Tạp chí Sông Hương -
Đạo diễn Khát vọng Thăng Long: Làm xong phim sợ đến mất ngủ
10:18 | 20/09/2010
Đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long giới thiệu bộ phim điện ảnh duy nhất về Thái tổ Lý Công Uẩn chiếu dịp Đại lễ, tiết lộ một số chi tiết hậu trường và khẳng định sẵn sàng đối mặt dư luận.
Đạo diễn Khát vọng Thăng Long: Làm xong phim sợ đến mất ngủ
Khát vọng Thăng Long được kỳ vọng thuần Việt . Ảnh: ĐLP
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đùa, làm xong phim này coi như anh bước lên đoạn đầu đài: “Nếu nói làm phim lịch sử thì chắc người dân phải nhuộm răng đen và Lý Công Uẩn cao 1m55. Làm phim lịch sử không phải để chứng minh lịch sử, nó là sản phẩm giải trí, đem đến cảm xúc. Nhưng cũng nhờ áp lực mà chúng tôi làm phim này trọn vẹn hơn. Bắt tay vào thì hào hứng lắm. Làm xong sợ hãi đến mất ngủ, không biết phim của mình có đáp ứng kỳ vọng không”.

Kịch bản ban đầu có tên Chiếu dời đô - Triệu Tuấn đứng tên tác giả, nhưng Lưu Trọng Ninh khẳng định kịch bản đó do người Trung Quốc viết, không phải Việt Nam.

Thời gian qua xuất hiện thông tin lùm xùm giữa người được mời viết kịch bản - Phạm Tường Vân và nhà đầu tư. Tường Vân được giao viết kịch bản giai đoạn đầu, sau hợp đồng bị hủy. Nay kịch bản đứng tên Charlie Nguyễn + ê kíp (làm phim). Suýt nữa phim quay ở Trung Quốc, dễ chịu chung số phận với phim Thái tổ Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long - bị chê là không thuần Việt.

Lưu Trọng Ninh kể, từng khảo sát 13 trường quay ở Trung Quốc, nhưng rồi nhà đầu tư không mặn mà việc quay ở Trung Quốc. Cuối cùng chấp nhận quay tại Việt Nam có kỹ xảo hỗ trợ.

Giới chuyên môn cho rằng thời gian quay phim hai tháng, quá gấp, khó mà hoàn chỉnh. Lưu Trọng Ninh cho hay, ông có hơn hai năm chuẩn bị chọn bối cảnh. Trang phục chuẩn bị cả năm trước. Đoàn làm phim huy động gần 200 người, bốn máy quay. Nhiều cảnh quay ở nhiều nơi, sau ghép lại: Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Đăk Lăk.

Nhiều diễn viên đóng thế phải đi viện vì thương tích nhiều. Ngựa mang về là ngựa đua, không phải ngựa trường quay, vừa ngồi lên là phi nước đại. Cảnh cưỡi trâu chỉ có hơn một phút quay đến bảy ngày.

Đạo diễn tự hào, hai yếu tố thành công nhất của Khát vọng Thăng Long là thiết kế và phục trang. Phục trang do Bảo Trần Chi, nhà thiết kế Việt kiều Mỹ đảm nhiệm. “Phong vị nghìn năm phải thể hiện được qua ba yếu tố: Câu chuyện, bối cảnh, phục trang. Có thể dễ dàng dựng bối cảnh, nhưng phục trang thì không có bằng chứng lịch sử. Phần hồn ngàn năm có lẽ còn lẩn khuất đâu đây. Làng quê Việt cách đây hai trăm năm có lẽ không khác mấy thời Lý Công Uẩn. Vua chúa cũng thế thôi”, đạo diễn chia sẻ.

Trang phục có hai mảng triều đình và dân gian. Yếu tố thể hiện không khí ngàn năm - theo các nhà làm phim, là yếu tố dân gian, từ quần áo cho đến màu da sương gió. Trang phục vua chúa dùng hồng bào thay cho hoàng bào.

Lưu Trọng Ninh nói không dám đảm bảo, thổ nhưỡng, khí hậu và văn hóa khác nên trang phục của người Việt không thể giống Trung Quốc. Màu cỏ cây nhuộm vải tạo khí chất Việt, chất vải dân gian thô, dệt đơn sơ, áo mỏng do khí hậu nhiệt đới.

Theo Toan Toan - TP





Các bài mới
Các bài đã đăng