Tạp chí Sông Hương -
Nhà thơ Võ Quê: Tiếp thị đặc sản Huế… bằng thơ
14:23 | 19/10/2010
“Đã nghe ớt đỏ cay nồng/Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh/Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành…/Mời anh buổi sáng chân thành món quê” (Cơm hến). Khác với nhiều tập thơ đã in trước đây, tập Hoa và phong vị Huế (NXB Thuận Hóa) mà Võ Quê (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên - Huế) vừa xuất bản chỉ làm hai việc, đó là “tiếp thị” cho khoảng 30 loài hoa và khoảng 25 món ăn đã trở thành đặc sản của Huế như bún bò, cơm hến, bánh bột lọc, chè đậu ngự, mè xửng…
Nhà thơ Võ Quê: Tiếp thị đặc sản Huế… bằng thơ
Nhà thơ Võ Quê và tập thơ Hoa và phong vị Huế
Những bài thơ này bắt đầu được viết từ năm 1983 và hiện giờ ông vẫn đang tiếp tục sáng tác và sẽ in riêng từng chuyên đề trong tương lai.

* Hình như tập này được tác giả cố tình viết với phong cách thơ khác biệt trước đây - nó gần gũi hơn? Điều gì là thách thức khi ông làm theo phong cách này?

- Xuất phát từ lòng yêu hoa, trân quý các món ăn Huế mà tôi viết những bài thơ ngợi ca, chứ thực ra tôi không hề có ý cố tình viết theo phong cách thơ khác biệt với trước đây. Bởi bên cạnh việc mô tả các thanh, sắc, hương, vị... của hoa, món ăn xứ Huế, người viết cũng phải cố gắng làm thế nào chuyển tải cho được cái thần, cái tình của từng loài, từng thức.

Tìm xuất xứ, lai lịch, đặc điểm, những sự kiện liên quan đến hoa, đến món ăn Huế là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình viết. Và cũng thật không dễ dàng khi hoa và phong vị Huế đều được thể hiện qua dạng thơ bốn câu. Với bốn câu mà miêu tả, khái quát cho đúng, cho được mỗi loài hoa, mỗi đặc sản Huế là thách thức không nhỏ đối với tác giả.

* Một cuốn sách trình bày rất gần với thế giới nội trợ và cắm hoa, chủ đích của ông có phải là hướng đến những độc giả nhất định?

- Khi xuất bản tập thơ Hoa và phong vị Huế, thật ra tôi không hề có chủ đích hướng đến những độc giả nhất định. Theo tôi, hoa thì ai cũng thích được nhìn ngắm cho mãn nhãn, món ăn Huế thì người nào cũng muốn được thưởng thức cho khoái khẩu, do đó độc giả cũng thuộc nhiều thành phần, đối tượng khác nhau. Tuy nhiên đúng như anh nhận xét, khi cuốn sách phát hành thì đa phần độc giả của “thế giới nội trợ và cắm hoa” đã tiếp nhận một cách nhiệt thành, ưu ái. Dù sao hoa, chuyện ẩm thực, nội trợ... cũng gần gũi, quen thuộc với nữ giới hơn. Như tôi đã từng ngợi ca: “Mặn chát cay chua tê ngọt đắng béo bùi.../ Em ươm cả hương vườn lên cuộc sống/ Mẹ dạy em giỏi giang, trong bóng/ Chuyện uống, chuyện ăn nết đẹp quê nhà...”.

Tập thơ này nếu được nhiều người nữ đọc thì với tôi đó là một hạnh phúc đẹp và hiền!

* Xin cảm ơn ông!

Theo Như Hà - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng