Tạp chí Sông Hương -
Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách
09:41 | 01/10/2010
Nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lần đầu tiên công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng gần 1.000 hiện vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long và tham quan khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.
Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách
Đoan Môn - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chính thức khai mạc sáng nay 1.10 với một nội dung đầy ý nghĩa là lễ trao bằng của UNESCO công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long -  Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.

Sau khi di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long được phát lộ vào năm 2002, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng triệu hiện vật thuộc các triều đại: tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, có niên đại tới 1.300 năm. Các nhà khoa học đã lựa chọn gần 1.000 hiện vật tiêu biểu trưng bày trong cuộc triển lãm diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.

“Trong tương lai, chúng ta có thể nghĩ đến việc xây dựng một bảo tàng trưng bày các hiện vật của Hoàng thành Thăng Long. Vấn đề đó nằm trong quy hoạch tổng thể và những kế pháp lâu dài. Khi đã có quần thể kiến trúc liền mạch về một mối, chúng ta có thể nghĩ tới việc xây một bảo tàng lớn hơn hoặc trưng bày di vật tại ngay di tích. Có nhiều giải pháp và chúng ta sẽ chọn giải pháp nào tốt nhất cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản”. PGS-TS Tống Trung Tín

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, từ cuối năm 2008, các chuyên gia Pháp và Bỉ đã tư vấn, phối hợp cùng các chuyên gia Việt Nam lựa chọn hiện vật, chuẩn bị cho cuộc triển lãm. “Cách làm của các chuyên gia nước ngoài rất chuyên nghiệp. Họ tính toán rất kỹ từng vị trí đặt hiện vật, cách trang trí, phối màu, vị trí ánh sáng. Họ tỉ mỉ đến từng chi tiết, ngay cả đến dàn đèn chiếu sáng” - ông Tín cho biết. Ngay cả trong việc lựa chọn hiện vật trưng bày, các chuyên gia nước ngoài cũng đưa ra nhiều quan điểm mới. Ông Tín ví dụ: “Thường chúng ta hay thích những hiện vật gần như nguyên vẹn hay đồ sộ. Nhưng các chuyên gia nước ngoài lại thích những mảnh vỡ có thể gây ấn tượng mạnh”. Việc phối hợp kỹ càng, chuyên nghiệp, theo ông, đã giúp việc trưng bày ấn tượng, đạt chất lượng cao, giúp người xem cảm nhận được lịch sử và văn hóa.

Việc trưng bày được chia theo niên đại. Các hiện vật trưng bày chủ yếu là gạch, ngói xây cung điện có hoa văn trang trí bên trên, các lá diềm trang trí (hình phượng, rồng), tượng và đồ dùng sinh hoạt trong cung đình (bát, đĩa, bình, lư hương, liễn, chậu hoa...), các bức tượng (sư tử, rồng) trang trí trên mái ngói cung điện... Theo ông Tín, “khi xem các di vật người xem sẽ cảm nhận được mỹ thuật độc đáo, cách trang trí phong phú, tay nghề tinh xảo của thợ thủ công của các triều đại khác nhau hay cảm nhận về cuộc sống trong hoàng cung”.

Du khách có thể tham quan khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại hai khu vực A và B (hiện nay đã có 4 khu A, B, C, D được khai quật). Một hệ thống cầu dẫn được làm bằng thép, bên trên có mái che vừa mới hoàn thành phục vụ khách tham quan. Tại mỗi điểm di tích đều có bảng giới thiệu cụ thể.

Người xem có thể nhận thấy nhiều lớp kiến trúc tiêu biểu thuộc nhiều triều đại chồng lên nhau, từ thời Bắc thuộc, tới Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trong hai khu vực khảo cổ này, có nhiều phế tích kiến trúc như: các cửa và hệ thống cống thoát nước (thời Lý - Trần), dấu vết nền cung điện, các đoạn thành, các giếng cổ (thời Đại La, thời Lê), các con đường cổ, các chân cột trụ...

Đại diện Ban quản lý di tích cho biết, hệ thống cầu dẫn được thiết kế đảm bảo an toàn cùng lúc cho 1.000 lượt du khách. Trong khi đó, tại khu Thành cổ có thể tiếp nhận 5.000 lượt khách cùng một lúc. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết: “Khu khảo cổ mới có kế hoạch mở cửa đón khách đến hết tháng 10, chưa có kế hoạch cho khách tham quan sau thời gian đó”.

Theo Minh Ngọc - TN






Các bài mới
Các bài đã đăng