Tạp chí Sông Hương -
Giấc mơ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
09:47 | 27/08/2010
“Thượng đế bao giờ cũng phủ một tấm màn rất dày lên trên cuộc sống của con người” - Hesiodos
Giấc mơ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
Nhà văn Mạc Ngôn
Có những miền sâu kín bị khuất lấp khiến chúng ta khó lòng nắm bắt một cách rõ ràng. Giấc mơ là một trong những miền sâu kín huyền bí ấy.

Nói chung, giấc mơ là hoạt động tâm thần, không phụ thuộc vào ý chí, thường diễn ra trong giấc ngủ. Chữ “mộng” cổ được viết tượng hình bằng hình ảnh một người nằm ngủ, dùng hai tay chỉ vào mắt - chỉ những hình ảnh có thể thấy được trong mắt...

Văn học Trung Quốc từ lâu đã có những tác phẩm nói về mộng. Từ các loại mộng cho đến các hình thức xuất hiện cùng với số lượng đông đảo các tác phẩm viết về mộng đã tạo nên một loại hình “Văn học mộng ảo” đặc sắc và trường tồn. Từ Kinh Thi, Tả truyện cho đến Mộng du thiên lão ngâm lưu biệt (Lý Bạch), Mộng Lý Bạch (Đỗ Phủ), Nam Kha mộng (Thang Hiển Tổ), Liêu Trai chí dị (Bồ Tùng Linh), Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc)… tất cả đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả.

Đến với tiểu thuyết Mạc Ngôn, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều giấc mơ, ẩn giấu những điều phi thực kỳ lạ, những khao khát, ham muốn của nhân vật. Nếu như “giấc mộng lầu hồng” của Tào Tuyết Cần dựng nên một bức tranh xã hội phong kiến chân thực thì qua giấc mộng, Mạc Ngôn cũng tạo nên một xã hội Trung Quốc thu nhỏ vô cùng sống động.

Mộng trong Báu vật của đời là những giấc mộng lạ lùng, quái gở. Thượng Quan Lỗ Thị khi mang thai Kim Đồng và Ngọc Nữ thường mơ thấy trong bụng mình là sắt thép, cóc nhái… Những giấc mơ đó gây cảm giác hoang mang, lo sợ, gắn với những dự cảm không lành trong tâm linh.

Người mơ nhiều nhất trong Báu vật của đời chính là Kim Đồng. Giấc mơ đầu tiên của Kim Đồng là giấc mơ về những bầu vú. Trong luồng ánh sáng kỳ lạ, một người phụ nữ tóc dài tha thướt, khuôn mặt lúc giống Lai Đệ, lúc giống Tiên chim Lãnh Đệ, lúc lại là Kim Một Vú rồi bất ngờ biến thành bà người Mĩ. Trong giấc mơ, người phụ nữ nói với Kim Đồng rằng thượng đế của anh ta chính là hai bầu vú, cùng Kim Đồng chơi trò rượt đuổi. Anh ta cố sức đuổi nhưng vẫn không theo kịp đôi bầu vú kia. “Giấc mơ là biểu hiện của những rung động và những dục vọng vô thức” (Freud). Trong hiện thực, khi ham muốn con người không được đáp ứng, nó gây nên những ức chế thần kinh và thường được chuyển hóa qua giấc mơ. Những người phụ nữ trong giấc mơ của Kim Đồng đều là những người quen thuộc, để lại ấn tượng sâu đậm đối với anh ta (nhất là ấn tượng về bầu vú). Kim Đồng từng mê mẩn những bầu vú ấy, khao khát được chạm vào chúng, muốn chiếm hữu chúng. Có phải vì vậy mà trong mơ, Kim Đồng đã cố sức vươn tới để chạm vào hai bầu vú “như đúc bằng vàng khối nạm hai viên ngọc” nhưng cuối cùng vẫn không được thỏa mãn? Tại sao trong giấc mơ kia không có khuôn mặt mẹ? Bởi vì bầu vú mẹ đã “thuộc quyền sở hữu” của Kim Đồng. Giấc mơ cũng biểu hiện mong muốn hoàn thành ước nguyện. Ước nguyện biến thành chim trong giấc mơ của Kim Đồng cũng nhằm thỏa mãn ước vọng được bay cao để vươn tới chạm được hai bầu vú ấy mà thôi.

Giấc mơ ấy đã hữu hình hóa ước muốn bí mật của con người, nói như F.Gaussen: “Chiêm mộng là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm đến nỗi nó vượt ra khỏi vòng cương tỏa của người sáng tạo ra nó; chiêm mộng hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật nhất và trơ trẽn nhất của chính chúng ta”. Mơ là một phần trong cuộc sống con người, để những “bí mật” ấy bộc lộ là “lỗi” của ý thức không đủ sức kiểm duyệt. Kim Đồng là nhân vật hay mơ. Mơ cả trong khi thức. Mẹ anh ta bị Quách Bình Ân đá cho ngã xuống, xách tai cho bà đứng lên rồi lại đá xuống, dậm gót chân lên lưng… Trong nỗi đau khổ vì bất lực, Kim Đồng rơi vào trạng thái khác hẳn. Đây không phải là giấc mơ bị biến dạng (ảo giác, cảm giác rùng rợn, những biến ảo của thế giới đồ vật…) mà là những giấc mơ tỉnh thức con người. Lúc đó, con người rơi vào tâm lý hoang tưởng, các trạng thái hoài nghi, lo sợ được cô lại, được dồn nén… tạo nên hiệu ứng của giấc mơ. Giấc mơ ấy đồng nhất với sự tưởng tượng, sáng tạo những cảnh huống, những sự kiện phù hợp với nhu cầu con người. Kim Đồng đã tự biến mình thành dũng sĩ tiêu diệt kẻ ác, trừng trị kẻ xấu. Bốn trang tiểu thuyết (từ trang 597-600), Kim Đồng đã chìm vào thế giới ảo mộng do anh tự vẽ ra. Vu Vân Vũ, Ngụy Sừng Dê, Trương Rỗ đều run sợ, quy phục trước uy nghiêm của “người hùng” Kim Đồng. Ước muốn của một Kim Đồng yếu đuối, sống như tầm gửi đã biến thành giấc mơ tỉnh thức, giải tỏa được phần nào tâm lý đang bị ức chế vì mặc cảm, vì tình thương đối với mẹ.

Đối với Đàn hương hình, người viết nhận thấy vô thức cá nhân theo quan điểm của Freud có dấu ấn sâu sắc. Trong tác phẩm, ta bắt gặp những trăn trở, những ý tưởng, những ham muốn của nhân vật bộc lộ qua giấc mơ. Đáng lưu ý là giấc mơ của Giáp Con và Mi Nương. Giấc mơ của Mi Nương thường là được ân ái với quan tri huyện Tiền Đinh. Cũng như nhân vật Kim Đồng, cô mơ trong lúc ngủ, mơ khi đang thức. Tâm trí cô luôn dồn về phía quan tri huyện. Những hình ảnh trong giấc mơ xuất phát từ một sự mơ mộng tình cảm, từ những đam mê xoay quanh một người mà mình yêu mến - đó là Tiền Đinh. Giấc mơ đó mang đến cho Mi Nương sự thoả mãn, có được sự khoái cảm. Nhưng giấc mơ của Mi Nương tương đối dễ hiểu, không thấy sự “ngụy trang”, ý thức không kiểm duyệt. Đó là những lúc cô sống hoàn toàn bằng vô thức. Giấc mơ của Giáp Con lại khác. Giấc mơ có được ria mép hổ để nhìn thấy bản tướng người khác. Đó là sự ám ảnh của Giáp Con về những câu chuyện huyền thoại hoang đường mà mẹ từng kể. Theo lời mẹ, người nào có được sợi ria hổ dắt trong người thì có thể thấy rõ chân tướng, bản tướng của người khác. Dưới con mắt của một người có râu hổ như Giáp Con, có kẻ biến thành trâu, bò, lợn, gà... có kẻ cũng có bản tướng là người. Ở phần “Đầu phụng”, Giáp Con đã mơ một giấc mơ dài. Anh ta thấy bố mình là một con báo đen, thấy vợ là bạch xà. Râu hổ mà anh ta có chỉ là một cái lông của Mi Nương. Nhưng giấc mơ của Giáp Con làm chúng ta nghĩ rằng râu hổ có thật. Chính kho huyền thoại mà Mạc Ngôn được “đọc bằng tai” (tức được nghe kể) ngày xưa đã tạo nên những trang viết hấp dẫn, hư thực đan xen một cách tài tình. Giấc mơ của Giáp Con cũng xuất phát từ ham muốn nhưng ẩn sâu bên trong là sự tái nhận thức những người xung quanh mình. Giấc mơ của Mi Nương lại là giấc mơ thiên về tính dục. Giấc mơ của Giáp Con là giấc mơ ám ảnh. Tưởng là Giáp Con ngốc nghếch nhưng Giáp Con chính là người tỉnh táo và nhận ra đúng bản chất con người nhất. Qua giấc mơ, hiện thực con người và xã hội được hiện ra chân thực hơn, trần trụi hơn, sâu sắc hơn trong lòng độc giả.

Hầu như tiểu thuyết nào của Mạc Ngôn cũng có chỗ cho giấc mơ chiếm ngự, dù ít hay nhiều. Báu vật của đời có 8 lần nhân vật nằm mơ, trong đó có 4 lần nhân vật chìm trong những giấc mơ tỉnh thức, những cơn mộng mị chập chờn như thể giữa thực và ảo còn dùng dằng chưa dứt. Kết cấu tác phẩm Tổ tiên có màng chân là một “giấc mộng lớn” được tạo thành từ sáu “giấc mộng con”. Trong Sống đọa thác đày là giấc mơ của Náo Náo gặp lại vợ trong đêm trăng, là cơn ác mộng của Giải Phóng bị Hợp Tác và con trai trả thù. Còn ở Tửu quốc, Đinh Câu chìm vào những giấc mộng mị chập chờn cuối tác phẩm… Tất cả giấc mơ ấy hầu như đều là sự tái hiện suy nghĩ của con người dưới dạng không tự giác, là những ám ảnh của những điều đã xảy ra và linh cảm về những điều sẽ xảy ra. Trong tác phẩm, Mạc Ngôn thường đưa nhân vật của mình vào những giấc mơ chập chờn, những khoảnh khắc hư trong thực, mê trong tỉnh. Giấc mơ trong tác phẩm… là sự sao chép những ham muốn, những tội lỗi và cả những ám ảnh của con người, trong đó có hiện tượng hoán đổi ngôi vị, nhập thân, hóa thân. Tác giả mượn giấc mơ để cho nhân vật tự giác hơn. Tỉnh lại sau giấc mơ, các nhân vật như bừng ngộ và biết ghê sợ cái ác. Nhiều khi chính những hư ảo chập chờn, những ám ảnh lại là con đường ngắn nhất để tìm lại nhân tính và khả năng phục thiện của con người.

Theo Nguyễn Thị Vũ Hoài - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng