Tạp chí Sông Hương -
Lão nghệ sĩ đường phố và nỗi nhớ Hà Nội
09:01 | 06/09/2010
Giữa nhịp sống ồn ào của Sài Gòn, thỉnh thoảng, người ta bắt gặp người nghệ sĩ râu bạc kéo chiếc đàn violon hay gảy đàn mandoline, lặng lẽ gửi gắm tâm tình của mình qua những ca khúc viết về Hà Nội. Bên góc công viên 30-4, có người tình cờ đến nghe đàn, có người là khán giả quen thuộc, đã gọi thân mật ông là “lão nghệ sĩ đường phố”.
Lão nghệ sĩ đường phố và nỗi nhớ Hà Nội
Tạ Trí Hải say mê kéo đàn trên hè phố
Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô… Khi một sinh viên trẻ trò chuyện hỏi thăm vì sao ông hay chơi những bản nhạc về phố Hà Nội, mưa Hà Nội, mùa thu Hà Nội…, Tạ Trí Hải - người nghệ sĩ đường phố ấy - trả lời bằng cách hát lại bài Hà Nội, niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân một cách hào hứng.

Nụ cười cởi mở và đôi mắt ánh lên niềm vui, ông bắt đầu kể lại những kỷ niệm của ngày hòa bình năm 1954. Thuở ấy, tuổi thiếu niên của ông và bạn bè trang lứa, đầy niềm tự hào, đã chạy quanh các cửa ô, reo vang, vẫy cờ, đón các anh bộ đội chiến thắng trở về Hà Nội.

Ngay từ bé, cậu thiếu niên ở phố Hàng Điếu ấy quá mê âm nhạc, phải học lóm đàn với các anh, chị, bạn bè biết chơi nhạc. Và, ông bảo làm sao không tự hào vui sướng khi nhớ lại thời niên thiếu được gặp Bác Hồ, khi Bác đến thăm ngôi trường Nguyễn Trãi.

Ngày ấy, Tạ Trí Hải cũng từng là một trong những thiếu niên trong dàn nhạc trỗi khúc bài ca Kết đoàn, được Bác Hồ bắt nhịp. Hà Nội với ký ức tuổi thơ luôn dội vang trong lòng, thỉnh thoảng ông hình dung về bãi sông Hồng, bên cầu Long Biên của một cậu trai nhỏ vẫn thường nhìn chân trời xa với bao ước mơ về âm nhạc…

Thế mà, lớn lên, Tạ Trí Hải lại học khoa chế tạo máy ở Đại học Bách khoa và cây đàn tạm thời bỏ quên để bàn tay chai sạn với nghề cầm búa, bù-loong, mỏ-lết… Rồi, cũng như bao lớp thanh niên trai trẻ của thời đại, Tạ Trí Hải đi bộ đội, công tác ở Sư đoàn 338, tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô, từ năm 1963 đến những tháng năm Mỹ ném bom Hà Nội.

Thời kỳ ấy trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom” của các anh bộ đội Cụ Hồ, thế nào cũng có tiếng đàn mandoline của chàng chiến sĩ Tạ Trí Hải với ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi: Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên!

Vì sao bác Hải trở thành nghệ sĩ đường phố ở Sài Gòn? Nhiều người vẫn thường hỏi ông Hải như vậy. Có lúc ông sẵn sàng trả lời, nhưng cũng có lúc, ông lại trầm ngâm, giọng khẽ khàng cho rằng cuộc đời mỗi người có lúc tưởng như một cuốn phim nào đấy, ngẫm ra nó lạ lùng hơn cả truyện phim. Nhưng câu chuyện trở thành người đánh đàn ở góc công viên đối với ông rất giản dị. Bởi từ góc “chuồng chim cu” nhỏ hẹp, bức bối trên đường Nguyễn Huệ không đủ không gian để ông gửi gắm tâm tình qua âm nhạc.

Tìm đến một góc công viên, ông chỉ nghĩ đơn giản như người ta tập thể dục đi bộ bằng đôi chân còn mình tập thể dục bằng… tiếng đàn! Không ngờ khách tri âm của ông càng ngày càng đông! Có nhiều người mang đàn đến thử hòa nhạc với ông một cách thú vị. Nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ cho rằng ông đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo mới ở một thành phố náo nhiệt, với hình ảnh đời thường thật đẹp của một lão nghệ sĩ đường phố, có tiếng đàn thu hút được khách du lịch nước ngoài. Mấy quyển sổ ghi cảm tưởng của hàng trăm khán giả qua nhiều ngôn ngữ: Việt, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa, Ả Rập… đã trở thành “gia tài quý báu” của ông bên cạnh hai cây đàn violon và mandoline!

***
Xa Hà Nội nhiều năm trời với biết bao nỗi nhớ, lão nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải không ngờ lần này ông lại là một trong những người được mời tham gia lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chuẩn bị gì cho ngày về thủ đô?

Lão nghệ sĩ đường phố lại tươi cười, trả lời: “Tôi sẽ chơi nhạc ngẫu hứng ở phố phường Hà Nội như những ngày ở TPHCM. Có thể là những giai điệu lãng mạn của Schubert, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trương Quý Hải… hay chất hùng ca của Nguyễn Đình Thi và nhiều nhạc sĩ nữa”. 

Theo Kim Ửng - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng