Tạp chí Sông Hương -
26 “kỳ nhân” đất Sài Gòn
14:26 | 26/10/2010
Tủ sách Bến tâm hồn do nhà thơ Thiên Hà (nguyên phóng viên báo Công an TP.HCM, nay đã nghỉ hưu) làm chủ biên, vừa ấn hành cuốn sách thứ 4 mang tên Sài Gòn ngày ấy... bây giờ (NXB Thanh Niên).
26 “kỳ nhân” đất Sài Gòn
Cuốn Sài Gòn ngày ấy bây giờ
Cuốn sách giới thiệu 26 chân dung của văn - thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ một thời gắn bó với mảnh đất này như: Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Bính, Lê Thương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... (thập niên 1940 - 1950), Thanh Nam, Ngọc Linh, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Thanh Tâm Tuyền... (thập niên 1950 - 1960), Trúc Phương, Hoài Điệp Từ, Trần Thiện Thanh... (thập niên 1960 - 1970). Còn “bây giờ” là... nhắc lại những văn nghệ sĩ để nhớ về ngày nào họ đã làm nên một nét văn nghệ thời chưa xa.

Bạn đọc có thể tham khảo chân dung sống động của nhà thơ Nguyễn Bính qua phác thảo của nhà văn Sơn Nam với bài Vài kỷ niệm với Nguyễn Bính. Sống động hơn với những dòng tự bạch của nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà qua Giai thoại về Nguyễn Bính và Kiên Giang. Những câu thơ quen thuộc của Nguyễn Bính như: “Từ độ về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có gió trăng theo/ Những thằng bất nghĩa xin đừng đến/ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu” đã được thi sĩ “chân quê” viết trong hoàn cảnh nào và xuất hiện lần đầu ở đâu? Thi sĩ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà tiết lộ rằng 4 câu thơ trên của Nguyễn Bính xuất hiện lần đầu trên cột nhà khi Nguyễn Bính ví ông như một dân Chàm tự nhốt mình trong “cổ mộ”.

Trong số đó, nhiều người đang sống cuộc đời ẩn dật hoặc tạm thời bị cuộc đời lãng quên. Có thể nhắc đến danh họa Trương Thị Định, trên 50 năm sống với sắc màu, một thời là hoa khôi đậu thủ khoa khóa đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là ĐH Mỹ thuật TP.HCM). Hoặc họa sĩ Hoài Nam cũng đang ở tuổi 80 (bạn đồng môn với Trương Thị Định) đang sống cuộc đời độc thân, cơ hàn trong khu dưỡng lão dành cho nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM. Hay như cuộc sống rong chơi ngất ngưởng tiêu dao của nhà văn Dương Hà, tác giả Bên dòng sông Trẹm vang bóng một thời.

Là tủ sách ấp ủ trong một thời gian khá dài của nhà thơ Thiên Hà, cho đến nay Bến tâm hồn đã in các tập: Sài Gòn 50 năm nặng tình thơ (14 tác giả, 2007), Một thời Sài Gòn (30 tác giả, 2009), Tôi còn kỷ niệm (3 tác giả, 2009). Hơn thế, Bến tâm hồn đã phần nào khái quát được diện mạo mở của Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay trong tiến trình hội nhập với nhân loại, ít nhất là trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Đọc Bến tâm hồn cũng là đọc lại một thuở văn nghệ mà chắc chắn rằng có nhiều điều không thể lãng quên.

Theo Thanh Kiều - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng
(26/10/2010)