Về việc tự ứng cử, nhà văn Triệu Lam Châu yêu cầu, ai ứng cử phải lên diễn đàn, nói chương trình hoạt động của mình như thế nào, chứ không được ứng cử trên giấy. Về chuyện đề cử, nhà thơ Võ Sa Hà nói: Ai không thích thì cho rút và chỉ nên bầu một lần, lấy từ cao xuống thấp chứ bầu đến 3 lần thì rất phiền. Hãy để thời gian làm việc khác. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng cho rằng bầu cử phải gọn và khoa học. Ông đã dự nhiều lần đại hội nhưng đều thấy mất quá nhiều thời gian về tổ chức mà không được bàn về chuyện văn chương, về “tai nạn” văn chương, không đưa ra được những kiến nghị của giới văn chương với Nhà nước. Rốt cuộc, thông qua phương thức giơ tay biểu quyết, các hội viên đã thống nhất sẽ bầu ra BCH mới với 15 người. Và đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm “bội thực” số ứng cử viên BCH, đại hội đã thống nhất chọn ra 30 người để đưa vào danh sách bầu cử, nhưng sau đó 12 người xin rút. Bên cạnh nhân sự cho 15 “ghế nóng”, các nhà văn, nhà thơ cũng đã bày tỏ ý kiến gửi gắm, trông chờ việc cải thiện hoạt động của hội… Có lẽ trong thời gian tới, BCH mới sẽ phải rất vất vả để đáp ứng yêu cầu thiết thực của các hội viên. Ngày hôm nay, đại hội sẽ khai mạc phiên chính thức và ra mắt BCH mới. Nội lực nhà văn Làm thế nào để có được các tác phẩm văn học chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thời đại là một trong những chủ đề “nóng” tại đại hội. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã trao đổi với một số nhà văn bên lề đại hội. Nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ ý kiến: Nhà văn không có hội thì họ vẫn sáng tác, song một điều cần làm là tạo sự kích thích, hưng phấn để các tác phẩm văn học có điều kiện phát triển theo kiểu trăm hoa đua nở, để nhà văn có thể phát huy khả năng sáng tạo, cá tính của mỗi người trong các tác phẩm. Các trại sáng tác được lập ra rất nhiều, nhưng chất lượng không thật tốt như ý muốn. Theo tôi, không nên đầu tư dàn trải theo kiểu “mành mành” như đã từng thực hiện trước đây mà cần chọn lọc, đầu tư có chiều sâu. Ví dụ, thay vì hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi người thì hỗ trợ hẳn 300 triệu đồng, để người viết có thể thoát ra khỏi nỗi lo cơm áo, gạo tiền, toàn tâm toàn sức dành cho sáng tác. Việc chọn người để đầu tư cũng phải thật sự công bằng, không thiên lệch. Không câu nệ vào tuổi tác, già hay trẻ mà cần ủng hộ những cây bút đang có phong độ tốt, đang sung sức. Cạnh đó, để tạo động lực cho văn học phát triển cũng cần thay đổi tư duy trong việc xét và chấm giải thưởng. Thay vì việc trao thưởng cho những tác phẩm “lành lành”, “xinh xinh”, “ấm áp” như mọi khi cũng cần phải có sự quan tâm tới những cách thể hiện mới. Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng, ngày nay với sự bành trướng của công nghệ giải trí, sự tồn tại và phát triển của văn học đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề. Đã xuất hiện quan niệm bi quan về số phận của các sản phẩm văn học. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo nhìn cho kỹ sẽ thấy cuộc khủng hoảng này là tất yếu theo quy luật phát triển. Đời sống người dân nước ta được nâng cao, kinh tế xã hội phát triển nhanh nên mọi người đều dành thời gian cho công việc. Số người dành cho việc đọc sách văn học ít đi. Và, sẽ là hoang tưởng nếu cho rằng văn học có thể cạnh tranh với công nghệ giải trí bằng năng lực “sát thủ giết thời gian”. Văn học chỉ có thể tồn tại và phát triển từ những gì thuộc về nó và đặc trưng của nó. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mỗi nhà văn phải tự vận động để tạo ra cho mình môi trường làm việc tốt nhất. Như các nhà văn hải ngoại chẳng hạn, họ phải tự thân, không có đoàn hội để nương tựa, lại phải kiếm sống, nhưng vì tình yêu với đất nước, với văn học, họ vẫn viết và dịch rất nhiều sách. Các nhà văn Việt Nam cần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, qua các hình thức như tổ chức trại viết, tài trợ, giao lưu, gặp gỡ... Dưới góc nhìn của mình, ông Thọ cho rằng, với những tác phẩm “có vấn đề” cũng cần được thảo luận, để thấy nó được hay không được ở chỗ nào. Điều đó cũng ít nhiều giúp các nhà văn chập chững bước vào nghề tránh được vấp váp. Theo Thu Hà - SGGP |