Tạp chí Sông Hương -
Phòng tranh nhóm họa sĩ Hà Nội: Ấm áp, xúc động
15:19 | 21/09/2010
Sau cuộc hội ngộ giữa hai nhóm điêu khắc gia Hà Nội -Sài Gòn, 10 họa sĩ đất thủ đô: Phạm Kim Bình, Đỗ Thị Kim Đoan, Vũ Thu Hiền, Bùi Anh Hùng, Trần Thị Bích Huệ, Nguyễn Bằng Lâm, Phạm Ngọc Liệu, Đỗ Thị Ninh, Tạ Thị Thanh Tâm, Trương Thị Mai San đã tiếp tục “chia lửa” về phương Nam, hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, qua cuộc triển lãm 110 tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM) (*)
Phòng tranh nhóm họa sĩ Hà Nội: Ấm áp, xúc động
Trẻ trung trong cách thể hiện tranh sơn mài mang tính truyền thống - hiện đại, tranh Vũ Thu Hiền bộc lộ khao khát về sự cân bằng trong đời sống con người và thiên nhiên. Còn Tạ Thị Thanh Tâm, với những ám ảnh phong cách tranh dân gian Đông Hồ, tranh sơn mài và tranh giấy dó của chị tươi tắn, ngộ nghĩnh, đầy hoài niệm về những góc không gian Hà Nội của tuổi thơ, của những kỳ nghỉ hè. Trái lại, mảng tranh sơn mài của Đỗ Thị Kim Đoan thật đằm thắm với những gam màu truyền thống quen thuộc, mô tả nhiều chân dung, đời thường dung dị của những người dân vùng cao hay “những người sống quanh ta” ở phố thị.

Đến với cuộc triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm tạo một phong cách lạ, đầy tính trừu tượng và “khảo cổ học” khi vận dụng hoa văn trên đá cổ vùng Tả Van, Sapa như một cách tái hiện chân dung và cuộc sống thật sinh động, đa dạng của người Việt cổ. Rất có thể đối lập lại với phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bằng Giang, tranh Trương Thị Mai San bộc lộ bút pháp mạnh mẽ, bằng những đường nét, mảng khối thể hiện cuộc sống ngồn ngộn của một Hà Nội mới đang chuyển đổi không ngừng. Hài hòa hơn, tranh Đỗ Thị Ninh luôn có những gam màu tươi tắn, mạnh mẽ từ chất liệu sơn dầu về tranh phong cảnh và cổ kính với những gam màu u trầm, huyền ảo hay trắng ngà của chất liệu sơn mài truyền thống khi hoài niệm một Hà Nội.

Đi tìm cách thể hiện một Hà Nội theo suy nghĩ riêng của những người trẻ, Bùi Anh Hùng bộc lộ tình cảm dạt dào qua từng “câu chuyện” trong tranh. Đó là một chút bâng khuâng khi người xem bất chợt gặp một ngõ nắng thân quen của phố phường Hà Nội, chút suy nghĩ về một thời đã qua khi đi ngang góc phố Phan Đình Phùng. Riêng họa sĩ Phạm Kim Bình, sở trường về vẽ phong cảnh, tranh của chị có những gam màu thật đẹp, ấm áp, hồn hậu về phong cảnh quê hương Bắc bộ.

Lặng lẽ nhất trong nhóm là góc phòng tranh của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu. Ông trưng bày những bức ký họa thời chiến tranh. Các tác phẩm bằng mực nho, màu nước là bút tích ghi nhận lịch sử khá chân thực và xúc động về hình ảnh hoạt động của dân quân, bộ đội ở vùng đất Quảng Trị của một thời khói lửa. Thật bất ngờ, trong buổi chiều khai mạc triển lãm, một trong các nhân vật từ những bức ký họa chân dung của 40 năm trước đã đến tìm gặp họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, nhắc lại câu chuyện cũ trên vùng đất thép Vĩnh Linh. Đó là O Thuận, cô du kích Hiền Lương 18 tuổi năm xưa (ảnh) vẫn còn sống. O Thuận giờ đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã từng công tác nhiều năm ở một ngân hàng.

Một chuyến “hành phương Nam” vào những ngày sắp diễn ra đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có lẽ tình cảm của nhóm họa sĩ Hà Nội bộc lộ qua các tác phẩm của họ đã để lại một ấn tượng đẹp và xúc động trong lòng công chúng mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

------------------------------
(*) Triển lãm kết thúc ngày 25-9-2010.


Theo Kim Ửng - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng