Tạp chí Sông Hương -
Văn chương Việt có thể đột phá?
13:47 | 30/08/2010
Liệu có thể có sự đột phá, đổi mới cho văn chương nước nhà sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam? TPCN có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh.
Văn chương Việt có thể đột phá?
Ảnh: Kim Nhật.

Muốn “đột phá” thì một trong những điều cần làm là phải trẻ hóa đội ngũ nhà văn. Hội Nhà văn sẽ trẻ hóa bằng cách nào?

Nếu nói trẻ hóa đội ngũ thì lâu nay Hội vẫn làm, thông qua nhiều khâu. Còn trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo thì Đại hội VII trong Ban chấp hành có 50% là trẻ. Đại hội VIII cũng có nhiều nhà văn trẻ tham gia Ban chấp hành.

Tuy vậy, trong văn học, cái quan trọng nhất là tài năng. Hội luôn đề cao nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ để họ sớm thành lực lượng chủ lực trong thời gian tới. Cũng cần nói rằng, giữa năng khiếu và tài năng là khác nhau, những người vượt qua thời kỳ bản năng của năng khiếu để thành tài năng xuất sắc vẫn còn hiếm.

Có một thực tế, không chỉ riêng văn học mà một số loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ bị nghiệp dư hóa. Chúng tôi vẫn đang chờ những tài năng để sẵn sàng ngả mũ cúi chào. Hội Nhà văn luôn mở cửa chào đón họ.

Về trẻ hóa đội ngũ quản lý thì tôi nghĩ, nhà quản lý công tác Hội phải có trình độ văn học đến mức nào đó và tất nhiên phải có tài quản lý. Người quản lý cần đoàn kết, quy tụ được các nhà văn, càng nhiều những người trẻ thì càng tốt.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xin ông cho biết quá trình phân nhiệm các hội đồng Thơ, Văn xuôi, Dịch thuật, Lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện đến đâu?

Cuối tháng 9- 2010 này, Hội Nhà văn mới họp Ban chấp hành để quyết định phân nhiệm. Hiện nay, trong thời gian chuyển giao nên bộ máy của Hội, các hội đồng vẫn làm việc bình thường. Việc trước mắt của họ là tập trung xét giải thưởng năm 2010. Bước sơ khảo về cơ bản đã xong.

Sắp tới có cuộc đại triển lãm của các Hội liên hiệp văn học nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với sự góp mặt của 1.000 cuốn sách. Riêng sách văn chương, Hội Nhà văn lựa chọn theo tiêu chí nào?

Đấy chỉ là con số quy ước để triển lãm sách nhân 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội chứ không phải là triển lãm 1.000 cuốn sách là cứ khuân ra đủ số lượng đó mà không tính đến chất lượng. Nói thật, lấy đâu ra đủ 1.000 cuốn sách thật xuất sắc đây?

" Không chỉ riêng văn học, mà một số loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ bị nghiệp dư hóa. Chúng tôi vẫn đang chờ những tài năng, để sẵn sàng ngả mũ cúi chào" - Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Những cuốn sách đến triển lãm lần này sẽ được lựa chọn dựa trên hai tiêu chí - đó là những tác phẩm tiêu biểu có dư luận tốt và đã được nhận giải thưởng văn học. Những tác phẩm được dịch ra nước ngoài, những tác phẩm lọt vào chung khảo các cuộc thi trong vòng 5 năm trở lại đây chẳng hạn.

Ví dụ như cuộc thi tiểu thuyết, gần đây đã có 277 cuốn tham dự và 51 cuốn được lọt vào chung khảo. Ngoài ra, các đầu sách còn được lấy ở hội đồng thơ, văn, dịch, những tác phẩm dự thi hưởng ứng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bên cạnh những cuốn sách, còn triển lãm 15 bình gốm sứ rất đẹp, trên đó có 15 bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh của Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh…

Được biết ông rất quan tâm đến sự đoàn kết. Dư luận cho rằng đây là quan tâm đúng hướng, bởi vấn đề này trong giới nhà văn chưa tốt. Ông có thể tiết lộ kế hoạch lớn cho việc đoàn kết của Hội Nhà văn trong thời gian sắp tới?

Chúng tôi cố gắng xây dựng Hội Nhà văn thành mái nhà chung đầm ấm, thực sự tôn trọng lẫn nhau. Phải có khả năng hiểu biết và tôn trọng những cá tính. Mà cá tính thì có vấn đề gì đâu. Còn khi có ý kiến khác nhau thì chân thành trao đổi. Chân thành và kiên nhẫn chờ đợi.

Cảm ơn ông!

                                                                                                       Theo TP











Các bài mới
Các bài đã đăng