Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Tri Phương và tam Xường, tứ Định
10:05 | 25/08/2010
Ở bài viết về nhân vật “nhì Phương”, chúng tôi đã nêu vấn đề nhiều người hay nhầm lẫn Tổng đốc Phương là danh tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đây, xin lược ghi tiểu sử của Nguyễn Tri Phương và thân thế của 2 nhân vật “tam Xường, tứ Định”...
Nguyễn Tri Phương và tam Xường, tứ Định
Francis Garnier - Ảnh: tư liệu
Vị đại thần can trường

Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, người tỉnh Thừa Thiên, làm quan qua 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông từng giữ chức tổng đốc ở Nam kỳ lục tỉnh: An Hà (An Giang, Hà Tiên), Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường), Biên Hòa và Gia Định, rồi làm Kinh lược sứ Nam kỳ...

Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, ông được triều đình Huế cử làm Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Năm 1860, ông lập đại đồn Kỳ Hòa (thực ra là Chí Hòa nhưng người Pháp đọc trại thành Kỳ Hòa) ở Gia Định để chống quân Pháp. Đại đồn thất thủ, ông bị thương, em trai ông là phò mã Nguyễn Duy tử trận. Trong suốt 10 năm sau đó, Nguyễn Tri Phương là Khâm mạng Đại thần chuyên lo đánh dẹp giặc giã ở Bắc kỳ.

Năm 1873, nhân có chuyện tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) với quan nha nhà Nguyễn ở Bắc kỳ, soái phủ Nam kỳ là đô đốc Dupré cử đại úy Francis Garnier ra Bắc trên hai pháo hạm với khoảng 200 quân. Tiếng là ra Bắc để điều đình nhưng khi tới nơi, Garnier đưa tối hậu thư buộc Nguyễn Tri Phương giao thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương không trả lời. Đêm 19, rạng 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Gươm giáo không thể địch lại súng ống và cả đại bác nên chỉ hơn một giờ giao tranh, quân Pháp đã treo cờ Tam tài trên vọng lâu thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Quân Pháp chữa vết thương cho ông nhưng ông phun thuốc ra, tuyệt thực gần một tháng rồi mất, thọ 73 tuổi. Thi hài ông và con trai được đưa về quê an táng. Đích thân vua Tự Đức viết văn tế khóc chung ba vị công thần Nguyễn Lâm, Nguyễn Duy và Nguyễn Tri Phương.

Tam Xường “oai thấu trời”

Nhân vật được xếp hạng ba về sự giàu có thời Sài Gòn - Chợ Lớn mới hình thành là bá hộ Xường. Ông tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, gốc người Minh Hương (tức những Hoa kiều trung thành với nhà Minh, không chịu thần phục nhà Thanh và sang tị nạn ở nước ta), theo đạo Công giáo và gia nhập Việt tịch với tên thường gọi là Xường. Ông Xường được theo học trường thông ngôn nên thông thạo tiếng Pháp và tiếng Hoa, được chính quyền Pháp ở Sài Gòn trọng dụng.

Để biết các thầy thông ngôn thời đó (bây giờ gọi là thông dịch viên) “oách” như thế nào, hãy xem một đoạn trong Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển: “Xưa thầy “thông ngôn” oai lắm: chức làm “interprète” khi “đứng bàn ông Chánh” (thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói, khi “đứng bàn ông Phó”, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa. Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được (làm) một (nhiệm) kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, “oai thấu trời”, “oai hơn ông ghẹ”!” (ông Sĩ - Lê Phát Đạt cũng đi lên từ ngạch thông ngôn rồi được phong hàm “huyện”, nên người dân gọi là Huyện Sĩ).

Quan phục của Nguyễn Tri Phương do quân Pháp lấy được khi chiếm thành Hà Nội, được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Les Invalides - Ảnh: tư liệu


Giàu có và oai phong như vậy nhưng đến năm 30 tuổi, bá hộ Xường từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được ấy để bước vào thương trường. Lĩnh vực kinh doanh mà ông nhắm đến là dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm (lúa gạo, thịt cá...) cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc bá hộ Xường trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Dinh thự của ông nguy nga bề thế, tọa lạc trên đường Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông) nhưng sau khi ông qua đời, tài sản của ông bị con cháu ăn xài, phung phí hết. Trước năm 1975, mộ của ông vẫn còn ở Gò Vấp, nhưng nay không tìm ra dấu tích.

Tứ Định phất nhờ thời

Người xếp hạng tư là bá hộ Định, tên thật Trần Hữu Định. Xuất thân là chủ tiệm cầm đồ (hóa ra thời ấy đã có dịch vụ “cầm, cắm”), rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định) kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Ông phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm. Trần Hữu Định có biệt thự ở nhiều nơi, và cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định (hoặc Hộ Định) là do dân Chợ Lớn thấy ông giàu có nên gọi như vậy.

Sau khi ông mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này. Năm 1960, trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển mô tả cơ ngơi của Trần Hữu Định như sau: “Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hỏa mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”.

Theo Hà Đình Nguyên - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng