Tạp chí Sông Hương -
Ai Cập mở cửa “thành phố” cổ bị chôn vùi Leukaspis
14:29 | 09/09/2010
Gần 25 năm sau khi được phát lộ, giữa tháng 9 này Ai Cập sẽ mở cửa các ngôi mộ, villa và đường phố của thành phố cổ Leukaspis tồn tại cách đây 2.000 năm.
Ai Cập mở cửa “thành phố” cổ bị chôn vùi Leukaspis
Các cây cột của một villa trong thành phố cổ Leukaspis
Thành phố cổ này là một minh chứng hiếm có cho thời kỳ cực thịnh ở đất nước của kim tự tháp và các ngôi đền Pharaoh.

Chôn vùi bởi sóng thần

Cách đây 2.000 năm, Leukaspis là một thành phố cảng Hy Lạp - La Mã thịnh vượng, nơi có nhiều villa của những thương gia phất lên nhờ buôn bán lúa mì và dầu ô liu. Nhưng nó đã bị xóa sạch trong những đợt sóng thần tàn phá cả khu vực này từ đầu Công nguyên. Cho đến ngày nay, các dấu tích của thành phố này nằm dưới khu resort Marina - sân chơi mùa Hè cho giới thượng lưu Ai Cập.

“Bất cứ ai đã nghe nói đến khu resort Marina thì giờ đây họ có thể tới đây để hiểu được về cổ sử của khu vực này, có thể biết được những con người cách đây 2.000 năm đã từng sống như thế nào, họ xây các ngôi mộ, sống trong các villa hay buôn bán ra sao”, Ahmed Amin, thanh tra của Sở Cổ vật Lịch sử của Marina cổ đại và hiện đại cho biết. Khi các kỹ sư Trung Quốc bắt đầu xây dựng những con đường trên bờ biển cát cho khu resort mới vào năm 1986, họ đã phát hiện ra những ngôi mộ và nhà cổ của một thành phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 TCN. Rồi những bí mật của thành phố cổ này dần được “giải mã” sau khi một nhóm nhà khảo cổ Ba Lan tiến hành khai quật trong suốt những năm 1990.

Các kết quả khai quật dần làm hiện lên chân dung của Leukaspis - từng có tới 15.000 dân sinh sống. Họ chủ yếu sống vào nghề xuất khẩu lúa mì, gia súc và dầu ô liu tới các khu vực khác của vùng Địa Trung Hải. Qua những tàn tích được phát lộ, các chuyên gia biết được rằng trong thời cổ giới thương gia từng sống trong những villa 2 tầng tao nhã có sân và kế bên là các phòng khách và phòng cầu nguyện. Các villa được thiết kế nằm trên những con phố theo hình chữ chi. Giữa thành phố, nơi có hai con đường chính giao nhau, là trung tâm xã hội và kinh tế của thành phố và các nhà khảo cổ còn tìm thấy tàn tích của một ngọn tháp basilica, nơi dành cho các hoạt động công cộng và sau đó đã trở thành nhà thờ sau khi đạo Cơ Đốc lan tỏa khắp đế chế La Mã.

Trong thành phố này còn có nơi dành cho các bậc huynh trưởng bàn bạc về buôn bán trước khi tới các nhà tắm công cộng ở bên kia đường. Chưa kể, khách tham quan còn có thể trèo xuống những ngôi mộ để tới những phòng mồ ở dưới sâu của thành phố. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn nhận thấy thành phố này còn có một hệ thống cống hoàn hảo.

Khu resort Marina nằm dọc bãi biển


Bảo tàng ngoài trời

Leukaspis đã bị phá hủy phần lớn trong một trận động đất mạnh gần Crete vào năm 365 cùng với đợt sóng thần đã làm tan nát thành phố Alexandria gần đó. Trong những thế kỷ tiếp theo, do kinh tế khó khăn và sự sụp đổ của đế chế La Mã khiến hầu hết các khu dân cư dọc bờ biển biến mất.

Vài năm trở lại đây Chính phủ Ai Cập bắt đầu quan tâm đến di chỉ này. Năm 2005, Agnieszka Dobrowlska, một kiến trúc sư từng giúp khai quật thành phố cổ này cùng nhóm khảo cổ Ba Lan trong những năm 1990, đã trở lại tham gia dự án USAID để biến thành phố thành một bảo tàng ngoài trời cho khách du lịch. Dự án này quả là điều tốt lành cho thành phố cảng cổ đại, nơi nhiều nhà phát triển bất động sản đã thèm muốn từ lâu.

Còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu mở cửa di chỉ này vào giữa tháng 9 của Chính phủ Ai Cập. Nếu những việc làm cho thành phố cảng này mang lại thành công thì sẽ là bài học cho việc khai thác ngôi đền lớn Osiris ở Taposiris Magna, chỉ cách đó 50 km, nơi nhóm khảo cổ Dominica đang tìm kiếm nơi chôn cất di hài của cặp đôi Anthony và Nữ hoàng Cleopatra.

Theo Việt Lâm - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng