Tạp chí Sông Hương -
Tiền tác quyền đóng trước hay sau?
08:54 | 01/09/2010
Sử dụng tác phẩm âm nhạc là phải xin phép tác giả và đóng phí tác quyền nhưng đóng trước hay sau khi sử dụng ca khúc đã trở thành vấn đề gây tranh cãi
Tiền tác quyền đóng trước hay sau?
Ca sĩ Thanh Thảo biểu diễn trong chương trình Duyên dáng VN. Ảnh: THÙY TRANG

Sau nhiều năm thực thi việc thu hộ tiền sử dụng ca khúc cho các nhạc sĩ, các đơn vị quản lý tập thể quyền tác giả tại VN mà cụ thể là Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả âm nhạc VN của Hội Nhạc sĩ VN đã mang về cho giới nhạc sĩ sáng tác hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
 
Giới nhạc sĩ sáng tác nhờ đó mà được hưởng quyền lợi cả vật chất lẫn tinh thần khi những tác phẩm âm nhạc của mình được sử dụng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong quá trình thực thi.
 
Bộ, sở không thống nhất quan điểm
 
Các đơn vị sản xuất, tổ chức biểu diễn nói họ gặp tình thế khó khăn trong việc sử dụng ca khúc để sản xuất chương trình băng đĩa nhạc và biểu diễn trên sân khấu do phải đóng tiền bản quyền trước mới được cấp phép sản xuất, biểu diễn.
 
Lý do họ đưa ra là có những bài hát đóng tiền tác quyền nhưng sau đó không được cấp phép sản xuất, biểu diễn nên việc đóng tiền trước để được cấp phép là không hợp lý và gây phiền cho người sử dụng trong việc làm đi làm lại thủ tục nếu họ muốn thu hồi tiền lỡ đóng cho trung tâm thu hộ tiền tác quyền.
 
Cũng bởi thu tiền tác quyền trước nên có những tác giả được hưởng tiền tác quyền trong khi bài hát của họ chưa được sử dụng do có sự thay đổi vào giờ chót của nhà tổ chức biểu diễn và ca sĩ, còn nhạc sĩ có bài hát được sử dụng trên thực tế nhưng không được hưởng tiền tác quyền vì chẳng ai chịu thông báo để điều chỉnh.
 
Những nhà sản xuất đĩa nhạc tại TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xem xét lại điều này và sau đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản trả lời là việc thu tiền tác quyền phải thực hiện sau khi tác phẩm đó đã đưa vào sử dụng.

Sở VH-TT-DL TPHCM, nơi cấp phép sản xuất và biểu diễn cho các chương trình thuộc địa bàn quản lý, nói họ không quan tâm đến cách thức thu và trả tiền tác quyền giữa người sử dụng và người cho phép sử dụng như thế nào.
 
Căn cứ vào quy định của luật, khi cấp phép biểu diễn hay sản xuất chương trình băng đĩa nhạc, Sở VH-TT-DL yêu cầu đơn vị, cá nhân xin phép sản xuất, tổ chức chương trình phải chứng minh đầy đủ bằng văn bản về sự chấp thuận của các tác giả có ca khúc sử dụng trong các chương trình đó mới tiến hành cấp phép.
 
Tất nhiên, quan điểm của cả sở và bộ đều không sai nhưng điều rắc rối ở đây là muốn được giấy chấp thuận cho sử dụng ca khúc để đi xin phép sản xuất, biểu diễn thì người cần sử dụng phải đóng tiền tác quyền ca khúc trước cho Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả âm nhạc VN.
 
Có thể điều đình
 
Một nhạc sĩ lên tiếng: Thật không công bằng khi thực tế có những tác giả nhận tiền tác quyền nhưng bài hát của họ không sử dụng trên thực tế, trong khi đó, những ca khúc mà ca sĩ hát thực tế trong chương trình nhưng tác giả bài hát đó lại không nhận được tiền tác quyền. Để không bị vi phạm giấy phép công diễn, có những đơn vị tổ chức chấp nhận đóng tác quyền cho một ca sĩ đến 5 ca khúc để sớm có giấy phép công diễn mặc dù ca sĩ chỉ chọn 2 ca khúc để biểu diễn trong chương trình. Như vậy, trong trường hợp này, nhà tổ chức phải chịu thiệt nếu không muốn vất vả quay lại đòi tiền tác quyền đã đóng thừa ở Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả âm nhạc VN.
 
Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả âm nhạc VN - khu vực phía Nam, cho hay đây là một thực tế nhưng không phải không có cách giải quyết. Ông Cẩn cho rằng biện pháp yêu cầu đóng tiền trước là cách đối phó với nhiều bầu sô hay tìm cách “xù” tiền tác quyền sau khi chương trình kết thúc.
 
Cũng có nhiều chương trình, do các đơn vị có uy tín tổ chức, chúng tôi cũng đã thỏa thuận thu tiền tác quyền ca khúc căn cứ vào thực tế sau khi chương trình diễn ra.
 
Những trường hợp đã đóng tiền tác quyền trước, nếu chương trình có sự thay đổi vào giờ chót, nhà tổ chức có thể báo với chúng tôi trong vòng một tuần để điều chỉnh lại cho đúng tác phẩm đã sử dụng và trả lại tiền tác quyền cho những ca khúc lỡ đóng nhưng không sử dụng thực tế. Bằng cách hợp tác như vậy, chúng ta sẽ giải quyết tốt nghĩa vụ của người sử dụng tác phẩm âm nhạc và giúp cho các nhạc sĩ có tác phẩm sử dụng hưởng đúng quyền lợi được hưởng của mình.

Nguyên tắc phải đóng tiền trước

Theo quy định của quy chế tổ chức biểu diễn, các chương trình băng đĩa, các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp đều phải được cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép sản xuất và cấp phép công diễn.
 
Muốn được cấp phép này, các nhà tổ chức, nhà sản xuất phải có giấy chấp nhận cho phép sử dụng tác phẩm của tác giả có ca khúc được sử dụng trong chương trình băng đĩa hoặc chương trình biểu diễn.
 
Phần lớn các tác giả là nhạc sĩ sáng tác đều ủy quyền cho Trung tâm Bảo hộ Quyền tác giả tác phẩm âm nhạc VN trong việc ký kết hợp đồng cho phép các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng ca khúc của họ và chịu trách nhiệm thu phí tác quyền đối với những tác phẩm được khai thác, sử dụng.
 
Về nguyên tắc, đơn vị, tổ chức, cá nhân muốn được giấy chấp nhận cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc mà họ muốn sử dụng trong chương trình hay sản phẩm đĩa nhạc của mình để xin cấp phép sản xuất hay biểu diễn thì phải đóng tiền tác quyền.



                                                                                                                   Theo NLĐO











Các bài mới
Các bài đã đăng