Tạp chí Sông Hương -
Kiệt tác sử thi hay nhất về một vĩ nhân
14:52 | 15/10/2010
“Không thể kể lại cuộc đời của một con người chỉ trong một câu chuyện”, cảnh mở màn bộ phim nhận định. “Điều có thể làm là luôn trung thành với hồ sơ về cuộc hành trình của ngài, và cố gắng tìm hiểu con tim của ngài…”
Kiệt tác sử thi hay nhất về một vĩ nhân
Thánh Gandhi

“Ngài” ở đây là Mohandas Karamchand Gandhi (1869 - 1948), vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Ấn Độ, một trong những vĩ nhân có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20 - người đã được nhân loại xưng tụng bằng cái tên trìu mến Mahatma (Thánh) Gandhi.

Gandhi (1982) là bộ phim tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của ông, là bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước Ấn Độ cách đây hơn 60 năm. Bộ phim lần theo những khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời của người luật sư trẻ Mohandas Karamchand Gandhi, từ những phản kháng ban đầu khi còn ở Nam Phi, cho tới khi lãnh đạo toàn thể nhân dân Ấn Độ chống lại sự cai trị hàng thế kỷ của đế quốc Anh. Gandhi chủ trương không nhân nhượng, bất hợp tác, nhưng tuyệt đối không dùng đến vũ lực để chống lại chính quyền cai trị. Từ đó đã khai sinh ra Học thuyết bất bạo động nổi tiếng thế giới, mà Gandhi chính là người khởi xướng. Sau nhiều năm bền bỉ và hứng chịu nhiều mất mát, Ấn Độ đã trở thành một nước có chủ quyền vào năm 1947. Bộ phim kết thúc bằng sự chia cắt đất nước sau khi đã giành được độc lập, trở thành Ấn Độ và Pakistan, và cuối cùng là vụ ám sát Gandhi vào ngày 30/01/1948.

Năm 1952, nhà sản xuất kỳ cựu Gabriel Pascal (phim Pygmalion), đã đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng Ấn Độ Pandit Nehru, để sản xuất một bộ phim về cuộc đời của Gandhi. Tuy nhiên, năm 1954 Pascal chết vì ung thư, trước khi quá trình chuẩn bị hoàn tất.

Năm 1957, sau khi đoạt 7 giải Oscar với The Bridge on the River Kwai (Cầu sông Kwai) đạo diễn David Lean và nhà sản xuất Sam Spiegel lên kế hoạch làm một bộ phim về Gandhi, dự kiến Alec Guinness sẽ thủ vai chính. Cuối cùng, dự án bị hủy để chuyển sang làm bộ phim sử thi vĩ đại khác, Lawrence of Arabia (1962).

Dự án cuộc đời của một người Anh


Thật thú vị khi được xem một bộ phim tiểu sử về con người đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh, lại do chính một đạo diễn người Anh thực hiện. Vào thời điểm Gandhi giành được độc lập cho Ấn Độ, Richard Attenborough - một diễn viên kiêm đạo diễn sân khấu lừng danh người Anh - mới chỉ là một chàng thanh niên.

Là một trong số rất nhiều người Anh ngưỡng mộ Gandhi, Richard Attenborough từ lâu đã ấp ủ ý tưởng đưa chân dung của con người nhỏ bé vĩ đại ấy lên màn ảnh. Tháng 12/1962, ông nhận được cú điện thoại từ Motilal Kothari - nhân viên hội đồng cấp cao Ấn Độ ở London – Kothari được giao sứ mệnh phải tìm một nhà sản xuất để làm bộ phim dựa vào cuộc đời hoạt động chính trị của vị lãnh tụ tinh thần kính yêu của dân tộc Ấn Độ. Sau khi đọc xong 48 trang tiểu sử viết về Mahatma Gandhi, Richard Attenborough tự nhủ rằng, ông không chỉ sản xuất mà sẽ là người thích hợp nhất để đạo diễn bộ phim này.

Nhưng ngay từ đầu dự án đã gặp khó khăn do năm 1962, bộ phim Chín giờ đến Rama thuật lại vụ ám sát Gandhi, đã thất bại thảm hại, khiến việc kêu gọi đầu tư trở nên khó khăn. Attenborough gõ cửa khắp nơi nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ của các hãng phim với lý do: Sẽ chẳng có ai bỏ tiền mua vé để xem một người đàn ông khoác tấm áo vải và đi bộ khắp nơi!

Nhược điểm của những bộ phim về tiểu sử và chân dung của các lãnh tụ là cứng nhắc, khô khan và áp đặt. Họ thường bị biến thành những vị thánh với những hành động và lời nói xa rời thực tế. Nhưng Gandhi hoàn toàn thoát khỏi những nhược điểm ấy. Bởi sự vĩ đại bắt nguồn từ những chi tiết hết sức nhỏ nhặt và giản dị như chính bản thân của Mahatma Gandhi

Trong suốt 20 năm, Attenborough đã từ chối khoảng 40 vai, và hơn một chục dịp làm đạo diễn để theo đuổi ước mơ của mình. Ông còn từ chối chức giám đốc Nhà hát quốc gia Anh quốc danh giá, vì như thế có nghĩa là phải từ bỏ Gandhi mãi mãi! Giữa thập niên 1970, Attenborough nhận lời đạo diễn 2 phim A Bridge Too Far (1977), và Magic (1978), đổi lại nhà sản xuất Joseph E. Levine cam kết sẽ đóng góp một phần kinh phí để ông làm Gandhi.

Sau gần 18 năm đàm phán với những người có thế lực và các nhà tài trợ chính cho phim đến từ Ấn Độ, mùa Xuân năm 1980, Attenborough đã thuyết phục và gây dựng được một ngân quỹ 22 triệu USD để thực hiện Gandhi, trong đó có 10 triệu USD từ chính phủ Ấn Độ, do nữ Thủ tướng Indira Gandhi (con gái của Pandit Nehru) đồng ý phê duyệt. Phần còn lại của kinh phí thì xin tài trợ từ các công ty lớn ở Anh và Ấn Độ, từ Jake Eberts – một người bạn của Attenborough, và từ tiền bán phần sở hữu vở kịch The Mousetrap do vợ chồng Attenborough nắm giữ.

Vai diễn một đời

Tiếp theo là một công việc cũng khó khăn không kém việc kêu gọi đầu tư, đó là tìm diễn viên để thủ vai chính Gandhi. Ban đầu Alec Guinness, Anthony Hopkins, John Hurt và Tom Courtenay nằm trong số những diễn viên được Richard Attenborough cân nhắc. Ở Mỹ, Dustin Hoffman cũng bày tỏ lòng mong muốn được đóng vai diễn này, nhưng sau đó ông nhận vai diễn giả trang độc đáo trong phim Tootsie (thật trớ trêu là năm 1982, Dustin Hoffman đã để giải Oscar rơi vào tay người đóng vai Gandhi sau này!).

Đạo diễn Attenborough tổ chức tuyển chọn ở rất nhiều nơi trên thế giới, cuối cùng ông có được người cần tìm. Đó là Ben Kingsley, một diễn viên sân khấu vô danh mới 27 tuổi. Nhà viết kịch Harold Pinter sau khi xem Ben diễn trong một vở kịch, đã tiến cử anh cho Attenborough.

Gia đình bên nội của Ben Kingsley (tên khai sinh là Krishna Bhanji) quê ở bang Gurjarati, Ấn Độ, cùng bang với quê của Mahatma Gandhi. Khi Ben đầy đủ trang phục và hóa trang xong, trông anh giống hệt như Gandhi ngoài đời, đến mức khi quay ở Ấn Độ nhiều người bản xứ tưởng anh là hồn ma của Gandhi!

Ben đã nhập vai Gandhi một cách hoàn hảo, tạo nên sự liền lạc cho bộ phim có quá nhiều sự kiện trải dài suốt mấy thập kỷ với bao thăng trầm từ giai đoạn 1894, khi Gandhi còn là một sinh viên luật 25 tuổi, cho đến 1948 khi ông bị một kẻ Hindu cuồng tín ám sát.

Diễn xuất của Ben chân thực và sống động đến mức có cảm giác hầu như anh không cần diễn. Khi anh cất lên những lời nói đã được lịch sử ghi lại cảm giác như chính Gandhi đang đứng đó nói lần đầu tiên. Dường như Ben đã cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn trong những từ ngữ đó. Điều anh cần làm chỉ là thêm vào những chi tiết nhỏ, nét thông tuệ, sự bình thản và một đức tin vững vàng. Đó là những phẩm chất mà Attenborough đã hình dung về vai diễn Gandhi.

Với vai diễn Mahatma Gandhi, Ben Kingsley đã đoạt 11 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Oscar. Ben một trong những diễn viên hiếm hoi của nước Anh được phong tước Sir danh giá! Dù sau này nổi tiếng và có nhiều vai diễn hay, nhưng Gandhi vẫn mãi là đỉnh cao lớn nhất trong sự nghiệp của Ben Kingsley.

Lưu danh kỷ lục Guinness

Phim Gandhi khởi quay ngày 26/11/1980, tại Ấn Độ. Dưới sự giám sát của nhà thiết kế Stuart Craig, kịch bản của John Briley đòi hỏi phải có 87 bối cảnh để sử dụng cho 189 cảnh trong phim. Sau 24 tuần quay ở Ấn Độ, và thêm 2 tuần bổ sung những cảnh quay còn lại ở London, bộ phim đã hoàn thành vào ngày 10/5/1981 sau 6 tháng rưỡi thu hình.

Trong suốt 3 giờ đồng hồ, phim Gandhi liên tục khiến cho người xem phải choáng ngợp trước những đại cảnh vĩ đại và giàu cảm xúc, được dàn dựng rất công phu với hàng ngàn diễn viên quần chúng được quay tại nhiều địa điểm trên đất nước Ấn Độ. Có thể nói những đại cảnh ấy đã góp phần quan trọng trong việc mang lại một tầm vóc xứng đáng cho bộ phim.

Ấn tượng nhất là cảnh đám tang của Mahatma Gandhi. Thủ đô New Dehli được tái tạo lại để quay trường đoạn này. Đoàn phim cho in tờ bướm và đăng quảng cáo trên các tờ báo ở Delhi kêu gọi 300.000 diễn viên quần chúng tham gia cảnh này, trong đó khoảng 200.000 là tình nguyện viên còn 94.560 thì được trả thù lao tượng trưng. Các diễn viên quần chúng chỉ được phép mặc quần áo trắng, an ninh được thắt chặt đến mức tối đa.

Để cảnh quay diễn ra một cách sống động như thật, nó được chọn bấm máy vào ngày 31/01/1981, nhân kỷ niệm lần thứ 33 ngày đưa tang Mahatma Gandhi. Ben Kingsley được hóa trang nằm trên một quan tài phủ đầy hoa, 11 ê-kíp quay được bố trí ở nhiều góc độ đã quay hơn 6.706 mét phim, chỉ để sử dụng có 125 giây trên phim. Con số 300.000 người tham gia đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là cảnh có đông quần chúng tham gia nhất trong lịch sử điện ảnh.

Ước mơ thực hiện thiên anh hùng ca của Richard Attenborough trong suốt 20 năm đã trở thành hiện thực. Ngày 30/11/1982, Gandhi ra mắt ở New Delhi. Tuy là bộ phim tiểu sử và mang đậm màu sắc chính trị, nhưng bộ phim lại vô cùng cuốn hút người xem, và thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Chỉ riêng tại Mỹ, Gandhi đã thu được gần 53 triệu USD. Năm 1982, bộ phim đã được đề cử 11 giải Oscar và đoạt 8 giải – trong đó có giải đạo diễn và Phim hay nhất. Gandhi đã trở thành một sự kiện điện ảnh quan trọng của thập kỷ 1980.

Theo Bá Vũ - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng