Tạp chí Sông Hương -
Gunter Grass và cuốn tự truyện cuối cùng
15:07 | 25/08/2010
Tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel vừa ra mắt "Grimms Wörter: Eine Liebeserklärung" - cuốn sách được xác định là tác phẩm cuối cùng của đời ông ở thể loại tự truyện.
Gunter Grass và cuốn tự truyện cuối cùng
Nhà văn Gunter Grass. Ảnh: Guardian.

Gunter Grass cho biết, Grimms Wörter: Eine Liebeserklärung (tạm dịch: Trang viết của anh em nhà Grimm: Sự tụng ca tình yêu) là cuốn sách ngợi ca anh em nhà Grimm, bình luận về nghệ thuật sử dụng tiếng Đức đầu thế kỷ 19 của họ, đồng thời đề cập đến quá khứ hoạt động chính trị của bản thân nhà văn. Grimms Wörter: Eine Liebeserklärung cũng là phần tiếp theo của hai cuốn tự truyện nổi tiếng: The Box về cuộc đời Grass từ những năm 1960 đến những năm 1990 và Peeling the Onion về việc ông từng đi lính cho Đức quốc xã từ năm 17 tuổi.

"Grimms' Words sẽ kết thúc việc viết tự truyện của tôi. Ở tuổi này rồi, ai cũng có thể ngạc nhiên nếu thấy mình sống thêm được một mùa xuân nữa. Và tôi biết viết một cuốn sách tiêu tốn thời gian như thế nào", nhà văn 82 tuổi chia sẻ với tờ Der Spiegel. Nhưng Grass không sợ cái chết. "Một mặt, tôi nhận thấy rằng, mình đã sẵn sàng cho chuyến đi cuối cùng của cuộc đời. Mặt khác, tôi vẫn còn vô khối sự tò mò. Điều gì sẽ xảy ra với các cháu tôi? Kết quả trận bóng cuối tuần sẽ ra sao? Tất nhiên là còn có nhiều thứ tầm thường khác của cuộc sống mà tôi còn muốn trải nghiệm thêm. Nhưng tôi không e ngại cái chết", ông nói.

Lớn lên bằng những câu chuyện cổ của Grimm, Grass cho biết, hai anh em nhà văn Đức đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm đến tác phẩm của chính ông. Hai cây bút nhà Grimm cũng đã trở thành nguyên mẫu trong rất nhiều sáng tác của ông.

Những câu chuyện của Grimm cũng được Grass sử dụng để viết về "khía cạnh chính trị và xã hội" trong cuộc đời mình. Bởi "anh em nhà Grimm đã sống qua một giai đoạn đầy biến động với những thay đổi quan trọng của lịch sử nên bản thân cuộc đời họ đã là nguồn chất liệu".

Cuốn sách mới cũng nhắc lại chuyện Grass từng đi lính cho Đức quốc xã. Một lần nữa, nhà văn khẳng định, ông không tình nguyện gia nhập lực lượng Waffen-SS trong Thế chiến 2. "Đó không phải là một tội ác có chủ ý của tôi. Như nhiều người khác, tôi bị ép buộc", ông nói.

Một phần lớn thời lượng của buổi phỏng vấn được dành để nói về giải Nobel Văn học mà Grass giành được năm 1999. Tác giả Cái trống thiếc khẳng định, Nobel Văn học không mấy ảnh hưởng đến sự nghiệp, cuộc đời cũng như công việc của ông. "Tôi không để ý xem giải thưởng này có khiến tiếng nói của tôi có trọng lượng hơn không. Tôi cũng không dành cả ngày để nghĩ về nó. Chỉ thỉnh thoảng thôi, tôi có nhớ đến nó. Giải Nobel không giúp tôi viết tốt hơn cũng không làm tôi viết kém đi. Nghĩa là Nobel không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của tôi. Có lẽ vì tôi nhận được giải thưởng này khi đã lớn tuổi. Thực ra thì giải thưởng của Group 47 (Hội các nhà văn Đức sau chiến tranh) mà tôi nhận được năm 1958 quan trọng với tôi hơn, bởi lúc ấy, tôi còn nghèo đói và vô danh như một con chuột trong nhà thờ. Và nó là giải thưởng do các đồng nghiệp uy tín trao tặng, nó mang đến cho tôi ý nghĩa hoàn toàn khác với giải Nobel. Tôi nói như vậy không phải để phủ nhận Nobel Văn học, nhưng thực sự là nó không có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi như người ta vẫn nghĩ".

Nhà văn chia sẻ thêm, suốt 20 năm trước khi nhận được giải Nobel, năm nào ông cũng nhận được điện thoại của các nhà báo hỏi về việc được coi là ứng viên của giải Nobel và "đặt hàng" phỏng vấn ông đầu tiên. Chuyện này lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác cho đến năm 1999, khi nhà văn được Viện Hàn lâm Thụy Điển tôn vinh.

Sau khi ra mắt cuốn tự truyện cuối cùng, Grass dự định dành phần thời gian còn lại của cuộc đời cho các hoạt động in ấn, xuất bản. Ông khẳng định sẽ không cho phép bất cứ nhà xuất bản nào chuyển sách của ông thành dạng ebook, cho đến khi "luật bảo hộ tác quyền đối với nhà văn có sức mạnh hơn".

                                                                                                               Theo eVan








Các bài mới
Các bài đã đăng