Tạp chí Sông Hương -
Các vương phủ Huế
09:48 | 22/10/2010
Tôi không khi nào quên được hình ảnh những bà bán hàng rong tôi được thấy ở Huế khi còn nhỏ. Áo dài hai ba lớp tươm tất, có khi một điếu Cẩm Lệ trễ trên môi, nhưng luôn luôn đi chân đất. Có bà giải thích rằng vì đạp trên đất Đế Đô nên phải đi chân không để tỏ lòng tôn kính. Cái gì đã góp phần tạo nên cái phong cách “rất Huế”, độc đáo nhiều khi đến khó tin nổi ấy?
Các vương phủ Huế
Mấy thập kỷ trôi qua, Huế vẫn nghèo. Các bà bán hàng rong ấy đã biến mất theo ông đồ già, nhưng niềm kiêu hãnh Huế hãy còn đó. Khi hỏi đường một bà bán thuốc lá dạo trong Nội mới đây, tôi gọi bà là “O”, vì rõ ràng bà trẻ hơn cha mẹ tôi nhiều. Bà lập tức sửa sai tôi: ”Mệ, mệ đó con”. Cái phong cách Huế lúc nào cũng còn rất đậm nét ở đây.

Hoàng cung và lăng tẩm thật ra chỉ là những yếu tố phụ trong việc hình thành cái phong cách Huế ấy. Các húy kỵ nghiêm ngặt nặng nề đã làm cho hoàng gia xa vời với dân chúng. Chính các phủ đệ của ông hoàng bà chúa đã tạo ra cái phong cách Huế cho dân Đế Đô, vì chúng được xây ngoài phạm vi hoàng thành, xen lẫn với phố xá làng mạc. Cư dân chung quanh ngày xưa rất hãnh diện với các vương phủ trong bản hạt của họ. Họ cung cấp mọi dịch vụ cần thiết cho phủ, và cùng lúc đó họ học hỏi phong cách sống cung đình từ người trong phủ.

Huế ngày nay vẫn là một thành phố độc đáo, vì cứ mỗi vài trăm thước ở lại thấy thấp thoáng một di tích phủ đệ lịch sử. Cho đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phần lớn vẫn do con cháu trong dòng họ quản giữ. Ngày xưa mỗi phủ đều nằm trong khuôn viên rất rộng, nhưng nay dấu tích của chúng phần nhiều bị che khuất bởi sự xây dựng, cơi nới hỗn loạn của xung quanh.

Có bốn khu vực di tích tiêu biểu gần trung tâm thành phố, nơi du khách có thể thăm viếng gọn trong một cuộc du lịch ngắn một hai ngày. Đó là các khu vực An Cựu, Vỹ Dạ (Vy Dã), Gia Hội, và Kim Long.

Theo đại lộ Lê Lợi về hướng nhà ga xe hỏa, rẽ trái trên đường Điện Biên Phủ sẽ gặp đường Phan Đình Phùng của phường An Cựu. Một số vương phủ lượn lờ dọc sông An Cựu vẫn còn tồn tại với tình trạng tương đối. Di tích với địa chỉ thấp nhất ở đây, tại số 65, là Lạc Tịnh Viên. Phủ này do Đông Các Đại Học Sĩ Hồng Khẩn, con trai Tùng Thiện Vương xây năm 1889. Phủ đã được chỉnh trang, xây cất thêm nhiều lần. Lần cuối cùng với việc xây nhà Vấn Trai năm 1910. Lạc Tịnh Viên hiện nay là một trong những điểm du lịch tư nhân được tham quan nhiều nhất ở Huế.

Tiếp theo, địa chỉ 91 ngày xưa là Phương Thôn Thảo Đường của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), con trai thứ mười của Hoàng đế Minh Mạng. Vương và bào đệ Tuy Lý Vương là hai nhà thơ nổi tiếng của Nguyễn Triều. Vua Tự Đức đã khâm phục và khen hai ông chú tài hoa này với dòng thơ nổi tiếng: “Thi đáo Tùng, Tuy bất Thịnh Đường”. Nghĩa là thơ được như của Tùng Thiện, Tuy Lý thì thơ thời Thịnh Đường không còn đáng kể. Phủ còn tương đối nguyên vẹn nhưng đã bị chữa lại hơi mới. Biệt thự số 147 (được biết đến nhiều hơn với địa chỉ cũ 79), là biệt thự của Đoan Huy Hoàng thái hậu Từ Cung. Năm 1957, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm của miền Nam quốc hữu hóa cung An Định, nơi hoàng thái hậu cư ngụ từ năm 1945, bà phải mua căn biệt thự này để sống. Bà ở đó từ năm 1958 cho đến khi từ trần năm 1980. Trong khi chờ đợi biệt thự được sửa sang, Hoàng thái hậu đã sống tạm ở phủ Kiên Thái Vương một năm. Biệt thự số 79 Phan Đình Phùng này vẫn còn lưu giữ được phần nào nếp sống của vị Hoàng thái hậu cuối cùng của Việt Nam.

Kéo dài từ địa chỉ 167 đến 171 ngày xưa là phủ và tẩm thờ của Ngọc Lâm công chúa Nguyễn Phúc Hỷ Duyệt, trưởng nữ của Hoàng Đế Đồng Khánh. Hiện nay chỉ còn hai cái cổng ngoài cửa phủ và đền thờ còn đứng vững. Biệt thự riêng của Hoàng Tùng Đệ Vĩnh Cẩn, em họ thân tín nhất của Cựu Hoàng Bảo Đại, ở số 177, cũng chung một số phận với phủ Ngọc Lâm.

Vương phủ ở địa chỉ 179 được xây bởi Kiên Thái Vương Hồng Cai (1845-1876), con trai thứ hai mươi sáu của Hoàng Đế Thiệu Trị. Vương là thân phụ của ba Hoàng Đế Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885), và Đồng Khánh (1885-1888). Việc này đã được dân Huế xưa kể bằng câu vè nổi tiếng: “Một nhà sinh đặng ba vua. Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”. Mặc dù có đến 103 bà vợ trong nội cung, vua Tự Đức (1848-1883) tuyệt tự, nhà vua phải nhận ba người cháu làm dưỡng tử. Vị thứ nhất là Hoàng Tử Ưng Chân, con trai Thoại Thái Vương Hồng Y, sau này lên ngôi với đế hiệu Dục Đức. Hai người còn lại là Ưng Đăng và Ưng Hổ, con trai Kiên Thái Vương. Hai vị này sau là các Hoàng Đế Kiến Phúc và Đồng Khánh. Trong số ba vị vua từ phủ Kiên Thái, chỉ có Hoàng Đế Đồng Khánh được ở ngôi cho đến khi qua đời, và được thờ ở Thế Miếu. Vua Kiến Phúc chỉ tại vị được tám tháng, và mất lúc mới mười lăm tuổi. Hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về cái chết của vị hoàng đế yểu mệnh này. Người ta cho rằng vì có tỵ hiềm với Phụ Chính Nguyễn Văn Tường, Vua Kiến Phúc đã bị viên quan này đầu độc. Hoàng Đế Hàm Nghi, em trai Kiến Phúc, mới nối ngôi vua anh được một năm đã cầm đầu phong trào Cần Vương chống Pháp, nhưng thất bại. Sau một năm lẩn trốn ở Quảng Trị và Quảng Bình, nhà vua, lúc ấy mới mười lăm tuổi, bị người Pháp bắt được rồi đầy sang Algeria. Hiện nay phủ Kiên Thái Vương tương đối còn đứng vững. Cựu Hoàng Bảo Đại, chắt nội của Kiên Thái Vương, cũng được thờ ở đây.

Hàng xóm của phủ Kiên Thái Vương, không có địa chỉ rõ ràng vì tự tên nó đã trở thành địa chỉ, là cung An Định. Cung được Hoàng Tử Phụng Hóa Bửu Đảo xây làm phủ riêng năm 1902. Năm 1916 Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi thành Hoàng đế Khải Định. Nhà vua đã dùng tiền riêng để tân tạo phủ Phụng Hóa thành cung An Định, với phong cách tân cổ điển vào năm 1917. Từ năm 1922 An Định trở thành cung riêng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy, tức Hoàng đế Bảo Đại sau này. Sau khi Bảo Đại thoái vị năm 1945, thân mẫu nhà vua, Hoàng thái hậu Từ Cung, đã chuyển về sống ở cung An Định. Hiện nay các công trình kiến trúc chính của cung là lầu Khải Tường, nhà Bát Giác và cổng chính vẫn còn nguyên vẹn. Một số kiến trúc khác của cung như nhà hát Cửu Tư Đài, nhà ngang, chuồng thú, hồ nước, vườn và cổng hậu đã không còn nữa. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang dành ra một khoản kinh phí rất lớn để phục tạo lại cung An Định cho đúng với tầm cỡ xưa.

Kế cận cung An Định, ở địa chỉ 181, là ngoại từ để thờ phượng tiên tổ của Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu Tiên Cung (1868-1944). Tiếp sau đấy là phủ của An Hóa Công Bửu Tửng, con trai vua Đồng Khánh, ở địa chỉ 185. Cuối cùng là Nguyễn Đức Đường Môn ở địa chỉ 189, phủ cũ của Bái Ân Công Chúa Nguyễn Phúc Lương Trinh (1830-1891), con gái vua Minh Mạng. Sau này phủ Bái Ân trở thành dinh của hậu duệ Phò Mã Nguyễn Đức Huy, chồng công chúa

Theo Trịnh Bách - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng