Tạp chí Sông Hương -
1.000 bản sách đặc biệt mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
09:41 | 14/09/2010
1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là công trình nghiên cứu cả cuộc đời của nhà nghiên cứu, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc. Với hơn ngàn câu hỏi-đáp về lịch sử văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, cuốn sách gần như trở thành một loại bách khoa toàn thư về mảnh đất thủ đô và đã đem đến cho tác giả “Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội” năm 2009, do Báo Thể thao – Văn hóa và Quỹ Bùi Xuân Phái trao tặng.
1.000 bản sách đặc biệt mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Nhà “Hà Nội học” N.V.Phúc ký tên trên các bản mẫu trước khi được ghép vào bìa sách
Về mặt kinh doanh, cuốn sách đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của NXB Trẻ với doanh thu hơn 1 tỷ đồng. NXB Trẻ đã chọn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là tác phẩm chủ lực chào mừng kỷ niệm đại lễ 1.000 năm

Một cuốn sách chào mừng sự kiện đặc biệt dĩ nhiên cũng phải đặc biệt. 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt đầu tiên là ở số lượng sách, NXB Trẻ cam kết chỉ in đúng 1.000 bản (thực chất là 1.040 bản nhưng 40 bản để nộp lưu chiểu, không có số thứ tự và chữ ký tác giả) và không in thêm dù chỉ 1 cuốn.

Điểm đặc biệt thứ hai là hình thức thể hiện. Những năm gần đây, trong xu thế mở cửa, bạn đọc bắt đầu biết đến các tác phẩm gốc tại nước ngoài và một trong những điểm ấn tượng của các sách ngoại nhập là chất liệu giấy. Các loại giấy in sách cao cấp đều có màu vàng nhạt, theo khoa học chứng minh màu chữ đen in trên giấy vàng nhạt sẽ dễ đọc và ít hại mắt hơn trên giấy trắng. Giấy còn có trọng lượng riêng rất nhẹ giúp giảm trọng lượng của sách, nhất là loại sách nghiên cứu dày hơn ngàn trang như 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu, NXB Trẻ đã nhập 2 container giấy đặc biệt này để thực hiện bộ sách.

Điểm đặc biệt thứ ba là chữ ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc. Khác với các tác phẩm khác sau khi in xong tác giả sẽ ký từng cuốn, ở 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tác giả cũng ký 1.000 chữ ký nhưng mỗi chữ ký sẽ lồng trực tiếp vào biểu tượng của sách rồi in lên riêng mỗi bìa. Vấn đề phức tạp là có đến 1.000 chữ ký, do đó để in sẽ phải có đến 1.000 mẫu bìa riêng khác nhau.

Điểm đặc biệt cuối cùng là vấn đề đánh số thứ tự. Ban đầu NXB tính đánh số theo dạng 1-2-3, tuy nhiên nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban Bản quyền của NXB Trẻ, đã có một ý kiến nên đánh số theo số năm từ lúc Lý Công Uẩn tuyên Chiếu dời đô đến nay. Như vậy, cuốn sách đầu tiên sẽ có số 1010 và cuốn cuối cùng là 2010.

Cách đánh số này đã vô tình tạo nên một điểm đặc biệt là mỗi cuốn sách tượng trưng cho một năm. Như thế, những cuốn sách mang trên mình số năm đặc biệt sẽ trùng hợp có một sự kiện lớn của dân tộc xảy ra vào năm đó, như 1789 (Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh), 1954 (chiến thắng Điện Biên Phủ), 1975 (thống nhất đất nước)… sẽ trở thành những ấn bản có giá trị tinh thần đặc biệt. Dự kiến, với những cuốn sách có số năm ghi dấu sự kiện lớn của đất nước, NXB Trẻ sẽ tổ chức đấu giá từ thiện. Để đảm bảo tính sở hữu, mỗi chủ sở hữu sách sẽ được cấp một giấy chứng nhận do NXB cấp.

Ngoài ra, cũng nhân dịp này cuốn sách sẽ được bổ sung thêm 70 đề mục mới với hơn 100 trang. Đây là lần bổ sung cập nhất mới nhất của tác giả Nguyễn Vinh Phúc.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, các ấn bản đặc biệt của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẵn sàng để có mặt trong Hội chợ sách quốc tế Hà Nội lần 3 tổ chức từ 17 đến 21-9 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).

Theo Tường Vy - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng