Tạp chí Sông Hương -
Văn học trẻ Trung Quốc: Dấu ấn của sự tìm tòi
15:28 | 17/09/2010
Năm 2004 được đánh giá là năm vàng son nhất của các nhà văn trẻ Trung Quốc (TQ). 2 năm sau, văn học trẻ đã sa xuống đáy khi sách của nhà văn trẻ chỉ còn chiếm 20% số sách được xuất bản, số lượng nhà văn trẻ từ 300 - 400 còn 30 - 40 người. Thế nhưng, sau sự suy sụp đó, văn học trẻ TQ đang dần tìm lại được chính mình và đây là bài học tham khảo đáng giá với các nhà văn trẻ Việt Nam (VN).
Văn học trẻ Trung Quốc: Dấu ấn của sự tìm tòi
Trỗi dậy phiêu lưu

Sau thời mà cứ nhà văn trẻ viết gì là người ta lao vào đọc, văn học trẻ TQ bắt đầu thoái trào. Nguyên nhân do đổ xô sáng tác theo cùng một kiểu dẫn đến những tác phẩm na ná nhau, tác phẩm nào cũng mang tính nổi loạn, bất mãn xã hội hay căng thẳng vì cuộc sống hiện đại, gây nhàm chán đối với bạn đọc.

Các nhà văn trẻ TQ có hai lựa chọn, một số bỏ nghiệp văn như Hàn Hàn làm ca sĩ; Triệu Đình Đình kinh doanh phần mềm, báo mạng; một số khác thì thay đổi phong cách sáng tác, tìm kiếm cái mới lạ. Và chính những nhà văn trẻ còn đeo bám nghề đã mang lại một làn sóng mới cho văn học trẻ TQ thời gian vừa qua. Với bạn đọc VN, những tác phẩm theo phong cách mới của các nhà văn trẻ TQ đã được đón nhận nồng nhiệt hơn, nổi bật lên có những tên tuổi như Thiên Hạ Bá Xướng với Ma thổi đèn, Tặc miêu hay Hà Mã với Mật mã Tây Tạng…

Các tác phẩm trên đã tìm một con đường riêng để thu hút bạn đọc. Tiêu biểu như Ma thổi đèn của Thiên Hạ Bá Xướng (tên thật của nhà văn là Trương Mục Dã, sinh năm 1976) xoay quanh những vấn đề về văn hóa mộ táng của người TQ cổ đại và các truyền thuyết về nghề đào trộm mộ. Với những yếu tố hư hư thực thực về hành trình đi tìm, phá giải bí mật của các ngôi mộ cổ từ các vương triều đã sụp đổ trên con đường tơ lụa, đến vùng Vân Nam hẻo lánh hay Côn Luân bí hiểm, Trương Mục Dã đã tạo nên cả một hiện tượng văn học độc đáo.

Mật mã Tây Tạng (ảnh) của Hà Mã lại tạo nên một hiệu ứng đặc biệt khác. Nhà văn nguyên xuất thân là một nhà thám hiểm, đã từng một mình bôn ba leo núi, vượt sa mạc. Tác phẩm Mật mã Tây Tạng của anh chính vì thế rất sống động trong miêu tả những chuyến phiêu lưu. Với nội dung kể về hành trình tìm kiếm một bí mật của Phật giáo Tây Tạng cổ, tác phẩm còn đề cập khá nhiều đến giống chó ngao Tây Tạng, được coi là giống chó lớn nhất thế giới. Sự thành công của tác phẩm khiến cho bạn đọc từ TQ, VN đến thế giới cũng chú ý nhiều hơn đến giống chó này.

Vai trò của văn học mạng

Sự hồi sinh của văn học trẻ TQ mãnh liệt như vừa qua chính là nhờ mạng Internet. Các nhà văn trẻ TQ phát hiện ra rằng, công bố tác phẩm trên mạng là cách tốt nhất giúp họ cạnh tranh với các tạp chí văn học và các nhà xuất bản truyền thống. Một báo cáo của Trung tâm thông tin mạng Internet của TQ đã cho thấy, năm 2009 nước này có 162 triệu người đọc sách qua mạng, văn học mạng trở thành hình thức giải trí đứng thứ tư sau âm nhạc, video và trò chơi điện tử.

Số lượng độc giả lớn không chỉ đem đến lợi nhuận cao (năm 2009 văn học mạng TQ thu về khoảng 100 triệu nhân dân tệ, tức gần 280 tỷ đồng VN) mà còn là công cụ hiệu quả để chọn lọc tác phẩm. Khác với xuất bản truyền thống, phải đợi đến khi sách ra thị trường mới biết bạn đọc có thích hay không, với văn học mạng, tác phẩm ngay khi bắt đầu được viết đã có thể đánh giá ảnh hưởng đến bạn đọc.

Tại VN, văn học trẻ hiện nay cũng đang gặp những khó khăn gần như văn học trẻ TQ thời gian qua. Các tác phẩm chủ yếu chỉ xoay quanh mô-típ tự sự, kể về cuộc sống, tình yêu hiện tại… Điều này được phản ảnh đậm nhất trong cuộc thi Văn học tuổi 20 vừa qua, khi 9 tác phẩm đoạt giải đều theo một kiểu thể hiện giống nhau, không có bất kỳ một phá cách hay làm mới nào. Thành công cả về giá trị nghệ thuật lẫn kinh tế của các nhà văn trẻ TQ có lẽ sẽ là điều đáng để các nhà văn trẻ VN tham khảo, nhất là khi nhu cầu đọc sách qua mạng ở VN cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Theo Tường Vy - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng