Tạp chí Sông Hương -
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử về tám triều vua Lý
14:48 | 21/09/2010
Sau 20 năm lao động công phu, nghiêm túc, với biết bao tâm huyết, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử "Tám triều vua Lý." Bộ sách đã ra mắt bạn đọc ngay trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cùng với bộ "Bão táp cung đình" viết về triều Trần trước đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã thực hiện thành công ý tưởng văn học hóa lịch sử hai triều đại huy hoàng của dân tộc.
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử về tám triều vua Lý
Nhà văn Hoàng Quốc Hải. (Nguồn: Internet)
"Tám triều vua Lý" phục dựng toàn cảnh về triều đại nhà Lý 216 năm

"Tám triều vua Lý" viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc, trải dài 216 năm (1009 - 1225). Bộ sách phục dựng bức tranh toàn cảnh sinh động về triều đại đã xây dựng nền móng cho nước Đại Việt văn hiến, tự chủ và hùng mạnh, thông qua chân dung bốn vị vua.

Bộ tiểu thuyết gồm 4 tập (Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam và Con đường định mệnh), đã phác họa, phục dựng bức tranh lịch sử từ lúc ra đời vương triều Lý với hình ảnh vua Lý Thái Tổ, cho đến những giai đoạn phát triển, hưng thịnh (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), sau đó là thời kỳ khủng hoảng, suy vong (Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông).

Trong bộ tiểu thuyết, Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh tới sự phát triển của văn hóa, dân sinh và tam giáo đồng nguyên (sự tồn tại, dung hòa của Nho - Phật - Đạo) dưới thời nhà Lý. Ông cho rằng, nhà Lý đã lấy những gì tinh túy nhất của Nho - Phật - Đạo làm định hướng xây dựng chính trị, xã hội.

"Muốn xã hội có kỷ cương lấy Nho giáo, muốn xã hội thiện hóa dùng Phật giáo. Nhà Lý có chính sách thân thiện với thiên nhiên, chẳng hạn như vào mùa xuân không chặt cây non, mùa cá đẻ cấm đi đánh bắt cá, đó chính là đạo giáo” - ông nói.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, những câu chuyện, chi tiết lịch sử đề cập trong bộ tiểu thuyết không chỉ giúp “phổ cập lịch sử”, mà còn mang tới những bài học quý giá cho hậu thế. Có nhiều bài học, kinh nghiệm của tiền nhân rút ra, chẳng hạn như: muốn cho nước cường thịnh thì trước hết phải làm cho dân yên ổn, chính quyền phải làm cho dân tin.

"Thiền sư dựng nước" viết về vị vua khởi nghiệp nhà Lý - Lý Công Uẩn (974 - 1028), sự ra đời của vương triều Lý và các bậc thiền sư, những việc làm của Lý Công Uẩn nhằm đặt nền móng cho triều đại mới, trong đó có việc dời đô về Thăng Long, thực hiện chính sách gần dân, đặc biệt là công cuộc mở mang Phật giáo thông qua việc xây dựng các đạo tràng lớn, trọng dụng các bậc đại lão thiền sư.

Trong tập bốn "Con đường định mệnh," nhà Lý đến thời Lý Nhân Tông (1066 - 1127) đã phát triển đến cực thịnh, song cũng bắt đầu xuống dốc, sau đó đi vào “con đường định mệnh” với liên tiếp các sự kiện, các nhân vật của 4 triều vua Lý ở giai đoạn đi xuống...

Và lịch sử trong không gian văn hóa

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã cho biết: "Sự nghèo nàn về sử liệu từ thế kỷ 14 trở về trước, là do tội ác hủy diệt văn hóa của giặc Minh, chứ không phải các sử gia của nước ta không ghi chép được đầy đủ. Bằng chứng là các thời Lê, Nguyễn sử sách còn lưu lại tới ngày nay khá rõ ràng và tương đối đầy đủ."

"Việc tìm kiếm tư liệu, trước hết phải đi vào dần khai thác các truyện dân gian. Truyện dân gian chính là sử ngôn vô cùng phong phú. Và nguồn nữa là các gia phả, tộc phả, thần phả, các hoành phi, câu đối trong các đình, đền, chùa cũng nói lên nhiều điều cần thiết. Các bi ký, các kiến trúc còn rơi sót lại và cả các khai quật về khảo cổ cũng là những tư liệu quý. Viện Viễn Đông bác cổ của người Pháp họ cũng nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều tư liệu, để lại cho ta một khối lượng khá lớn."- ông Hải chia sẻ.

Tôn trọng các sự kiện lịch sử, dùng lịch sử như một chất liệu, nhưng nhà văn không lệ thuộc vào lịch sử mà trên cơ sở đó hư cấu để tái hiện triều Lý cách đây 1000 năm, gắn với thân phận lịch sử của mỗi vị vua đứng đầu mỗi giai đoạn.

Cùng với các nhân vật lịch sử đã được sử sách ghi nhận, nhà văn đã dựng lại được không gian văn hóa của cả một thời đại trải dài 216 năm, với vẻ đẹp của văn hóa Phật giáo trong các buổi đàm đạo, tham vấn, trong khung cảnh thanh tĩnh của nhà chùa, trong cuộc sống tu hành của các bậc chân tu.

Theo tác giả bộ sách: "Tôi viết hai bộ tiểu thuyết này là để tri ân tổ tiên và cám ơn lịch sử dân tộc Việt Nam đã có những trang huy hoàng, hấp dẫn."

Nhà văn cũng tâm sự rằng ông coi việc mình đi vào con đường sáng tác về lịch sử như cái duyên (của nhà Phật), bởi viết về cái hiện tại đã khó, viết về lịch sử còn khó hơn nhiều. Nhà văn hy vọng qua việc dựng lại những trang sử nước nhà bằng văn học, các thế hệ sau thêm yêu lịch sử dân tộc, tự hào về truyền thống của cha ông./.

Theo Nguyễn Anh (Vietnam+)





Các bài mới
Các bài đã đăng