Tạp chí Sông Hương -
Hội ngộ đàn tranh
09:49 | 01/11/2010
Đêm 30.10, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM đã diễn ra chương trình Hội ngộ đàn tranh toàn quốc lần I-2010. Quả là một đêm đáng nhớ và đầy cảm xúc với nhiều thế hệ nghệ sĩ đã và đang gắn bó đời mình với cây đàn này.
Hội ngộ đàn tranh
Khi ban tổ chức tiến hành nghi thức tôn vinh những vị thầy từng hiến trọn cuộc đời cho âm nhạc dân tộc và cho cây đàn tranh như GS-TS Trần Văn Khê (90 tuổi), NGƯT Nguyễn Văn Đời (73 tuổi), NGƯT Phạm Thúy Hoan (69 tuổi), thì trên sân khấu những đàn bướm nhỏ, là các cháu thiếu nhi trong tà áo dài, ôm cây đàn tranh trình tấu những tác phẩm Cò lả (CLB Tiếng Hát Quê Hương), Bắc kim thang (đội Bông Sen Trắng, Nhà thiếu nhi TP.HCM), Cây dừa (các cháu khiếm thị Mái ấm Huynh đệ Như Nghĩa), Qua sông (Nhà văn hóa Lao động tỉnh Khánh Hòa)... Nhìn các cháu hồn nhiên tung tẩy ngón đàn, thấy sao mà dễ thương quá chừng! Đến phần diễn của các cháu khiếm thị cũng thương quá, nghe như có một khoảng lặng trong lòng...

Điểm nhấn của chương trình là sự biểu diễn điêu luyện của các “cao thủ đàn tranh” mà hầu hết đang là giảng viên âm nhạc dân tộc ở các trường đại học trên toàn quốc hoặc đang mở lớp dạy đàn tranh ở nước ngoài. Khi Hồng Nga, Thu Hà và Lan Hương (giảng viên Học viện Âm nhạc Huế) thể hiện bài dân ca Nhật Sakura dưới hình thức tam tấu thì khán phòng như lặng đi. Lúc đó mới hình dung rõ được hai câu thơ của Xuân Diệu: “Không gian như có dây tơ/Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu...”. Rồi Trà My (giảng viên Học viện Quốc gia Hà Nội), Quỳnh Nga (giảng viên trường Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế) cũng đem đến những cảm xúc dạt dào cho người nghe, đặc biệt có khá nhiều khách nước ngoài trong khán phòng. Có nhiều em, tuy trình độ diễn tấu chưa điêu luyện bằng các thầy nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong cách biểu diễn.

Làm “cháy” sân khấu là phần biểu diễn của Vân Ánh (cô từng đoạt giải nhất concour Đàn tranh và giải Diễn tấu nhạc mới hay nhất năm 1995, đang sống và hoạt động âm nhạc ở Mỹ) đã tạo bất ngờ đầy thú vị khi cô không biểu diễn đàn tranh theo “phong vị” cổ điển với sự mượt mà, thanh thoát vốn có, mà chơi đàn tranh theo phong cách hiện đại, đầy chất rock vừa hoang dại vừa rực lửa (Vó ngựa bụi đường - Đỗ Bảo), rồi Chuyện của tôi (tự sáng tác) là sự giằng xé nội tâm giữa cái thiện và cái ác trong tâm hồn mỗi người, và đầy chất thiền trong Cõi niết bàn (Đỗ Bảo). Vân Ánh bảo cô khám phá cây đàn tranh của VN có thể diễn tả được âm thanh của giọt nước rơi xuống và cũng có thể diễn tả được sự cuồng nộ của phong ba bão táp.

Theo Hà Đình Nguyên - TN






Các bài mới
Các bài đã đăng
(27/10/2010)