Tạp chí Sông Hương -
Nỗi niềm "Bà chúa thơ Nôm"
09:09 | 30/09/2010
Kể từ tháng Mười, vở cải lương Bà chúa thơ Nôm (tác giả: Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) sẽ không còn trụ ở khán phòng đẹp đẽ, sang trọng của Nhà hát TP.HCM nữa mà dời về biểu diễn tại rạp Kim Châu (Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM). “Bà bầu” Linh Huyền không thể ngờ nỗ lực “làm sang” cho cải lương của mình lại gặp khó đến thế.
Nỗi niềm
NSƯT Thanh Thanh Hiền trong vai Hồ Xuân Hương
Sang quá cũng… ngại?

Bỏ ra đến 400 triệu đồng cho một vở cải lương trong thời điểm hiện nay xem như Linh Huyền đã “chịu chơi” lắm rồi. Vậy mà chị vẫn tiếp tục “gồng mình” qua 4 suất diễn (Bà chúa thơ Nôm biểu diễn định kỳ ở Nhà hát TP.HCM vào ngày 22 hàng tháng) mà mở màn ra là đã thấy… lỗ thì đúng là “liều mình như chẳng có”. “Suất đầu còn được 60, 70 vé, các suất sau khán giả cứ giảm dần. Suất cuối vừa qua chỉ bán được 7 vé cho 7 người nước ngoài. Nhà hát TP.HCM có 468 ghế mà trung bình mỗi suất diễn chỉ được 50 người ngồi xem nên khán phòng lạnh tanh. Nghệ sĩ nhìn xuống cũng thấy buồn, không còn động lực để hát. Đưa Bà chúa thơ Nôm về Nhà hát TP.HCM mình chỉ mong muốn khán giả có một không gian thưởng thức nghệ thuật đích thực, cho cải lương có một bộ mặt sáng sủa hơn. Không hiểu vì sao lại khó đến vậy?”, “bà bầu” Linh Huyền trầm ngâm chia sẻ.

NSƯT Thanh Thanh Hiền, người được “chọn mặt gởi vàng” vào vai nữ sĩ Hồ Xuân Hương thông minh, đáo để mà vẫn đầy nữ tính, cũng thấy chạnh lòng khi khán phòng quá thưa vắng. Chị tâm sự: “Là nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn mà khán giả vắng quá tránh sao cho khỏi buồn. Nhất là thời điểm trước khi mở màn, ngồi ở bên trong chuẩn bị thì anh chị em chỉ có thể nhìn nhau cười buồn, động viên nhau cố gắng hết mình vì khán giả thôi. Nhưng mà khi ra hát vô tuồng rồi thì dường như quên tất cả. Mình say mê với nhân vật và cảm thấy rất sướng khi khán giả tuy có ít ỏi nhưng lại thể hiện một thái độ rất trân trọng nghệ thuật, trân trọng người nghệ sĩ. Mọi người im lặng, chăm chú theo dõi vở diễn, vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt với một tinh thần thưởng thức nghệ thuật rất nghiêm túc. Âu cũng là một niềm an ủi đối với người nghệ sĩ”. Còn việc tại sao một vở diễn được dàn dựng tốt, đầy chất văn học như thế lại không gặp được khán giả thì chị cũng không thể lý giải: “Do vở diễn không hợp với “gu” của khán giả hiện nay chăng? Khâu quảng bá giới thiệu vở diễn yếu kém chăng? Hay cách tiếp cận với khán giả không hợp lý?... Tại sao chèo Hà Nội khi vào Sài Gòn vẫn kéo được khán giả đến, còn cải lương ngay tại mảnh đất của mình lại không làm được? Rõ ràng có vướng mắc ở đâu đó đòi hỏi người tổ chức phải tìm ra và khắc phục”.

Ngay từ đầu, Linh Huyền khẳng định mình làm cải lương chỉ để thỏa niềm đam mê cháy bỏng với nghiệp Tổ mà chị đã đeo đuổi hơn 20 năm qua chứ không phải để kinh doanh. Tuy nhiên nếu đầu tư quá thiếu hiệu quả, không gỡ vốn được thì lấy đâu ra lực để tiếp tục thực hiện ước mơ. Điều này buộc Linh Huyền phải có hướng đi khác: dời điểm diễn về rạp Kim Châu - một thời là điểm diễn cải lương tấp nập - nhằm khắc phục những hạn chế về mặt tiếp cận khán giả ở Nhà hát TP.HCM. Qua nhiều lời góp ý, “bà bầu” Linh Huyền rút ra ba nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của vở diễn. Thứ nhất, vở diễn mỗi tháng một suất rất khó để khán giả nhớ mà theo dõi lịch diễn. Thứ hai, việc quảng cáo, giới thiệu chương trình ở Nhà hát TP.HCM rất hạn chế. Tối hát, 9h sáng mới được treo băng rôn quảng cáo, không được quảng bá hay bán vé trước nên chỉ có thể thu hút lượng khách vãng lai (vốn không nhiều) trong ngày. NSƯT Phượng Loan, đảm nhận vai Đoàn Thị Điểm trong vở, chia sẻ: “Thông thường ở rạp hát chỉ dành cho cải lương như Hưng Đạo treo biển quảng cáo cả tuần còn chưa thấy ăn thua huống chi Nhà hát TP.HCM trước giờ không phải là điểm diễn quen thuộc của cải lương lại thêm quy định quảng bá suất diễn có phần hơi… ngặt nữa”. Thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, Nhà hát TP.HCM sang trọng quá nên khán giả… ngại vô. “Là một nghệ sĩ tôi tin là bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn được đứng trên một sân khấu tươm tất, sạch đẹp, sang trọng như Nhà hát TP.HCM. Chỉ ở một không gian nghệ thuật đẹp và nghiêm túc như vậy người nghệ sĩ mới có được cảm hứng để bay bổng cùng nhân vật. Về phía khán giả, ngồi trong một khán phòng sáng đẹp, chỗ ngồi thoải mái, với không gian thưởng thức nghệ thuật thực thụ thì chắc phải thích hơn khi xem hát ở một rạp hát cũ kỹ, xuống cấp, lúc nào cũng phải đề phòng cảnh chuột chạy hay phải nhíu mày khó chịu vì những vị khách vô tâm tự do ăn uống, nói cười lớn tiếng. Thật không ngờ là cái không gian sang trọng mà mình cố gắng trả lại cho cải lương lại khiến khán giả ngại vô. Thôi thì dời về rạp Kim Châu thử xem khán giả có ngại vô nữa hay không…”, Linh Huyền cười buồn nói.

Làm lại từ Kim Châu


Linh Huyền cho biết “bà bầu” NSƯT Hồng Vân đã nhận lời hỗ trợ hết mình, sẽ rút kịch về sân khấu Phú Nhuận nhường lại Kim Châu cho Linh Huyền gây dựng thành điểm diễn cải lương đề tài lịch sử. Không còn bị động về việc quảng cáo, bán vé, việc chuẩn bị cho mỗi suất diễn… như ở Nhà hát TP.HCM nữa, Linh Huyền được toàn quyền sử dụng rạp Kim Châu nên mọi khâu sẽ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và hoàn toàn chủ động theo ý mình. Chị khẳng định thay đổi từ Nhà hát TP.HCM sang Kim Châu chỉ là thay đổi về điểm diễn, khán giả có thể chịu thiệt thòi hơn về mặt tiện nghi nhưng chất lượng vở diễn vẫn được đảm bảo. Thay vì mỗi tháng chỉ một suất diễn, sân khấu sẽ cố gắng sáng đèn vào mỗi cuối tuần nhằm đưa vở diễn đến với công chúng nhiều hơn. Vở Bà chúa thơ Nôm sẽ ra mắt ở điểm diễn mới trong hai suất 30 và 31/10. Trong thời gian này, Linh Huyền cũng triển khai tập hai vở Sương Nguyệt Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm dày thêm kịch mục cho sân khấu cải lương lịch sử của mình. Lại một lần nữa Linh Huyền chọn đường đi khó (có vẻ ngày càng khó hơn) khi cải lương lịch sử không phải là “gu” của phần đông khán giả cải lương. Linh Huyền thẳng thắn nói: “Thất bại vừa qua là do mình “máu” quá, mình yêu tác phẩm và cứ nghĩ công chúng ai cũng hướng tới cái đẹp thì sẽ đón nhận Bà chúa thơ Nôm, một vở diễn đẹp về một nhân vật đẹp không chỉ người Việt Nam mà thế giới cũng đã đón nhận tài năng của bà. Nói một cách hình tượng thì tôi yêu tác phẩm như tình yêu đầu đời đầy mê đắm và quyết làm cho bằng được, ai nói gì khuyên gì cũng mặc, như trai gái yêu nhau mà bị cấm cản thì có bao giờ nghe đâu. Đến khi vấp rồi, ngồi lại nghe thì nhiều chuyện không như ý đã xảy ra. Bây giờ nếu dừng lại thì tôi không hề sợ “lời ra tiếng vào” rằng mình nói cho dữ mà làm không được gì nhưng tôi không thể để ước mơ mình vụt tắt như thế được. Bà chúa thơ Nôm mặc dù rất ít khán giả nhưng tôi đã nhận được nhiều lời khen, nhiều lời động viên rất chân tình từ những con người ít ỏi đó. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục làm, tiếp tục tìm bạn tri âm đến với sân khấu để tìm hiểu lịch sử dân tộc, để thưởng thức tác phẩm chứ không vì một ngôi sao nào cả…”.

Theo Ninh Lộc - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng