Tạp chí Sông Hương -
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn
09:21 | 10/09/2010
Đi qua phố Phan Đình Phùng, đoạn trước cửa nhà thờ Cửa Bắc là cửa Bắc Môn. Bên trái cửa là vết đạn đại bác sâu chừng hai chục phân và chu vi vết lõm chừng một mét. Đó là vết đạn do quân của Henri Rivière bắn ngày 25.4.1882 trong lần tấn công thành Hà Nội lần thứ 2.
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn
Cửa Bắc Môn - Ảnh: T.L
Ngay từ khi xâm chiếm Việt Nam, thực dân Pháp đã nhận ra tầm quan trọng của Hà Nội trong việc thiết lập bộ máy cai trị Việt Nam và cả bán đảo Đông Dương. Để kiếm cớ đưa quân ra Bắc, thực dân Pháp đã bí mật dùng Jean Dupuis, một tên lái súng có tham vọng chiếm sông Hồng để ngược sông Hồng sang Vân Nam (Trung Quốc). Dupuis đến Hà Nội ngày 22.12.1872 với một lực lượng quân sự hùng hậu. Mặc dù triều đình Huế không cho phép nhưng hắn vẫn ngang nhiên đưa hàng ngược sông lên biên giới. Sau chuyến buôn trót lọt, hắn càng hung hăng hơn.

Hắn cho quân lên bờ xé các bố cáo của Nguyễn Tri Phương, khi ông mới nhận chức Tổng đốc Hà Nội. Giữa lúc quan hệ đôi bên căng thẳng thì thực dân Pháp phái Francis Garnier đưa quân ra Bắc với danh nghĩa theo yêu cầu của triều đình Huế giải quyết vụ Dupuis. Sau khi có viện binh từ Sài Gòn ra, Garnier tuyên bố trắng trợn mở đường sông Hồng cho thương mại, thiết lập thuế quan mới rồi gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bắt phải giải giáp quân đội, rút hết đại bác trên mặt thành. Không đợi trả lời, sáng sớm ngày 20.11.1873, Garnier ra lệnh nổ súng đánh thành Hà Nội.

Dù không chuẩn bị kỹ càng và bị tấn công bất ngờ nhưng quân và dân Hà Nội chiến đấu rất anh dũng. Nguyễn Tri Phương trực tiếp đến cửa thành phía nam chỉ huy quân sĩ. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trên mặt thành và Nguyễn Tri Phương bị thương nặng ở bụng. Ông bị giặc Pháp bắt, chúng mua chuộc nhưng ông xé băng, nhịn ăn để chết. Hà thành thất thủ, nhưng việc Garnier bị đền tội tại Cầu Giấy ngày 21.12.1873 đã làm nức lòng quân dân Hà Nội và góp phần buộc Pháp phải trao trả thành cho triều đình Huế.

Khi tình hình Bắc kỳ căng thẳng, vua Tự Đức giao cho Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh. Năm 1882, lấy cớ triều đình Huế vi phạm Hiệp ước 1874, Pháp bắt đầu tăng quân đồn trú ở Bắc kỳ. Tháng 3.1882, Henri Rivière được lệnh kéo quân từ Sài Gòn ra đóng tại Đồn Thủy. Hoàng Diệu chưa có lệnh của triều đình nên chỉ chuẩn bị mà không dám đối phó. Trước đó, ông dự đoán thế nào Pháp cũng kiếm cớ quay lại nên đã cho tu bổ thành, chuẩn bị vũ khí, tăng quân. Hoàng Diệu cũng bố trí một lực lượng ở ngoại thành để hỗ trợ khi thành bị tấn công và cả kế hoạch phòng thủ chung song triều đình không chấp nhận.

Quân Pháp ngày càng đông, Hoàng Diệu yêu cầu các địa phương tâu lên triều đình xin thêm viện binh nhưng tới tận lúc Pháp sắp nổ súng, Tự Đức vẫn chỉ muốn thương thuyết. Quân Pháp hoành hành phá rối và hăm dọa trên các đường phố. Bên cạnh Hoàng Diệu lúc bấy giờ có Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, Đề đốc Lê Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực đã cùng nhau uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với thành.

Rạng ngày 25.4.1882, Henri Rivière sai phiên dịch viên đưa tối hậu thư vào thành buộc trong 3 giờ phải hạ khí giới và giao thành, Hoàng Diệu cùng các tướng lĩnh phải nộp mình. Chưa hết thời gian, quân Pháp đã nổ súng. Từ 8 giờ sáng, tàu chiến trên sông Hồng thi nhau nhả đạn mở đường cho bộ binh xông lên. Tôn Thất Bá xin ra ngoài để đàm phán nhưng ra khỏi thành, Bá đầu hàng và khai hết vị trí có quân phòng ngự.

Rồi Bá lại dâng sớ lên Tự Đức đổ tội cho Hoàng Diệu, mặt khác Bá xin Henri Rivière làm Tổng đốc Hà Ninh. Một trận kịch chiến xảy ra từ sáng đến trưa. Ngay từ lúc cuộc chiến bắt đầu, người dân đã mang theo khí giới đến cửa thành xin cùng tham gia chống quân Pháp. Dân xung quanh, các đình, chùa đều đánh trống gõ mõ để hỗ trợ cho tinh thần quan quân trong thành. Hàng nghìn dân binh mang gậy gộc, giáo mác do Võ Nguyễn Đồng người làng Bích Câu (nay là phố Bích Câu) chỉ huy, kéo đến đình Quảng Văn (nay là vườn hoa Cửa Nam) tập hợp rồi xông vào thành. Chưa vào tới nơi thì kho thuốc súng nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đám cháy càng lan rộng, hàng ngũ chiến đấu càng hoang mang, quân giặc thừa cơ bắc thang trèo vào, phá cổng thành phía tây rồi ồ ạt kéo vào.

Do quân Pháp quá mạnh và tướng kẻ bỏ trốn, kẻ phản bội nên quân giữ thành dần tan rã. Hoàng Diệu về dinh, nai nịt gọn gàng, mặc chiếc áo the thâm, chít khăn nhiễu xanh lên đầu, dải dây lưng nhiễu hồng thắt ra áo ngoài, tay cầm thanh kiếm tuốt trần, lên mình voi xông vào Hoàng cung. Đến sân rồng, Hoàng Diệu lạy năm lạy, vừa lạy vừa khóc rồi quay ra. Đến Võ Miếu, xuống voi, ông đuổi đám quân về rồi bảo rằng: "Ai muốn về Huế thì về, ai muốn đánh thì theo thứ quân lên Sơn Tây". Nói xong đi vào Võ Miếu đóng cửa lại lấy chiếc khăn đang bịt trên đầu treo mình lên cành cây tuẫn tiết. Lúc đó là giờ Ngọ, ngày 25.4.1882.

Chiếm được thành, Pháp cho quân đồn trú tại đây. Sau đó chúng cho phá điện, lầu, phủ mà nhà Nguyễn trước đó đã xây để xây kho quân sự, trại lính và chỗ cho hậu cần. Về cơ bản Bắc thành chỉ còn là cái tên trong sử sách. Một điều thâm hiểm là khi xây doanh trại, chúng phá hết nhưng để lại Bắc Môn như để cảnh cáo những ai có ý định chống Pháp.

Theo Nguyễn Ngọc Tiến - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng