Tạp chí Sông Hương -
“Nếu để bài chòi mất đi là ta có tội với tổ tiên”
09:44 | 22/09/2010
“Chầu rày đã có trăng non/ Để anh lên xuống có con em bồng...” đó là một trong những câu ca mang cái duyên riêng của bài chòi. Ai đã từng tham gia hội bài chòi sẽ không thể quên những câu thai êm ru, tha thiết như thế!
“Nếu để bài chòi mất đi là ta có tội với tổ tiên”
Bài chòi ở miền Trung - Ảnh: Internet
Việc bài chòi đang bị mai một đã khiến cho nhiều nghệ nhân rầu rĩ và làm đau đầu những nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa trong công tác khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian này. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội quanh việc khôi phục loại hình nghệ thuật bài chòi.

Nghe bài chòi không lạ, hỏi bài chòi là thế nào thì lúng túng…

- Thưa Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, nếu để người chưa biết có thể hiểu ngắn gọn về bài chòi, bà sẽ nói gì với họ?


Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo:
Bài chòi, một loại hình nghệ thuật kết hợp giữa dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Bài chòi là hình thức diễn xướng mang tính truyền thống của miền Trung đã phải qua một quá trình lâu dài do người dân sáng tạo nên. Theo thời gian, bài chòi đã phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch ở nhiều vùng khác, nổi bật là ở miền Bắc.

Hiện nay, bài chòi đang bị mai một. Việc bảo tồn và phát huy là tất yếu nhưng có cái khó là, xã hội hiện nay phát triển như vũ bão, giữa cái hiện đại với cái hình thức diễn xướng truyền thống sẽ bị “kênh” nhau.

Vì các hình thức diễn xướng truyền thống là sản phẩm của một nền nông nghiệp có nhịp độ sống chậm rãi nên tại thời đại này ngỡ rằng không còn phù hợp. Thế nên nhiều người nghe đến bài chòi thì không lạ tai nhưng hỏi bài chòi là thế nào thì lúng túng.

- Gần đây, việc khôi phục bài chòi được nhắc đến nhiều. Theo bà, có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng cho bài chòi?

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo: Theo tôi, khôi phục để giữ cho việc diễn xướng truyền thống mà ông cha ta đã sáng tạo ra thì được nhưng hy vọng vào nó có thể phát triển sẽ khó. Vì muốn phát triển nó phải có khán giả. Khán giả bây giờ, những người già cả thích nghệ thuật đó cũng không nhiều, lớp trẻ thì… chịu rồi.

Hơn nữa, với các loại hình văn hóa dân gian nếu gắn với lễ hội sẽ không thể mất được nhưng bài chòi chỉ gắn với hội mà không gắn với lễ nên càng khó khăn hơn. Vì nếu công chúng không chấp nhận thì dù cách gì cũng khó có thể khôi phục chứ chưa nói đến phát triển.

Hình thức nghệ thuật nào cũng phải có khán giả

- Nhưng đã có dự án khôi phục bài chòi ở miền Bắc, thưa bà?

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ thị Hảo: Đứng về mặt văn hóa, việc khôi phục bài chòi ở miền Bắc là vô lý. Miền Bắc không phải là quê hương của bài chòi. Rất nhiều người ở miền Bắc không hề biết gì về bài chòi.

Bất cứ hình thức nghệ thuật nào cũng phải có khán giả. Bây giờ nói bài chòi, đến 90% người dân không biết là cái gì thì làm sao khôi phục được. Vấn đề cốt lõi để một hình thức nghệ thuật tồn tại là nó có được khán giả chấp nhận không?

Theo chủ quan của tôi, nếu nói về bài chòi, những người ở miền Bắc chỉ khoảng 5% người ta thích. Vậy, khôi phục để làm gì? Tại sao không có dự án khôi phục chính ở gốc của nghệ thuật ấy mà lại làm chéo? Ví như, bảo mang ca trù của miền Bắc vào miền Nam làm dự án thử hỏi làm sao mà đạt được kết quả? Nó không thực tế!

- Vậy theo bà, cần phải làm gì để loại hình nghệ thuật này không bị “xóa tên” trong danh sách nghệ thuật dân gian của Việt Nam?

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo: Nếu để bài chòi mất đi là chúng ta có tội với tổ tiên. Việc khôi phục bài chòi dẫu khó mấy vẫn phải làm nhưng vấn đề là làm như thế nào?

Theo tôi, chúng ta nên dựa vào các nghệ nhân dân gian làm nòng cốt để truyền dạy ngay trên cái nôi của nghệ thuật ấy. Chúng ta phải có chế độ tôn vinh nghệ nhân và tạo điều kiện để đào tạo lớp trẻ kế tục. Trước tiên, chỉ chọn một số cháu, mở lớp đầu tiên để “lấy đà” rồi từ cái rất ít ấy nhân rộng ra để bảo tồn.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng cần có lời mới cho giai điệu truyền thống để hòa nhập được với cuộc sống hiện đại. Nếu cứ ca tiếp những lời cách đây hàng mấy chục năm thì đã lạc hậu. Cần làm thế nào để nhạc truyền thống cũng bắt được hơi thở của thời đại thì mới tồn tại và phát triển được.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Thiên Linh (Vietnam+)




Các bài mới
Các bài đã đăng