Tạp chí Sông Hương -
Cha đẻ "Những vần thơ của quỷ Satan" chạm ngõ điện ảnh
14:54 | 10/10/2010
Sau một sự nghiệp văn chương trải dài 3 thập niên, cuối cùng Sir Salman Rushdie, nhà văn gốc Ấn Độ, tác giả Những vần thơ của quỷ Satan sẽ được thấy một trong những tiểu thuyết của mình xuất hiện trên màn bạc. Đó là Những đứa trẻ lúc nửa đêm (Midnight’s Children), tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn được dàn dựng thành phim.
Cha đẻ
Tác phẩm văn học ra đời năm 1981 này đã mang lại danh tiếng toàn cầu cho Rushdie sau khi đoạt giải Booker.

Xúc tiến kịch bản phim trong 2 năm

Sir Salman Rushdie đã xúc tiến kịch bản phim trong 2 năm với nữ đạo diễn Deepa Mehta, người Canada gốc Ấn. Deepa Mehta đã biết Rushdie từ nhiều năm qua và bà nổi tiếng với bộ ba phim Fire (Lửa), Earth (Đất) và Water (Nước) mà bà dàn dựng trong năm 1996-2005. Mehta và chồng, David Hamilton, đang điều hành công ty điện ảnh Hamilton Mehta ở Toronto và chồng bà sẽ là nhà sản xuất của dự án điện ảnh kể trên.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm là Saleem, người sinh ra ở Bombay vào giữa đêm 15/8/1947, thời khắc Ấn Độ trở thành quốc gia độc lập, và là người phát hiện ra tất cả những đứa trẻ Ấn Độ sinh ra trong thời điểm đó đều có những khả năng kỳ diệu. Cuốn tiểu thuyết này đã đoạt giải Booker năm 1981 và 12 năm sau đoạt giải Booker of Bookers. Năm 2008, trong một cuộc bình chọn nhân kỷ niệm 40 năm giải Booker, Những đứa trẻ lúc nửa đêm lại được chọn là tiểu thuyết hay nhất đoạt giải này.

“Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” lên phim

Thế nhưng, cho đến nay chưa có ai nỗ lực chuyển thể tiểu thuyết đó thành phim hoặc bất cứ tác phẩm nào của Rushdie. Sở dĩ có chuyện này là do thể loại mà Rushdie viết, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, không dễ dàng chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.

Nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thuộc thể loại này như Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez và Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov, đều cho thấy đó là những tác phẩm quá “đáng sợ” cho nền điện ảnh thương mại.

Trả lời phỏng vấn của The Times Of India hồi đầu năm, Rushdie nói: “Giờ đây chúng tôi đã có một kịch bản mà mình thích. Những đứa trẻ lúc nửa đêm đã có thể dàn dựng được thành phim. Tôi là một người hâm mộ điện ảnh cuồng nhiệt và tin rằng nền điện ảnh tinh tế hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiểu thuyết hay nhất”.

Nhưng trong trường hợp của Rushdie thì lại càng khó hơn do ông đã phải sống ẩn náu tới 10 năm và bất cứ sự liên quan nào tới ông đều mang mối nguy hiểm tiềm tàng. Nhà văn bắt đầu phải sống “chui lủi” sau khi một nghị sĩ Hồi giáo ở Ấn Độ cho rằng tiểu thuyết thứ 4 của ông - Những vần thơ của quỷ Satan (1988) - lăng mạ đạo Hồi. Sau nhiều cuộc nổi loạn ở Anh và Kashmir, Giáo chủ Iran Ayatollah Khomeinira lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình Rushdie và bất cứ ai liên quan đến việc xuất bản cuốn tiểu thuyết. Tới tháng 9 năm 1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình ông.

Năm 2007, việc phong tước Hiệp sĩ cho nhà văn được giới văn học hoan nghênh song lại gây nên nhiều sự phản đối trên toàn thế giới. Các Chính phủ Iran và Pakistan đã mời các đại sứ Anh tới để đưa ra những sự phản đối chính thức.

Sir Salman sinh ra ở Ấn Độ nhưng đã chuyển tới Anh từ năm 13 tuổi. Đầu năm nay, ông và nữ đạo diễn Mehta đã tới thăm Mumbai để gặp gỡ một số ngôi sao của Bollywood và chọn diễn viên cho phim, trong đó có Irrfan Khan, người thủ vai thanh tra cảnh sát trong phim đoạt giải Oscar Triệu phú ổ chuột của đạo diễn Danny Boyle, và Seema Biswas, ngôi sao phim Bandit Queen (1994).

Trong lần viếng thăm này, Rushdie nói một trong những điều khó khăn nhất trong những năm phải sống chui lủi của ông là không thể trở về Ấn Độ. Đây quả là một hành trình dài để tiểu thuyết của Rushdie đến được với nghệ thuật thứ 7.

Những tác phẩm “kỵ” điện ảnh Sir Salman Rushdie không phải là nhà văn duy nhất phải mất nhiều thập kỷ mới “chạm ngõ” được làng điện ảnh. Sau đây là một số tác phẩm mà điện ảnh “khó nhằn”.
* Hiệp hội bảo vệ nhẫn: Tập đầu tiểu thuyết sử thi của J.J.R. Tolkein được xuất bản 47 năm trước khi Peter Jackson chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh thành công. Trước đó, tiểu thuyết này từng được dàn dựng thành phim hoạt hình nhưng thất bại.
* Nghệ nhân và Margarita: Tiểu thuyết được yêu thích trong thế kỷ 20 được nhà văn Nga Mikhail Bulgakov viết trong những năm 1930, từ lâu vẫn được cho là không thể dựng thành phim cho đến khi một serie phim truyền hình gồm 10 tập do Chính phủ trợ cấp được phát sóng trên truyền hình Nga năm 2005.
* Trăm năm cô đơn (1967): Kiệt tác thuộc thể loại chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez chưa hề được đưa lên màn bạc trong khi một số tiểu thuyết khác đã được dựng thành phim.
* Bắt trẻ đồng xanh (1951): Là tiểu thuyết đầu tay của J.D. Salinger và nhà văn Mỹ này đã lảng tránh tất cả những lời đề nghị đưa tiểu thuyết kinh điển của mình lên phim.


                                                             Theo Việt Lâm - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng