Tạp chí Sông Hương -
Sự thật về nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành
11:48 | 07/11/2010
Lâu nay mọi người cho rằng truyền thuyết nàng Mạnh Khương khóc chồng đến nỗi làm sụp đổ Trường Thành xảy ra ở đoạn thuộc núi Yên Sơn (Hà Bắc) và miếu thờ nàng được xây ở Sơn Hải Quan. Thế nhưng theo Lưu Ba và Lâm Thế Điền, hai chuyên gia thuộc Thư viện Quốc gia Trung Quốc, thì đoạn Trường Thành trở thành phế tích bởi nước mắt của nàng Mạnh Khương kỳ thực là đoạn ở thành phố Bao Đầu, thuộc khu tự trị  Nội Mông.
Sự thật về nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành
Tượng điêu khắc nàng Mạnh Khương. Ảnh: T.L.
Căn cứ mà các chuyên gia đưa ra kết luận trên là những ghi chép trong Đôn Hoàng Di Thư mà cụ thể là các chi tiết trong Biến văn về nàng Mạnh Khương. Đó là câu: “Tần Vương viễn thác Kim hà Bắc, trúc thành bản nghĩ phòng Hồ tặc (*)” (tạm dịch: Tần Thủy Hoàng xây Trường Thành đến tận bờ Bắc sông Kim, vốn để phòng giặc Hồ xâm lược).  “Kim Hà” là sông Đại Hắc gần thành phố Hô Hòa Hạo Đặc, thuộc khu tự trị Nội Mông. Ở đây chỉ có đoạn Trường Thành đi qua núi Âm Sơn.

Một câu khác nói về nơi Phạm Hỷ Lương, chồng nàng Mạnh Khương, xây Trường Thành: “Nặc Trực sơn thượng… bị áp thân chung, hồn mai Tái Bắc” (tạm dịch: Phạm Hỷ Lương bị bắt xây Trường Thành trên núi Nặc Trực đến chết, linh hồn chàng vẫn còn quanh quẩn ở Tái Bắc). Núi Nặc Trực tức là núi Nặc Chân, nay là núi Âm Sơn thuộc thành phố Bao Đầu.

Những ghi chép trong Biến văn về nàng Mạnh Khương còn nhắc đến “Tần Vương”, “Du Lâm Trường Thành”. Vào thời Tùy-Đường, Du Lâm là địa danh chỉ khu vực huyện Lâm Cách Nhĩ và thành phố Hô Hòa Hạo Đặc ngày nay, nghĩa là cũng có quan hệ với núi Âm Sơn.

Những ghi chép đó phù hợp với sự thật lịch sử lúc bấy giờ. Trường Thành mà nhà Tần xây dựng thực chất chỉ là tu bổ, sửa chữa các đoạn thành của nước Tần, nước Triệu, nước Yên đã có trước đó, rồi nối chúng lại với nhau, đồng thời mở thêm một đoạn mới tại núi Âm Sơn. Bởi vì quân Hung nô đồn trú tại núi Âm Sơn, còn trung tâm chính trị Đầu Man của họ ở sông Ngải Bất Cái, phía nam đường Cô Dương thuộc thành phố Bao Đầu tiếp giáp nhà Tần.

Có thể thấy, Bao Đầu có một vị trí chiến lược quan trọng. Để bảo vệ nhân dân, đề phòng Hung nô xuất binh về phía nam xâm lược Trung nguyên nên việc Phạm Hỷ Lương bị nhà Tần bắt đi xây Trường Thành ở Bao Đầu là hoàn toàn có cơ sở.

Ngoài ra, tại đoạn Trường Thành có tên Hồng Thạch Bản Câu (ở Bao Đầu) hiện còn một lỗ hổng, tương truyền đây chính là đoạn Trường Thành mà nàng Mạnh Khương đã khóc đổ trên đường vạn lý tìm chồng.

(*) Người Hồ: danh từ chỉ những dân tộc không thuộc Trung nguyên, như Hung Nô, Tiên Ti, Thổ Phồn…
 
Theo Thôi Thôi - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng