Tạp chí Sông Hương -
Nobel Văn học 2010: Mario Vargas Llosa - Nhà văn của sáng tạo không
09:54 | 20/10/2010
Sau một thời kỳ chạy theo đủ các loại chủ nghĩa xuất hiện và phát triển ở Âu-Mỹ, khó khăn lắm các nhà văn Mỹ La tinh mới tìm được thế giới văn chương riêng cho châu lục của mình. Họ gọi đó là thời kỳ boom - bùng nổ, tạo nên một tầm cỡ, đỉnh cao mới, độc đáo, mang đầy cá tính của con người Mỹ La tinh. Trong bước chuyển vĩ đại đó, M.V. Llosa có vinh dự là một trong những người mở đầu, góp một phong cách riêng độc đáo, đưa nền tiểu thuyết Mỹ La tinh phát triển đến ngày nay.
Nobel Văn học 2010: Mario Vargas Llosa - Nhà văn của sáng tạo không
Mario Vargas Llosa ở tuổi 74 vẫn không ngừng sáng tạo

Mario Vargas Llosa gần như có tất cả những giải thưởng văn học quan trọng nhất trong cuộc đời mình: giải Cervantes, giải thưởng Hoàng tử Asturias về văn chương, giải thưởng của các nhà xuất bản quan trọng nhất Barral và Planeta… và mới nhất là giải Nobel Văn chương năm 2010.

Vậy là cuộc thi đua nóng bỏng giữa hai cây đại thụ của nền văn chương Mỹ La tinh G.G. Marquez và M.V. Llosa đã có hồi kết khi cả hai đều đã đoạt giải thưởng văn chương cao quý nhất. “Chúng tôi đã hòa”, Marquez đã bình luận về chiến thắng của ông bạn theo một cách rất La tinh. Nhưng đối với Llosa thì giải thưởng lớn nhất trong đời chính là niềm đam mê và lòng quyết tâm theo đuổi nghề văn.

Tuổi trẻ gây sửng sốt

Năm 1963, ở tuổi 27, Mario Vargas Llosa xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Thành phố và những con chó, và ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Nhiều kẻ tổ chức đốt sách của ông ở ngoài đường phố thủ đô Lima, giới nhà văn không chỉ ở Peru mà còn cả Mỹ La tinh rúng động vì các bài bình luận khen chê đều ở mức cực đoan. Tác phẩm này cũng nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cùng thời gian, nó trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ La tinh. Với tác phẩm này M. V. Llosa được coi là người mở đầu cho giai đoạn rạng rỡ nhất của nền tiểu thuyết Mỹ La tinh được biết đến với tên gọi Boom de la Novela Latinoamericana (Sự bùng nổ của tiểu thuyết Mỹ La tinh) với các tên tuổi lừng lẫy suốt bao nhiêu năm nay, như M.V. Llosa, G.G. Marquez, Julio Cortazar, Alejo Carpentier, A. Asturias, Carlos Fuentes… Các nhà văn này đã đưa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, một khám phá độc đáo của văn học Mỹ La tinh hiện đại lên đỉnh cao, và đã làm cho Mỹ La tinh thành một miền văn học mới hết sức hấp dẫn trên bản đồ văn chương thế giới. Nét đặc trưng chủ yếu của Boom là phá vỡ các hình thức truyền thống của tiểu thuyết, sử dụng nhiều kỹ thuật mới, biến người đọc thành “người tòng phạm” cùng tác giả chứ không còn là độc giả thụ động như trước nữa.

Mario Vargas Llosa, ảnh chụp năm ông 54 tuổi

Mario Vargas Llosa là một trong những người đi tiên phong, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách tân thi pháp tiểu thuyết, mà vấn đề cốt lõi là sử dụng thời gian đa tuyến, một kỹ thuật hết sức mới mẻ thời bấy giờ đồng thời cũng sáng tạo ra những kỹ thuật kể chuyện có hiệu quả để nắm bắt và phản ánh hiện thực như mê cung của đất nước ông. Trong Thành phố và những con chó, thời gian đa tuyến được tác giả sử dụng thông qua kỹ thuật tự sự đa chủ thể: thời gian cốt truyện thông qua chuyện kể của ngôi thứ ba (người kể) theo diễn biến từ đầu đến cuối. Các đoạn độc thoại này không được nói rõ của nhân vật nào, độc giả phải tự suy luận, hơn nữa chúng lại kết hợp rất khéo léo, khi thì trực tiếp khi thì gián tiếp. Kỹ thuật này được Llosa tự gọi là “phương pháp bình thông nhau”. Còn các nhà lý luận Mỹ Latinh thì gọi đó song trùng ngôn ngữ kể, tức là tác giả sử dụng nhiều giọng điệu kể khác nhau, của các tầng lớp xã hội, các vùng miền khác nhau, nhiều khi cốt truyện bị mờ đi bởi cách kể của các nhân vật và người kể chính, họ trở thành những “người nói chuyện” đồng hành, song song.

Khác với các cuốn tiểu thuyết chính của G.G. Marquez vốn hoàn toàn hư cấu, tách rời khỏi thực tế xung quanh, đi đến các nơi hư hư thật thật, với các con người, sự kiện hết sức kỳ ảo; Thành phố và những con chó của Llosa dựa trên những sự kiện, con người hết sức kỳ lạ nhưng có thật trong thực tế, ở một địa điểm có thật là trường quân sự Leoncio Prado, ở khu phố Miraflores của thủ đô Lima, cũng chính là xã hội Peru thu nhỏ với mọi tệ nạn xã hội, đầy rẫy tệ phân biệt chủng tộc, phân biệt đẳng cấp xã hội, nguồn gốc văn hóa, nó còn mang tính dự báo và kết án chế độ độc tài quân sự đã hình thành ở một số nước và sau đó, suốt thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước đã thống trị một cách tàn bạo ở hầu hết các nước Mỹ Latin.

Về già vẫn cách tân

Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn học 2010 “vì sự nghiên cứu của ông đối với những cấu trúc quyền lực cũng như các hình tượng văn học được xây dựng sắc sảo về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân” (theo Ủy ban giải Nobel). Cùng giải thưởng danh giá này, nhà văn còn nhận được số tiền thưởng trị giá 10 triệu Kronor (1,5 triệu USD).
Ngoài nội dung mới mẻ, độc đáo, các tác phẩm tiếp theo của M. V. Llosa vẫn tiếp tục hấp dẫn độc giả bằng nghệ thuật cách tân. Ở tuổi 70, năm 2006, Llosa xuất bản Các trò tinh nghịch của cô bé hư, được coi là cuốn tiểu thuyết tình yêu đầu tiên của ông vì trong đó thế giới tình yêu và tình cảm là tâm điểm chính của mọi hành động; mặc dù đề tài này đã từng ẩn hiện trong nhiều tác phẩm trước đây của Llosa. Và như chính ông thừa nhận, “50% là hồi ức và số 50% còn lại là hư cấu”, yếu tố tự truyện là một đặc điểm khá nổi bật trong sự nghiệp văn chương của ông, vốn đã được thể hiện qua một số cuốn tiểu thuyết trước đây: Dì Julia và nhà văn quèn (1977) (đã được dịch ra tiếng Việt), Ngợi ca người mẹ kế (1988), Những cuốn vở của don Rigoberto (1997), trong đó yếu tố tình dục được pha trộn khéo léo vào các phân tích tâm lý và các suy nghĩ về thẩm mỹ hoặc văn hóa. Các trò tinh nghịch của cô bé hư được kể lại trong câu chuyện của Ricardo, một thiếu niên thuộc gia đình khá giả, ở khu phố quý tộc Miraflores, từ khi quen Lily đã thấy đó là một “cô gái Chile bé bỏng”, “cô bé hư”, nhà nghèo, sống hết sức vất vả. Nhưng cô bé này là một ẩn số (tên thật không phải là Lily), được giữ kín đến tận cùng, dưới nhiều mặt nạ khác nhau mà Ricardo sẽ gặp trên bước đường lang thang của mình ở Lima, Paris, London, Tokyo, Madrid. Cuộc đời của cô bé bí ẩn này chính là xương sống của mạch chuyện. Tiểu thuyết gồm hai câu chuyện diễn ra song song, rồi hòa trộn vào nhau, tạo cơ sở cho sức tưởng tượng của tác giả thoải mái tung hoành trong một thứ trò chơi tương phản qua nghệ thuật chuyển dịch, thay đổi của không gian, thời gian cốt chuyện, qua sự thay đổi uyển chuyển của giọng điệu và bút pháp kể chuyện. Tiểu thuyết có bảy chương, mỗi chương là một câu chuyện tương đối độc lập với nhau, xảy ra ở các thành phố thủ đô khác nhau, nhưng được kết nối khéo léo để trở thành một chỉnh thể thống nhất. Cuộc di chuyển thường xuyên về mặt địa lý: các nhân vật vẫn như vậy, mạch chuyện tình yêu vẫn được duy trì, nhưng ở từng nơi lại có những đặc điểm cụ thể riêng, các nhân vật phụ không còn xuất hiện, khiến Paris và các thành phố lớn kia trở thành một loại đồng nhân vật. Các nhà phê bình nhận xét tác phẩm này của Llosa là tiểu thuyết nhân vật chứ không phải tiểu thuyết hành động, nhưng cũng có đủ các gia vị của tiểu thuyết hiện đại: bạo lực, quật khởi, tình dục và mùi mẫn trong một cốt truyện đầy cảnh nhục dục, các cuộc gặp gỡ, chia ly, đau khổ, lừa dối và mưu mô trong một xã hội bất công, đầy hận thù của chế độ tư bản.

                                                                                            Theo TT&VH Cuối tuần








Các bài mới
Các bài đã đăng