Tạp chí Sông Hương -
Hồi ký George Bush không hợp gu dân Mỹ
08:43 | 11/11/2010
Theo dự báo của giới phê bình, hồi ký ‘Decision Points’ vừa ra mắt của cựu Tổng thống Mỹ không chân thực và không có những chuyện ‘thâm cung bí sử’ hấp dẫn, công chúng nhiều khả năng thờ ơ với cuốn sách.
Hồi ký George Bush không hợp gu dân Mỹ
Bìa sách Decision Points. Ảnh: latimes.

“Hầu hết dân chúng sẽ không đọc hồi ký của tổng thống vì họ thấy chán ngấy”, Leslie Gelb, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ dự báo.


“Độc giả có thái độ dè chừng với những hồi ký kiểu này”, Gelb nói, “Những câu chuyện trung thực nhất về một nhân vật nổi tiếng nào đó thường do báo chí và những người hầu cận cung cấp, không phải từ chính chủ”.

Theo Gelb, trong trường hợp của Tổng thống Bush, có bộ bốn cuốn sách của nhà báo Bob Woodward là hợp gu dân Mỹ với những thông tin hậu trường, những bí mật, thậm chí tin đồn do chính nhà báo thu thập được. Cuốn đầu tiên trong bộ này là Bush at War (Bush trong chiến tranh), càng về những cuốn sau giọng điệu chỉ trích càng tăng mạnh khi tái hiện 8 năm ông Bush làm chủ Nhà Trắng từ 2001 đến 2009.

“Người Mỹ không phải cái gì cũng đọc. Nếu cuốn sách có những tin đồn hay ho, họ sẽ đọc nhưng chưa chắc đã đọc hết”.

Hồi ký Decision Points của cựu Tổng thống Mỹ lên kệ hôm 9/11. Ông Bush cũng liên tiếp xuất hiện trên truyền hình, làm khách mời các chương trình ăn khách, trong đó có một buổi phỏng vấn dài hàng giờ trên kênh NBC hôm 8/11 hay Oprah Winfrey Show hôm 9/11. Ông thực hiện kế hoạch quảng bá rất hoành tráng cho cuốn hồi ký của mình.

Cuốn hồi ký tổng kết 8 năm làm chủ Nhà Trắng của Bush trong 500 trang giấy đầy rẫy những nhận xét ẩn dụ về các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có những lời tử tế, có những lời chua cay, và cả một số nhằm hòa giải những mâu thuẫn trước đây.

Bush công khai ca ngợi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, coi ông này là người bạn thân cùng chí hướng, đánh giá tích cực về Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bên cạnh đó, ông có những mô tả phức tạp và mâu thuẫn về Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.

Cựu Tổng thống còn nhắc lại việc rapper Kanye West lên truyền hình gọi ông là “kẻ phân biệt chủng tộc” sau cơn bão Katrina tháng 8/2005. Nam ca sĩ nói: “Ông ta không quan tâm đến những người da đen”. Về sự việc này, Bush bình luận: “Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong thời gian tôi làm Tổng thống Mỹ”.

Nhà phê bình Michiko Kakutani của tờ New York Times đánh giá hồi ký Bush “thiếu chính xác và sức gợi so với hồi ký Spoken From the Heart của vợ ông, bà Laura Bush”. So với hồi ký của các tổng thống Mỹ trước đó, cuốn sách của Bush được xem là “khá suồng sã”. “Cả Lyndon Johnson và Richard Nixon đều bị rò rỉ những cuộn băng ghi âm dài ngoằng ghi lại những lời nói và cách hành xử thật của họ, trong khi hồi ký của hai tổng thống này cũng che giấu nhiều sự thật”.

Robert Weil, giám đốc NXB W.W. Norton, cho biết các nhà xuất bản thường phải trả hàng triệu USD nhuận bút cho một tổng thống viết hồi ký. Mặc dù cuốn sách chưa chắc sinh lời nhưng nhà xuất bản lại có thêm uy tín.

“Không phải tất cả hồi ký của các tổng thống đều thu lợi nhuận, thường thì hồi ký các bà vợ làm ăn tốt hơn. Hầu hết người đọc đều là phụ nữ”, Weil nói.

                                                                                                        Theo eVan














Các bài mới
Các bài đã đăng