Tạp chí Sông Hương -
Kịch thiếu nhi “Trông giỏ bỏ thóc” lúc... trái mùa
09:19 | 24/08/2010
Mùa hè năm nay, kịch thiếu nhi bỗng nhiên nở rộ trên hầu hết các sân khấu TPHCM. Ngoài đơn vị đã có thương hiệu kịch thiếu nhi như IDECAF nay xuất hiện thêm nhiều địa chỉ kịch thiếu nhi mới như rạp Hưng Đạo có vở “Chúa tể muôn loài”, sân khấu Hoàng Thái Thanh có vở “Nữ hoàng ngang ngược”, sân khấu Super Bowl có vở “Chuyện cái bồ”, sân khấu Phú Nhuận cũng gấp rút dàn dựng vở “Cuộc chiến ẩm thực” dựa theo truyền thuyết bánh chưng bánh dày…
Kịch thiếu nhi “Trông giỏ bỏ thóc” lúc... trái mùa
Vở “Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên”.
Trong khi đó, gần như đã thành thông lệ, chương trình “Ngôi nhà của bé 2010” diễn ra ở Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục mang lại cho thiếu nhi những vở kịch ngắn thú vị. Hòa trong không khí đáng phấn khởi ấy, những người có tham vọng nâng cao đời sống tinh thần cho tuổi thơ không thể không băn khoăn một điều, phải chăng mỗi năm chỉ có một mùa kịch thiếu nhi?

IDECAF với 10 năm theo đuổi dòng nghệ thuật phục vụ đối tượng nhỏ tuổi, kịch thiếu nhi đã được thực hiện, sân khấu IDECAF đã có khoảng 40 tác phẩm và rất tự hào về chương trình “Ngày xửa ngày xưa” thu hút được khán giả nhí và sự tán dương của các bậc phụ huynh. Ngay vở mới nhất có tên gọi “Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên”, vẫn chứng tỏ được phong độ và đẳng cấp của những người thực hiện qua 20 lần thiết kế chương trình “Ngày xửa ngày xưa”.

IDECAF có ba thời điểm tiếp cận trẻ em là vào mùa hè, trung thu và Noel. Trong đó, mùa hè có thể diễn 40 buổi, trung thu diễn 30 buổi, còn dịp mùa Noel chỉ có thể diễn 20 buổi. Do đó, các đơn vị nghệ thuật buộc phải chọn mùa hè để tung ra kịch thiếu nhi mới mong lấy lại vốn. Ngược lại, muốn gửi một món quà cho tuổi thơ vào mùa trung thu hoặc Noel, không thể không thu hẹp quy mô vở diễn theo phương châm “trông giỏ bỏ thóc”.

Kịch dành cho người lớn càng đậm chất đời thường càng có sức thuyết phục, nhưng kịch cho trẻ em luôn đòi hỏi phải chứa đựng nhiều yếu tố phi thường, từ hình ảnh nhân vật cho đến tình huống tưởng tượng. Để phù hợp với khán giả nhí, trang phục của diễn viên cũng hướng đến sự rực rỡ và hoa mỹ. Vì vậy, kinh phí đầu tư cho một vở kịch thiếu nhi bao giờ cũng tối thiểu gấp ba lần kinh phí đầu tư cho một vở kịch người lớn. Cho nên, có lẽ cần nghĩ đến một chiến lược trợ giá cho kịch thiếu nhi mới mong phát triển dòng nghệ thuật đang đứng trước nhiều thử thách này.

Hầu như mọi vở kịch thiếu nhi nhiều năm nay đều dựa vào kho tàng cổ tích Việt Nam và thế giới như “Phù Đổng Thiên Vương”, “Phù thủy lắm chiêu”, “Hoàng tử Ai Cập” hoặc “Chú mèo đi hia”. Bên cạnh giá trị của những thần thoại, một đề tài nữa cũng hấp dẫn trẻ em là khoa học giả tưởng. Về tương lai, sàn diễn dành cho tuổi thơ không thể không nghĩ đến những kịch bản ấn tượng hơn nhưng để khuyến khích những nhà viết kịch khai phá lãnh địa ấy vẫn còn nhiều việc phải làm.

Để cân bằng thu – chi, tụ điểm sân khấu không thể trả nhuận bút một kịch bản của kịch thiếu nhi ngang với kịch bản của kịch người lớn. Hơn nữa, một vở kịch lôi kéo người lớn đến rạp luôn có tác dụng quảng bá tên tuổi nhà viết kịch gấp nhiều lần một vở kịch ăn khách với thiếu nhi. Chính lý do đó, nhà viết kịch phải tìm thấy niềm vui cá nhân trong mỗi kịch bản dành cho thiếu nhi mới có thể hy sinh lợi ích riêng mình. Ở đây, chúng ta phải sòng phẳng nói với nhau một sự thật giản dị: Muốn mở lòng ra với những thành viên hồn nhiên nhất của cộng đồng phải tạm cất đi ánh mắt đắn đo của một nhà kinh tế!

Theo Lê Thiếu Nhơn - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng