Tạp chí Sông Hương -
MẠCH VĂN ĐÃ ĐƯỢC KHƠI NGUỒN
08:28 | 19/10/2010
(Về cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế do Sông Hương tổ chức)BAN TỔ CHỨC CUỘC THINhằm tạo không khí sáng tác, phát hiện các cây bút trẻ Huế, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Tài năng Trẻ, Tạp chí Sông Hương tổ chức Cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên đang theo học các trường đại học và cao đẳng ở Huế.
MẠCH VĂN ĐÃ ĐƯỢC KHƠI NGUỒN

Sau 1 năm phát động cuộc thi, số tác giả tham gia chưa thật nhiều song qua lượng bản thảo đã cho thấy khát vọng dấn bước vào nghiệp văn ở họ là khá mạnh mẽ. Cho tới thời điểm kết thúc Cuộc thi vào cuối tháng 5-2010, Ban tổ chức đã nhận được gần 50 truyện ngắn dự thi của hơn 30 tác giả. Từ số báo đầu năm 2010, những truyện ngắn tốt nhất qua vòng sơ loại đã được đăng tải.

Bên cạnh số truyện ngắn dưới mức trung bình, một số truyện ngắn cho thấy “sự lớn” của những tác giả đang là sinh viên đã trải nghiệm ở giảng đường vài ba năm, thậm chí là mới chập chững làm quen với môi trường đại học.

Nguyễn Lê Vân Khánh là tác giả có truyện đăng ở Sông Hương trước đó. Khi cuộc thi vừa công bố, chúng tôi đã nhận được 2 truyện ngắn của Vân Khánh. Đàn dương, vẫn là giọng văn của Vân Khánh ở truyện đăng trên Sông Hương số 248 (10.2009), đằm, dịu như một kỷ niệm ngọt ngào được gợi lại trong giờ khắc buồn bã. Một dạng văn bản ổn định về câu chữ. Nhưng với lối viết truyện gần với tùy bút này, cũng chính là hạn chế của tác giả trẻ, vốn phải tìm tòi, khám phá. Đọc truyện ngắn thứ hai Yêu xa xa một phút (SH số 252/02-2010) thì Vân Khánh đã hạn chế được điểm này. Truyện đã có “chất truyện” với một vài chi tiết động về tâm lý người yêu trẻ.

Trong số bản thảo của Vân Khánh gửi tới, chúng tôi còn nhận được Hoa mặt trời, một truyện ngắn hướng nội. Là giọt nước còn nguyên trên khóe mắt; giọt nước mắt “không tin” nó sẽ rơi xuống và vỡ tan tành. Bao giờ cũng thế, người chết luôn trút nỗi đau thương vô bờ cho người sống. Nếu trước lúc vĩnh viễn ra đi, từ trong bóng tối, “người chết” chứng kiến được cơn đau khắc khoải, triền miên của người sống như nhân vật “Tôi” (và cả “Ba tôi”) trong truyện, hẳn “người chết” sẽ ở lại... Hoa mặt trời, vẫn không thiên về kết cấu, tính cách, đối thoại. Truyện là một áng văn nhẹ nhàng, thanh thoát, giàu chất thơ và ngọt ngào như cái dư vị sau khi nhấp một ngụm trà ngon đậm chát. Cảm xúc đã truyền được tới người đọc khiến chúng tôi trộm nghĩ, dường như một người thân của chính tác giả vừa đi về nơi xa lắm... Nhà văn Trần Thùy Mai đánh giá: “Vân Khánh là một tác giả đã tạo được giọng văn rất riêng. Ở cả hai truyện (Yêu xa xa một phút Hoa mặt trời), đã không chỉ kể một câu chuyện, mà còn dựng nên một thế giới riêng có linh hồn. Nó làm cho người đọc cảm thấy thế giới mình đang sống vẫn còn rất nhiều ngõ ngách sâu thẳm và đầy âm vang”.

Vũ Hoài Nguyễn cũng là gương mặt từng xuấn hiện trên Sông Hương với Kẻ khùng. Truyện ngắn Hành trình (SH số 251/01-2010) bắt đầu bằng một giấc mơ, như là sự ám ảnh về tình yêu của người con gái với hai tình huống, một bởi mối tình cũ, hoặc mối tình đang tồn tại trong cô song có phần mơ hồ. Sự cố gắng thể hiện ở việc gây dựng yếu tố “lập loè” giữa tâm trạng rối bời của nhân vật cô, và sự day dứt khi tác giả đứng ngoài quan sát, muốn lên tiếng mà không muốn lộ mặt. Nhờ yếu tố làm mờ này, mà truyện gần như giấu được cốt truyện có phần đơn giản, một kiểu “không có gì” ở truyện ngắn hiện đại. “Với Hành trình, Vũ Hoài Nguyễn lột tả được cuộc sống nội tâm của con người hiện đại, trong sự đan xen giữa thực và ảo, thực tế và ảo mộng, khi con người dễ dàng tiếp cận nhau hơn bao giờ hết nhưng đồng thời cũng cô đơn hơn bao giờ hết” (Nhà văn Trần Thùy Mai).

Vào quãng gần cuối Cuộc thi, Vũ Hoài Nguyễn còn gửi thêm truyện ngắn Nhật ký viết cho ngày bình thường. Về nội dung, trước hết là sự chia sẻ những dòng nhật ký của hai người bạn với nhau (thông qua truyện ngắn này là với mọi người). Rất nhiều “mẩu tin” đã được lượm lặt, ghi lại một cách gọn ghẽ, đầy cảm xúc. Ví như: “Sáng nay, ra đường thấy mọi người kháo nhau chuyện một cụ già ngồi giữa ngã sáu đường phố ôm tấm biển “xin - được - chết”, mình hòa theo dòng người như nước xuôi dòng tìm đến chỗ có cụ già”. Tính hiếu kỳ đã khiến người người kéo đến “ngắm nghía” (trong lúc lẽ ra nên đến bên vỗ về hỏi han, giúp đỡ). Khó hiểu, lấy làm lạ, đám người đành đi hỏi nguyên do từ “Em bé biết tuốt có thân hình của một đứa trẻ lên năm nhưng khuôn mặt của người già bảy mươi tuổi”... Truyện có vẻ hút được người đọc như một hướng dẫn viên dẫn đoàn khách du lịch tới chỗ quá quen thuộc, quá gần gũi song là lần đầu tiên khám phá. Trên đoạn đường ấy họ bị kích thích bởi những “chuyện vặt”, và lúc gặp được Em bé biết tuốt họ đã chuyển hóa thành sự thắc mắc mà đúng ra họ hoàn toàn có thể giải đáp được nếu còn (biết) “tin vào tình người trên thế gian”.

Lê Minh Phong xuất hiện thuyết phục với một loạt truyện ngắn dạng mi ni Trung Quốc, thậm chí ảnh hưởng “nặng” khi tác giả viết luôn hai truyện có hai nhân vật “mi” và “ta” với lối kể giống y Linh Sơn của Cao Hành Kiện. Những truyện khác đều thể hiện chút xuất thần trong bố cục, sâu ở cốt truyện và ngỡ ngàng ở phần kết. Điều đó cũng mang hơi hướng của một dạng truyện ngắn hiện đại tây âu, mà đôi lúc người biên tập phải nhăn trán trộm nghĩ: hay đây là truyện dịch. Chúng tôi muốn nói tới truyện Tiếng khóc ở phía hoàng hôn. Một truyện ngắn hội đủ yếu tố về cốt truyện khá sâu, nhân bản, bố cục chặt, lời văn sáng, cái bi lẫn trong cái hài như một phi lý của nghệ thuật. Truyện dài hơn dạng mi ni chút ít, song khi muốn trích dẫn, chúng tôi chỉ muốn trích luôn cả truyện, nghĩa là muốn độc giả đọc nguyên vẹn, nghiêm túc truyện ngắn này để cảm nhận những sắc độ mà tác giả đã gửi gắm. Truyện chỉ có ba nhân vật. Ông lão, mụ vợ và con chó, trong đó con chó dường như chấm sáng vô tình đã xuất sắc trong vai diễn của mình là một nhân vật lặng lẽ làm sợi dây kết nối nghĩa tình giữa hai con người đang bước dần về bên kia thế giới.

“Cái tường lão xây giờ đã quá đầu gối của lão. Mỗi ngày lão xây một hàng gạch, rồi cái căn nhà này sẽ chia làm hai, những lời chua chát của mụ sẽ không còn vang lên trong óc lão nữa (...) Con chó lại nhảy qua bức tường mà lão đang xây dở. Nó đã làm rơi xuống một viên gạch. Đến bên cạnh lão và liếm vào lòng bàn tay của lão, đó chính là những lời an ủi nó dành cho lão. Lão hỏi nó mày từ bên mụ sang phải không (...) “Có phải mụ đang cầu kinh cho những lời sám hối của ta không?”. Lão bảo nó hãy sang nói với mụ là lão chưa hề sẵn sàng cho cái chết, cái chết sẽ dành cho những kẻ vô lương tâm như mụ, cái chết sẽ đến tìm mụ trước lão.

(...) Con chó lại nhảy qua bức tường sang bên lão. Lần này nó làm đổ của lão hai viên gạch (...) Có phải mụ bảo rằng ta đã làm héo úa cái bộ ngực của mụ không, chính ta đã làm cho nó khô quắt, ta đã vắt kiệt đến giọt sữa cuối cùng của mụ (...) Hãy về với mụ và bảo rằng ta nguyền rủa vào sự trinh trắng mà mụ đã giữ gìn hơn tám mươi năm qua, đấy, hãy quay về và nói với mụ như thế.

Cuối cùng thì bức tường của lão đã xong. Đến bây giờ thì lão không thể đứng nổi nữa...”.

Hình ảnh con chó cứ phốc qua bức tường lão già xây lên để ngăn cách với mụ già, mỗi lần như thế ít nhất nó làm rơi một viên gạch của lão, lão bực, thậm chí có lần đã dùng nửa viên gạch dứ vào đầu nó, nhưng nỗi ân hận trào lên mắt chó khiến lão run tay; với lại mỗi lần nó qua (làm rơi gạch) là mỗi lần nó mang cho lão một thông điệp mà lão đã cố đoán...

Tác giả cũng đã rất khôn khéo đứng ngoài với những câu bình luận không hề thừa, kiểu như: “Chúng ta thì biết chắc chắn rằng con chó chẳng hiểu gì cả, nhưng lão cứ đinh ninh là nó hiểu, nó hiểu vấn đề hơn cả chúng ta...”; “Cho đến bây giờ thì chúng ta đã thấy rằng bức tường mà lão xây đã đến ngang đầu của lão”; “Và chúng ta cũng cần phải biết rằng khi lão đặt viên gạch đầu tiên để xây bức tường của lão thì cũng chính là lúc...”.

Ngay từ đầu Cuộc thi chúng tôi đã nhận được một chùm truyện mi ni của Lê Minh Phong song chưa ra truyện. Yếu. Sau đó khoảng nửa tháng thì serie 5 truyện gửi tới, (và sau đó thêm mấy chùm nữa), đa phần đều tốt. Mà cái tốt nhất theo chúng tôi là Tiếng khóc ở phía hoàng hôn đã dẫn ở trên; tốt hơn cả 2 truyện ngắn mà tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng ở số 25 (19 - 6 - 2010). Truyện ngắn của Lê Minh Phong được đăng tải trang trọng đầu tiên là ở Sông Hương, cũng xem như Sông Hương là nơi phát hiện và động viên (một cách thầm lặng) tác giả này.

Vũ Trường Giang là một sinh viên năm cuối. Năm 2008 Sông Hương đã giới thiệu truyện ngắn viết cho thiếu nhi vào tháng 6 nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Truyện có tên Những anh hùng ở khu vườn nhỏ, khá dài nhưng Sông Hương đã chịu khó giới thiệu với lời dẫn: “Thật hiếm khi Tòa soạn nhận được một truyện ngắn miêu tả hết sức sinh động và kỳ thú về cuộc sinh tồn của những con vật gần gũi nhất với chúng ta hằng ngày: một gia đình Gà tội nghiệp mất con, chú Mực dũng cảm, mèo Milô lanh lợi và cá tính, lũ rắn độc địa... Tất cả nhân vật đó được tác giả trẻ Trường Giang “gom lại” trong khu vườn nhỏ yêu thương nhưng đầy hiểm họa”.

Dẫu vậy, Vũ Trường Giang đã rất dè dặt khi đến với cuộc thi dành riêng cho sinh viên này, và đến khá muộn. Lúc Cuộc thi đã đi hai phần ba chặng đường Toà soạn mới nhận được tác phẩm với cái tên khá gợi: Giọt úa đại ngàn. Trước hết, đây là một văn bản chỉnh chu về lối thể hiện, phong cách, giọng văn, cho thấy cây bút đã có bước trưởng thành, hay nói đúng hơn là rất người lớn. Truyện mang hơi thở huyền thoại, trên nền của sự dung dị và cắc cớ vốn dĩ trong tình yêu. Với kiến thức lịch sử văn hoá khá phong phú, Giang đã tìm cách xoá mờ những vệt tích quá khứ, sử dụng vừa phải một số quan điểm, tập tục, lối sống bộ tộc, cũng như không gian núi rừng hoang dã để dựng nên một câu chuyện không hoàn toàn mới song đủ mức độ thuyết phục người đọc. Ban tổ chức và dư luận đánh giá cao Giọt úa đại ngàn, xem như một sự bổ sung kịp thời cho văn xuôi trẻ Huế. Bên lề Cuộc thi này, Văn nghệ Quân đội đã in truyện ngắn hay là Ngủ giữa trùng sơn của Giang và sau đó mời tác giả tham dự Trại viết do Tạp chí tổ chức.

Du, Sa, Miên... của Phương Đơn.

“Du biết Sa đi thật rồi, nhưng không hiểu sao Du vẫn cứ bị ám ảnh bởi bóng Sa”... Cứ thế Du như người bước mò mẫm trong mộng du, đi trong một thiên đường dẫu mù mịt. Những kí ức vụn nát về Sa được chắp nối rồi lại vỡ ra tan tác. Thế rồi trong khu rừng vắng, “tiếng tác thật to xé toang màn sương mờ đục dưới trăng, kéo Du về thực tại. Trước mặt Du không phải Sa, mà là...” Miên - người con gái sinh ra “trong một buổi sớm mùa đông, sương muối giăng đặc mạng nhện trên những cành cây thành những chấm mờ đục khắp thung lũng”. Người con gái là Miên ấy đang chạy trốn cuộc tình dối trá, cũng trong tâm trạng hỗn loạn và sợ hãi về những gì nếm trải. Dưới ngọn đèn dầu leo lét trong ngôi nhà lá, Miên đã kể lại phần đời ê chề của mình với Du...

Nói chung, hạn chế của truyện là chưa có những chi tiết thật mới, những chi tiết có thể tạo nên cốt truyện. Chính thế, truyện rơi vào tản mát, như một dòng tự sự bồng bềnh, nhẹ nhàng. Điều đáng ghi nhận là ở nửa phần đầu, tác giả đã tạo một không gian khá huyền ảo thể hiện nỗi buồn xa vắng người tình đang dày vò tâm thể Du. Đây, thật tiếc, cũng chính là hạn chế. Dẫu biết tác giả đã có ý lặp lại một số mĩ từ như thủ pháp song đọc một truyện ngắn chỉ dăm ba trang mà sự lặp lại tính ra chiếm 1/3 thì đó là điều khó chấp nhận. Xin dẫn ra một ít:

“Du lại lặng lẽ ra đây, giữa đêm, như một thói quen vô thức, để chìm vào những nhợt nhạt của trăng, những ướt đẫm của sương”; “Du vẫn cứ bị ám ảnh bởi bóng Sa, giữa một đêm trăng nhợt nhạt như thế này, ướt rượt như một dự cảm không lành về tương lai”; “Cũng có lúc Du sợ, nhưng nỗi sợ đó cũng mơ hồ, nhợt nhạt như bóng Sa”; “Du thấy bóng Sa đứng đó, ướt rượt giữa đêm”; “Lồng ngực Du căng lên như muốn xé tung chuỗi ngày chờ đợi, của những đêm trăng, của ướt rượt sương”; “Miên trở thành cái bóng ướt rượt sương đi về giữa ánh trăng nhợt nhạt”...

Nếu như có tặng giải cho truyện này, thì cũng chỉ là niềm khích lệ để Phương Đơn có thể cố gắng hơn nếu muốn đi sâu vào thể loại truyện ngắn.

Nội ơi! là câu chuyện hết sức chân thật. Motif không mới. Người con trai ra phố lập gia đình, lâu lâu mới về thăm mẹ sống một mình ở nông thôn, có vườn tược, xóm làng. Một ngày tháng 5, anh gọi bé Nhật Thiên dậy sớm và cùng vợ về thăm nội. Đứa trẻ không vui song khi tiếp nhận cảnh quê thanh bình yên ắng thì vui lên. Bà cháu vui vầy. Nhưng, với một đứa trẻ mới lên mười, sống thành phố quen và hơn nữa từ nhỏ bố mẹ chỉ dành tình cảm cho mình mà không ai khác. Nay thấy ba thương bà nhiều hơn nên buồn... Buổi sáng đầu tiên thức dậy ở quê đứa trẻ lại “thắc mắc tại sao ăn sáng ở quê lại là món khoai lang, trên thành phố thì ngược lại...”.

“Ba nhìn thấy tôi nhăn mặt liền lên tiếng: “Được ăn khoan là sướng đấy con ạ!” Bà móm mém chửi yêu ba: “Cha anh, nghèo thì phải ăn khoai thôi con ạ!”

Cuối cùng thì bà nội cũng chiều lòng lên phố sống cùng con cháu. “Bà lên ở với gia đình tôi. Tôi không hiểu vì sao từ lúc bà lên ở, tôi lại không thích chơi với bà nữa. Chắc vì trẻ con thích vui chơi, đi đây đó mà bà tôi thì đâu biết gì trên thành phố đâu mà dẫn tôi đi. Tôi ít gần bà. Trong đầu tôi lúc ấy chợt nghĩ ra trò rất quỷ quái...”

Truyện đã ký họa được khung cảnh làng quê dân dã, tình xóm giềng và lời ăn tiếng nói đậm đà, chân phác, sâu lắng tình người. Ba mẹ trong truyện vô tình đã không để ý đến những “trắc ẩn” của một đứa trẻ lên mười. Truyện là bài học về phương cách giáo dục con cái; bài học về sự xa cách tình cảm bà - cháu, chưa thật sự được gắn kết tình máu mủ. Trong quan hệ gia đình, đối với trẻ con, ông bà vẫn luôn là những người có ảnh hưởng lớn không thua kém cha mẹ. Sự không được gần gũi bà nội đã khiến bé Nhật Thiên khi chung sống với bà thì nảy sinh những ý nghĩ “quỷ quái”, ngây thơ đến... độc ác.

Nút thắt của truyện là ở hành động thiếu giáo dục của bé Nhật Thiên. Đó không phải là trường hợp hi hữu, song hạn chế chính là ở chỗ, Nhật Thiên trong truyện vẫn còn mang chút tính cách người lớn biết suy nghĩ, chưa thật ngây thơ, hồn nhiên. Vì thế, lỗi chưa hẳn quy hết cho ba mẹ bé Nhật Thiên; mà tác giả Đỗ Thị Thắm cần có cái nhìn nhân văn hơn khi chủ đích muốn nêu ra trong truyện là giáo dục.
 
Truyện ngắn mà chúng tôi “nhúng tay” vào là Hoàng hôn nơi ngã rẽ. Truyện kể về mối tình có từ hồi phổ thông cho tới khi cả hai vào đại học. Một tai nạt đã cướp đi Lâm (và thai nhi trong bụng Mai - đây là chi tiết ngầm). Rồi Mai ra trường, về làng dạy học, lo phận sự gia đình. “Lâm chết đi cũng đã mang theo hết cái xúc cảm yêu thương của cô rồi... Chẳng ai hiểu được vì sao Mai chọn Khâm, một gã thợ đụng khỏe mạnh song hơi thô kệch”. Điểm nhấn: Mai không thấy có thai với chồng. Trong khi lại có ẩn tình với một đồng nghiệp cùng trường. “Trái tim Mai bùng dậy niềm yêu. Cô hình dung Lâm đang trở về đặt tay lên lồng ngực. Trái tim héo úa nay lại biết thổn thức”. Sẽ là mầm mống khổ đau khi Khâm hối hận vì đã trách nhầm vợ, mà Mai thì chưa hề có ý nghĩ chia tay chồng, nói chi đến bao nhiêu luân thường đạo lý vây quanh Mai. Và nếu ai đó soi lại chặng đời của Mai, thì lại thấy dường như một bi bi kịch mới đang được sắp đặt.

Hoàng hôn nơi ngã rẽ được Diệu Hằng gửi tới và không đề dự thi. Chúng tôi đã chờ những truyện mới từ tác giả, song không thấy (cũng có thể tác giả không biết đến Cuộc thi). Do vậy chúng tôi đã mạnh dạn biên tập, để in Sông Hương số tháng 6 như một niềm khích lệ.

Một điểm chung đáng lưu ý nhất, là các tác giả dự thi đã không nhìn Cuộc thi này ở phạm vi hẹp. Qua các tác phẩm gửi đến, cho thấy họ đã cố vươn lên, cố bắt nhịp với mặt bằng truyện ngắn. Đấy là điều đáng ghi nhận nhất ở Cuộc thi này. Về phía Sông Hương, ngoài việc chọn ra “chiếc đũa cao nhất trong bó đũa”, chúng tôi chú trọng nhiều đến tác giả, muốn biết (hoặc đoán định) bước chân của mỗi tác giả trên con đường văn chương thăm thẳm phía trước. Trên tinh thần đó, Cuộc thi này đã rất thành công.

(260/10-2010)






Các bài mới
Các bài đã đăng