Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… đến dự lễ hội. Từ 18h30 đến 20h, lễ cầu an, cầu phúc và nhập linh trống đồng mở màn cho buổi ra mắt 100 chiếc trống mừng Đại lễ. Đoàn nghệ thuật Thanh Hóa trình diễn một số tiết mục phục hồi lễ đánh trống đồng, trên dàn trống đồng riêng, trước khi diễn ra lễ bàn giao. Sáng 29-8, 100 chiếc trống sinh ra từ các làng nghề truyền thống đúc trống đồng (Thanh Hóa) được rước ra Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho màn Nổi trống Lạc Hồng - sự kiện đặc biệt dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng BTC cho biết: “Sau hơn tám tháng, 100 trống đồng được đúc xong bằng phương pháp truyền thống. Ngoài ra còn hai trống, dấu ấn 1.000 rồng tặng Thủ đô Hà Nội, và một trống 100 rồng tặng Mặt trận Tổ quốc VN làm hiện vật cho ngày hội hướng về người nghèo cuối năm nay. Hoa văn lấy từ bốn trống đồng tiêu biểu nhất trong di sản trống đồng Việt Nam: Ngọc Lũ, Quảng Xương, Sông Đà và Hoàng Hạ. Đây hoàn toàn là trống đúc mới, không phải phục chế. Sau lễ cầu an, nhập linh tối 29-8, 100 chiếc trống được đưa vào sử dụng cho tiết mục trong dịp Đại lễ. Số trống đồng này được trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cho nhân dân, khách du lịch tham quan đến 3-9. Ngày 17-10, cũng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, có sự kiện Ngân vang tiếng trống Lạc Hồng và lễ bàn giao trống đồng cho các tỉnh, thành phố, chủ nhân trống đồng, tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu cả nước, kèm theo bảng vàng ghi danh chủ nhân trống đồng. Hơn 50 nghệ nhân tiêu biểu thuộc hai xưởng do nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn và Thiều Quang Tùng đứng đầu góp sức đúc trống. Họ trải qua cuộc thi tuyển do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, mỗi xưởng chịu trách nhiệm đúc 50 trống. Nghệ nhân Thiều Quang Tùng đảm bảo chất lượng trống được kiểm định trong suốt quá trình đúc trống. Đại diện BTC cho biết: “Quá trình đúc trống được tiến hành rất cẩn thận, bắt đầu từ lễ chụm lò đầu tiên ngày 22-12-2009, sau đó tiến hành làm từng đợt. Mỗi đợt, các chủ nhân được thông báo, tham gia theo dõi, giám sát quá trình đúc trống”. Kích thước 100 trống: đường kính 60cm, chiều cao 48 cm (không gồm chân và đế trống), trọng lượng từ 55-60 kg đồng/trống. Riêng chiếc trống họa tiết 1.000 rồng đường kính 100cm, chiều cao 79cm, nặng 320kg; trống 100 rồng đường kính 70cm, chiều cao 48cm, nặng 65 kg, do xưởng đúc của nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn đảm nhiệm. Xưởng anh Tuấn đúc 50 trống họa tiết trống Quảng Xương và Hoàng Hạ.
Theo Toan Toan - TP |