sen có trong mọi mặt của cuộc sống, trong kiến trúc cung đình và tôn giáo, trong văn học nghệ thuật...

Thứ hai: Nó có sự khác biệt hoàn toàn so với biểu tượng hiện thời (con cò bay qua vầng trăng).

Thứ ba: Nó có tính độc đáo, khác biệt so với các hãng hàng không trong
khu vực. Một số hãng đã sử dụng thành công biểu tượng hoa như China Airlines, Aloha Airlines, Hawaiian Airline, nhưng chưa có hãng nào sử dụng hoa sen. Đại đa số các hãng hàng không châu Á dùng biểu tượng cánh chim - do vậy quá nhàm và không có nét độc đáo.

Thứ tư: Hoa sen là biểu trưng mà người nước ngoài có thể cảm nhận được ý nghĩa: cả thế giới đều biết đến hoa sen như biểu tượng của giá trị văn hóa và vẻ đẹp châu Á. Hiện thời văn hóa Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên thế giới nhưng hoa sen rất phổ biến và được đánh giá cao nên sẽ giúp cho việc biểu đạt một hình ảnh mang ý nghĩa tích cực. Cùng với thời gian, nó sẽ trở thành một biểu tượng mạnh cho Việt Nam trên thế giới.

Thứ năm: Nó phản ảnh phong thái lịch lãm của người Việt Nam: hoa sen là loài hoa thân thiện, hòa bình - đó là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng biểu tượng mới của hãng để truyền đạt thông điệp hòa bình, hữu nghị tới toàn thế giới.

Và cuối cùng, logo này là một biểu tượng tinh tế ngang tầm với biểu tượng của các hãng lớn trong khu vực.

Về hình họa, biểu tượng này cho phép có nhiều khả năng ứng dụng đa dạng nhưng vẫn giữ được những nét chính để phân biệt (...).(nguồn: Thu Ha-TTCN, 13-10-2002)

Như vậy, VNA đã đi trước chúng ta rất lâu trong việc chọn hoa sen mà sáu tiêu chí vừa nêu của họ không xa lạ; đáng để bổ sung những tiêu chí bình chọn của chúng ta ngày hôm nay.

Kề từ khi ban Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã ươm mầm cho hoa sen nở mãi ngàn năm, kéo vang xa mãi thanh âm tự hào một dân tộc luôn biết vươn lên từ nơi tăm tối. Vâng! Hoa sen - Văn hóa Dân tộc đã đến thời bừng khai.


Theo Dương Kinh Thành - GNO




Các bài mới
Các bài đã đăng