Tạp chí Sông Hương -
Công bằng với nhà Mạc
09:09 | 22/09/2010
Nhìn nhận lại và ứng xử công bằng với nhà Mạc-vấn đề nhận được sự đồng thuận tại hội thảo “Vương triều nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 21-9. Dương Kinh, khu kinh đô ven biển đầu tiên của Việt Nam gắn liền với nhà Mạc cũng được đề nghị nghiên cứu để trở thành khu di sản.
Công bằng với nhà Mạc
Cổng thành nhà Mạc ở Tuyên Quang . Ảnh: Vương Anh
Nhà Mạc được giới sử học quan tâm giải oan từ những năm 1980, nhìn nhận công bằng hơn về chính sách ngoại giao, đóng góp về kinh tế, văn hóa. Việc hội thảo trước thềm đại lễ cũng được coi là ứng xử công bằng của giới sử học đối với vương triều từng bị coi là “ngụy triều”.

Dấu ấn văn hóa nhà Mạc để lại trong 65 năm trị vì tại Thăng Long và hơn 85 năm ở Cao Bằng được đặc biệt coi trọng. “Phả hệ gốm Mạc trình làng phong cách hoàn toàn mới với các dòng gốm lam xám, gốm hoa lam, gốm men đa sắc”, ông Phạm Quốc Quân, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nói.

GS Tống Trung Tín xuýt xoa vì những dấu ấn mỹ thuật, kiến trúc để lại qua các di tích, di vật, đặc biệt là sự xuất hiện của đình làng với kiến trúc độc đáo: “Đình Mạc là một trong những bước đi mới của lịch sử kiến trúc cổ truyền. Nó mang đậm tính dân gian và luôn giữ bản sắc trong sự đan xen phức tạp giữa các luồng nghệ thuật Việt Nam - Trung Quốc”.

Nghệ thuật nhà Mạc là giai đoạn bản lề - theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, đưa nghệ thuật Việt Nam Nam vào thời kỳ mới với các trung tâm đình đền chùa trong làng xã và gắn với sự phát triển của văn hóa làng.

Thạc sĩ Trần Thanh Vân và Phan Đăng Thuận (Đại học Vinh) khiến cử tọa thích thú khi đưa ra những điểm tương đồng giữa vua Lý Thái Tổ và Mạc Thái Tổ: “Hai vua đều xuất thân bình dân, tuổi thơ vất vả nhưng bình yên. Lập thân từ quan võ mà làm nên nghiệp lớn”.

Bên cạnh việc giải oan cho nhà Mạc, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đặt ra một việc cần làm ngay, đó là nghiên cứu và bảo tồn Dương Kinh, kinh đô thứ hai của nhà Mạc.

Theo ông, Dương Kinh rộng lớn, thuộc cả Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình, từng được Mạc Đăng Dung cho xây cung điện, lầu gác. Kinh đô ven biển đầu tiên của Việt Nam nếu được nghiên cứu tổng thể và tiến hành khảo cổ, hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Theo Tùng Dương - TP




Các bài mới
Các bài đã đăng