Đôi dép mo cau của ông Lê Bá Hùng, nguyên là chiến sỹ của Tiểu đoàn 274, Trung đoàn 18, quê Đồng Hới, Quảng Bình được cất giữ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Được biết, tháng 10-1950, ông Hùng nhận được lệnh ra biên giới Việt Nam- Trung Quốc nhận vũ khí, dọc đường hành quân không có giày dép, ông Hùng nảy ra sáng kiến xin bẹ mo cau của dân để cắt làm dép, không chỉ làm một đôi cho bản thân mà ông Hùng còn làm nhiều đôi cho đồng đội để hành quân. Một kỷ vật khác cũng đơn giản nhưng nhiều ý nghĩa đó là chiếc nồi gang của mẹ Trần Thị Đỉnh, thôn Đức Thái, xã Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên- Huế dùng để nấu cơm nuôi các con và bộ đội. Ngôi nhà của mẹ là cơ sở cách mạng của cả hai cuộc kháng chiến. Gia đình mẹ có ba thế hệ đều tham gia cách mạng, 24 người con, cháu nội, ngoại đã hy sinh, 5 trong 6 người con của mẹ là liệt sỹ, 1 người con dâu và 1 người cháu của mẹ cũng được phong danh hiệu anh hùng. Người con trai duy nhất còn sống của mẹ trở về từ chiến trường mang chiếc nồi gang đến hiến tặng bảo tàng không khỏi xúc động cho biết, chiếc nồi này chính là của hồi môn bà ngoại cho trước khi mẹ Đỉnh về nhà chồng. Nằm trong phòng trưng bày có một chiếc liềm, nhưng đằng sau đó là câu chuyện về chị Lê Thị Bích Hường, quê ở Thanh Lam, Thanh Chương (Nghệ An) rất anh dũng. Ngày 27-8-1966 trong lúc đi làm đồng phát hiện phi công Mỹ rơi, chị Hường đã dùng chiếc liềm của mình xông vào bắt sống được tên giặc lái này. Chiếc liềm đó chị Hường cất giữ để làm vật kỷ niệm, vừa qua, chị hiến tặng cho Bảo tàng QK4. Chiếc nỏ của cụ Pàng (80 tuổi), người dân tộc Pa cô, trú tại A Luới, Thừa Thiên- Huế đã dùng bắn chết lính Mỹ đầu tiên ở huyện vùng cao A Lưới, rồi nhiều kỷ vật khác như cờ chỉ huy, thư thời chiến, nhật ký chiến trường, bằng khen, huy chương, các tác phẩm văn học thời chiến, các loại vũ khí, đồ dùng cá nhân… Biết bao câu chuyện đầy cảm động sau mỗi kỷ vật kháng chiến đã để lại. Theo Phan Sáng - TP |