Tạp chí Sông Hương -
“Khát vọng Thăng Long” xem xong vẫn “khát”
09:32 | 09/11/2010
Khá thuyết phục, tuy nhiên, “Khát vọng Thăng Long” vẫn chưa làm nổi bật được nhân vật chính Lý Công Uẩn như kỳ vọng.
“Khát vọng Thăng Long” xem xong vẫn “khát”
Ba diễn viên chính được đánh giá đã làm tốt vai trò của mình (ảnh Hà An)

Là bộ phim nhựa duy nhất về Lý Công Uẩn được thực hiện mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, “Khát vọng Thăng Long” đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Ngày 12/11 tới, bộ phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc. Nhiều thành công đáng ghi nhận cho một bộ phim lịch sử hoành tráng, tuy nhiên, cũng còn nhiều điều mà người xem phải nói “giá như”…

Những thành công đáng ghi nhận

Phim kể về Vua Lý Công Uẩn từ khi chào đời, lớn lên vào cung, là tướng quân dưới triều Lê Long Đĩnh đến khi trở thành vua lập nên triều đại mới và quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Tuy nhiên, phần lớn bộ phim xoay quanh thời kỳ Lý Công Uẩn là tướng quân dưới sự cai trị tàn bạo của Lê Long Đĩnh và tình yêu tay ba giữa Lý Công Uẩn với đào hát Dạ Hương và Lê Long Đĩnh (yếu tố hư cấu được tạo nên nhằm thêm phần thu hút cho bộ phim).

Phải thừa nhận, bộ phim đã tạo được sự thu hút cần thiết với những cảnh quay đẹp, kỹ xảo điêu luyện.

Từ thiết kế bối cảnh, quần áo đến diễn viên đều đã làm được một Khát vọng Thăng Long khá dễ xem. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã tạo nên được một hình ảnh Đại Cồ Việt với những cảnh rất Việt từ nông thôn đến thành thị. Cảnh những đứa trẻ đua trâu dưới con đường đất mát rượi bóng tre, cảnh những thiếu nữ yếm đào vấn tóc dệt vải, cảnh giặt giũ trên sông, cảnh chợ trên bến dưới thuyền…được thể hiện trong phim khá chặt chẽ.

Đặc biệt là hình ảnh những người dân Đại Cồ Việt đói khổ, lầm than, gầy guộc trong những tấm yếm nhàu nát… người phụ nữ chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi bởi những hủ tục phong kiến hà khắc….khiến Lý Công Uẩn xót thương dân lầm than mà quay lại phục vụ Lê Long Đĩnh sau khi đã từ bỏ vị vua tàn ác, giết anh cướp ngôi.

Phục trang phim cũng khá ấn tượng. Không dùng những sắc màu rực rỡ, cả vua, cả tướng cùng dùng những phục trang với sắc trầm. Những đứa trẻ đóng khố, những cô gái yếm nâu sồi, những chàng đô vật áo cánh vải; vua quan, hoàng hậu không đội mũ miện mà búi tóc vấn khăn. Áo bào của vua Long Đĩnh màu nâu thẫm, thêu hình rồng ở cuối đuôi. Mũ tướng quân có hình hoa sen, biểu tượng Phật giáo rất hưng thịnh thời tiền Lê.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, rất khó để phân định rạch ròi thế nào là quần áo Trung Quốc, thế nào là của Việt Nam vì cách đây hơn 1000 năm, trang phục Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhà Tống. Ông cho biết, chọn màu nhẹ hơn vì theo ông, thời đó, quần áo của vua ta do vua Tống ban cho nên không thể rực rỡ như quần áo của nước lớn.

Cũng theo đạo diễn của phim, thiết kế phục trang cho phim là người đã từng được giải thưởng của Hollywood và phục trang là phần ông rất ưng ý.

Xem “Khát vọng Thăng Long” không thể không kể đến diễn xuất khá thành công của ba diễn viên chính: Ngọc Ngoan (Lý Công Uẩn), Đình Toàn (Lê Long Đĩnh) và Thu Trang (Dạ Hương).

Đình Toàn đã làm nổi bật được vị vua cuối triều nhà Lê, sa đọa, tàn ác, hiếu chiến một cách bệnh hoạn nhưng cũng có những lúc giằng xé vì nỗi đau của một người con không được mẹ đẻ ra mình ủng hộ, bị người tri kỷ của mình rời bỏ… Thậm chí, diễn xuất của Đình Toàn khiến nhiều người đánh giá, trong bộ phim này, nhân vật Lê Long Đĩnh nổi bật hơn nhân vật Lý Công Uẩn.

Ngọc Ngoan cũng khá thành công với vai trò của mình trong Khát vọng Thăng Long. Đảm nhận một vai diễn lớn, chưa có nhiều tuổi nghề cũng như tuổi đời như đàn anh Đình Toàn, hơn nữa, vai Lý Công Uẩn trong “Khát vọng Thăng Long” không cho anh nhiều thời gian “lặng”. Đó không phải lỗi của Ngọc Ngoan mà là kịch bản và ý đồ đạo diễn. Điều này, chúng tôi sẽ cắt nghĩa ở phần sau của bài viết.

Khát vọng Thăng Long được xem là bộ phim lịch sử thuần Việt (ảnh cung cấp)


Thu Trang- cô giảng viên trường Cao đẳng múa Việt Nam đã khá thành công trong vai ca nữ, người yêu Lý Công Uẩn nhưng chọn con đường hiến thân cho Lê Long Đĩnh để giữ bình yên cho xã tắc.

Bộ ba diễn viên trẻ này đã khá thành công và được đạo diễn Lưu Trọng Ninh không tiếc lời khen ngợi: “Diễn xuất của Đình Toàn quá xuất sắc, tôi không có gì để nói. Còn Ngọc Ngoan đã làm nên được một vai diễn biến sắc chứ không hẳn chỉ một chiều về Lý Công Uẩn. Thu Trang cũng làm tôi hài lòng”.

Khán giả có hài lòng?

Vẫn còn nhiều điều mà người xem sẽ phải giá như và chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng thừa nhận, nếu có thời gian, sẽ làm kỹ hơn một số chi tiết.

Chi tiết đầy ẩn dụ, có thể lấy được nước mắt khán giả như khi Lý Công Uẩn gắng mình cứu người con gái chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi thả trôi sông nhưng bị một đoàn quân ngăn cản. Khi trở về phục vụ lại Lê Long Đĩnh, gặp lại vị tướng đã cản mình không cứu được người, Lý Công Uẩn đã vứt sợi xích trói cô gái vào vị tướng và tha chết cho anh ta. Tại chiến trường, vị tướng này đã xả thân cứu Lý Công Uẩn và trước khi chết, anh ta đã nói “Tướng quân nói đúng, cứu một người hạnh phúc hơn nhiều”. Thực tế, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, nếu được sửa lại, ông sẽ để vị tướng này cứ im lặng mà chết, chỉ cần đưa lại sợi xích cho Lý Công Uẩn.

Một điều vô cùng đáng tiếc, mà khi xem xong, vẫn không nghĩ là phim đã hết, đó là nội tâm nhân vật chính Lý Công Uẩn không được khắc họa rõ nét. Cả bộ phim là hành động, hành động và hành động, nhân vật Lý Công Uẩn chỉ có thể hành động mà không có thời gian lắng lại để thể hiện nội tâm của mình. Một hai trường đoạn như khi Lý Công Uẩn nhìn cảnh người dân đói khổ lầm than, giữa chiến trường nhìn binh lính thương vong vì nội chiến…ý đồ của đạo diễn là khắc họa lòng nhân đức của vị vua đầu triều Lý, nhưng không có thời gian để nhân vật thể hiện cảm xúc này. Bởi thế, Lý Công Uẩn trong “Khát vọng Thăng Long” chưa thể hiện được nội tâm, được tầm vóc của một vị vua minh triết khởi đầu cho triều Lý.

Dường như đạo diễn hơi tham “kể chuyện”, tham chi tiết ở thời Lý Công Uẩn làm tướng quân dưới triều Lê Long Đĩnh khiến cho thiếu thời gian đầu tư cho phần sau.

Những chi tiết tham này được thể hiện rõ ở phần đầu bộ phim. Người phụ nữ nghèo đói, bụng mang dạ chửa (mẹ Lý Công Uẩn) lang thang gánh gồng rồi bỏ con vào chùa, còn chạy núp và bụi cây khi nghe tiếng con khóc. Chi tiết này không nói lên được ý đồ gì cho bộ phim. Nếu cần nói về lai lịch Lý Công Uẩn, chỉ cần bắt đầu bằng hình ảnh một người phụ nữ bỏ con ngay cổng chùa, cắt bỏ cảnh người phụ nữ này lang thang, đau bụng vật vã.

Hơn nữa, những cảnh đánh đấm được sử dụng quá nhiều. Dẫu biết rằng kỹ xảo phim tốt, đạo diễn võ thuật Johnny Trí Nguyễn làm rất tốt vai trò của mình, nhưng không thể không nhận thấy bộ phim có phần quá lạm dụng võ thuật. Cảnh ám sát Lê Long Việt hơi nhiều pha đánh đấm, hơn nữa, đội quân ám sát lại quá tinh nhuệ, bịt mặt, đu dây như Ninja.

Vì ôm đồm quá nhiều chi tiết đánh đấm này rồi cái kết chỉ vội vã minh họa bằng lời bình: Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đặt tên là Thăng Long… rồi đọc chiếu dời đô để kết thúc bộ phim khiến người xem có cảm giác bị hẫng.

Còn những điều chưa được như kỳ vọng, nhưng dù sao, “Khát vọng Thăng Long” cũng là bộ phim khiến khán giả có thể hài lòng. Bởi đã có một bộ phim sử hoành tráng về vị vua có công khai phá đất Thăng Long- nhân vật mà có rất nhiều dự án làm phim nhưng cuối cùng, chỉ có một bộ phim là thành hiện thực trong dịp chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

                                                                     Theo toquoc.gov.vn









Các bài mới
Các bài đã đăng