Tạp chí Sông Hương -
“Trái phá” bất ngờ
09:18 | 05/11/2010
“Một “trái phá” bất ngờ, lật tung mọi lối mòn cũ kỹ...” - đó là bình luận của nhiều đồng nghiệp và đông đảo người xem tại buổi khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật “Hạ Long - nước và đá vĩnh cửu” của tay máy trẻ Đỗ Khánh Giang.
“Trái phá” bất ngờ
Triển lãm do Hội VHNT Quảng Ninh tổ chức với sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, khai mạc ngày 2.11 tại TP.Hạ Long.

Mỗi bức ảnh một ngọn núi

130 tác phẩm được lựa chọn từ 1.500 bức ảnh chụp di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trưng bày tại triển lãm này, hầu hết đều được bố cục từ trên cao với nhiều thời khắc, nhiều góc độ, mở ra những không gian xa rộng, thanh khiết và mạch lạc, hoàn toàn khác hẳn những lối bố cục ngang, nghiêng ở tầm thấp đã quá cũ mòn của thế hệ “norman”.

Từ trên cao, đá trong ảnh Đỗ Khánh Giang hiện ra vô số sắc thái: Hùng vĩ và tráng lệ; trầm mặc và sống động; thô tháp và tinh tế; cổ xưa và tươi non. Nước ở đây cũng vậy, có lúc là ngọc bích; lam chàm; có lúc là lục bảo; trắng sữa hoặc lưu ly... mờ ảo và sâu thẳm. Cỏ cây trong tác phẩm Đỗ Khánh Giang cũng là một phần không thể tách rời mọi cung bậc mỹ cảm. Và đó chính là một phần hồn làm nên sự toàn bích của mỗi bức ảnh.

Trong lời khai mạc, Đỗ Khánh Giang nói: “Tôi không thể không nhắc tới một người không có mặt ở đây, đó là Nguyễn Văn Thành - người bạn chài đã lặng lẽ đưa tôi đi trong suốt những hành trình tìm kiếm”. Sự thực, Đỗ Khánh Giang đã từng đắm xuồng mất sạch đồ nghề; từng rơi từ độ cao trên 8 mét vỡ tan ống kính; từng đói lả vì lạc trong những thung lũng đá. Mỗi bức ảnh ở đây đúng nghĩa là một cuộc săn tìm, một ngọn núi phải trèo. Ngoài phương tiện và con mắt nhà nghề, còn buộc người cầm máy phải có đầy đủ sức lực và sự dấn thân cực kỳ mạo hiểm.

Quà tặng của di sản

Hầu hết đồng nghiệp và người xem đều có chung cảm giác ngỡ ngàng khi bước vào không gian ảnh Đỗ Khánh Giang. Nhà nhiếp ảnh Đoàn Đức Chính bình luận: “Chưa có một triển lãm ảnh nghệ thuật nào về Hạ Long khiến người ta mỹ mãn như cuộc triển lãm này. Quả như một “trái phá” bất ngờ đã lật tung mọi lối mòn cũ kỹ”. Không phải nhiều nhà nhiếp ảnh không nhìn ra con đường này, nhưng để làm được như Đỗ Khánh Giang, quả là điều không dễ.

Càng ngạc nhiên hơn khi 130 tác phẩm trưng bày được tác giả thực hiện chỉ trong gần 3 năm - một giấc mơ của nhiều người cầm máy chuyên nghiệp có thể cả đời không đạt tới. Những sau đây sẽ là gì? Liệu tác giả có còn đủ năng lực sáng tạo để không lặp lại mình và đem đến cho công chúng nhiếp ảnh một thế giới của “nước và đá” mới hơn những gì đang hiện hữu? Ở đây, cái mà người ta còn muốn thấy là Hạ Long trong sương từ trên cao; trong gió mưa, cũng như từng sắc độ của nước, đá và cỏ cây trong những khoảnh khắc không ngừng biến ảo của mỗi ngày, mỗi mùa hoặc cũng có thể từ nhiều chiều kích khác...

Đỗ Khánh Giang tự bạch: “Tôi luôn có cảm giác mình giống một con kiến nhỏ mới chỉ mon men dưới chân tường thành của một kho báu vô tận và tôi xem cuộc triển lãm này chỉ là sự khởi đầu cho các bước tiếp theo mà tôi biết chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn”.

Dù sao, đây vẫn là một quà tặng ý nghĩa cho tất cả mọi người, khi mà cuộc vận động bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mang tính toàn cầu đang bước vào thời điểm cuối cùng và Hạ Long là một trong những danh thắng chiếm nhiều ưu thế.

Theo Ngô Mai Phong - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng
(03/11/2010)