Lagerfeld gia nhập hãng Chanel vào những năm 1980. “Thời kỳ đó, những bức ảnh báo chí cho các sưu tập thời trang thường do những người mới vào nghề hoặc đã hết thời chụp. Trong một mùa thời trang năm 1987, giám đốc hình ảnh của Chanel đã chỉ cho tôi 1, 2 bộ ảnh báo chí và đến bộ thứ 3 thì ông nói, nếu quá khó khăn đến vậy thì tại sao anh không tự chụp ảnh”, nhà thiết kế thời trang gần 80 tuổi cho hay. Kết hợp giữa nhiếp ảnh và thời trang Khi bắt đầu công việc này, ông “hoàn toàn là một người mới vào nghề, giống như những người chụp ảnh bằng điện thoại di động ngày nay”. Song sự thử nghiệm đó đã “cất cánh” và niềm đam mê chụp ảnh của ông ngày càng sâu. Đang làm thiết kế cho 3 hãng thời trang, ông còn tham gia đạo diễn các video clip, thiết kế quảng cáo cho Coca Cola. Nhưng tất cả những công việc đó chưa đủ và “ông vua thời trang” này đã quyết định làm một triển lãm ảnh của riêng mình. Triển lãm trưng bày khoảng 400 bức ảnh, trong đó là những ảnh phong cảnh, ảnh cá nhân, tác phẩm in thử nghiệm và sản phẩm quảng cáo mà ông chụp cho nhiều thương hiệu và tạp chí Lagerfeld. Hầu hết trong số đó được chụp bằng chiếc máy Fuji nhỏ mà lúc nào ông cũng mang theo người. “Tôi từng chúi mũi vào thế giới thời trang, nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh đã mở rộng tầm nhìn của tôi. Nhiếp ảnh là một phần cuộc sống của tôi, nhờ đó mà tôi có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn nhờ chụp ảnh. Điều khiến tôi quan tâm, điều làm tôi đam mê là những kỹ thuật mà chúng ta đang sử dụng và cả những kỹ thuật không còn dùng đến nữa. Đây là yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật chụp ảnh”, Lagerfeld cho biết. Chọn chất liệu chụp ảnh như chọn vải Một phần của triển lãm này là quang cảnh thành phố New York bên cạnh những bức tranh phong cảnh bán trừu tượng hay các tòa nhà, từ Versailles Chateau tới một trận bão tuyết ở Roma. Kế đó là những bức ảnh thời trang và quảng cáo với những chân dung đen trắng của nhiều gương mặt thời trang và điện ảnh, từ David Lynch tới Nicole Kidman hay Gerard Depardieu. Nhưng đối với Anne Cartier-Bresson, người đang phục chế những bức ảnh cũ cho Paris, thì sự nổi bật nhất của những bức ảnh đó là kết cấu và màu sắc. “Karl Lagerfeld không chỉ là một nhiếp ảnh gia thời trang mà ông là một nhà sáng tạo thực sự. Ông chọn những chất liệu chụp ảnh của mình giống như chọn vải cho các trang phục thời thượng”.
Lagerfeld còn khôi phục kỹ thuật chụp ảnh từ thế kỷ 19 được gọi là resinotype - kỹ thuật khiến bức ảnh có nhiều điểm nhấn, sống động. Hay trong những bức ảnh khác, nhà thiết kế người Đức này đã tự tạo nên chất màu khi ông sử dụng mỹ phẩm bôi mắt của Nhật Bản để tạo lớp nhũ lên bức ảnh nhằm tăng hiệu quả thị giác. “Đây là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng mm”. Để ảnh tự nói lên tất cả Tuy nhiên, có những lúc Lagerfeld lại hài lòng khi để cho những bức ảnh tự nói lên tất cả. Chỉ vào một bức chân dung của nam tài tử Hollywood Jack Nicholson mặc một chiếc áo phông đỏ trên nền ảnh đen trắng, Lagerfeld nói: “Trông nó giống như một trò nghịch ngợm, nhưng có lúc lại không phải vậy. Ánh nắng sáng chói, nhưng đó là màu sắc thực”. Nghệ thuật chụp ảnh của Lagerfeld đã nở rộ cùng với công việc thiết kế thời trang tại hãng Chanel, Fendi và thương hiệu thời trang riêng của mình. Nhà thiết kế này cho biết, giờ đây 2 loại hình nghệ thuật đó nuôi dưỡng cho nhau. Nhà thiết kế này cho biết, khi mùa trình diễn thời trang trên sàn catwalk qua đi thì nhiếp ảnh là “phương tiện” để ông tránh được sự “trống rỗng” trong thời gian không thiết kế các bộ sưu tập mới. “Giờ đây, tôi đang chú tâm tới công việc quảng cáo và biên tập. Trong tôi luôn có một cuộc đối thoại không ngừng giữa thời trang, nhiếp ảnh và mọi thứ”. Lagerfeld hy vọng công việc của mình luôn thể hiện tinh thần chung. “Nhưng tôi không muốn lúc nào thể hiện theo cách giống nhau bởi như vậy vô cùng buồn tẻ”. Theo Việt Lâm – TT&VH |