Tôi đến nhà ông sau cuộc điện thoại hẹn từ 30 phút trước. Ông đã ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế cũ kĩ hướng ra cửa, đã chuẩn bị một ấm trà nhỏ và bảo tôi tự kéo cửa để vào. Đi lại, ông phải dùng chiếc gậy 3 chân còn mắt thì đã lão đến hết cả số để đo, bác sĩ bảo ông nếu cần nhìn thì sử dụng kính lúp thôi. Cũng may là ông vẫn còn minh mẫn dù đã quên tên những người từng rất thân với mình. Trong nhà ông, thứ còn “lung linh” nhất có lẽ là bức tường treo bằng khen, huân chương mà ông từng được trao tặng và những tấm ảnh chụp ông với những người bạn văn nghệ được rửa thành cỡ lớn. Căn phòng ông ở liền kề với gian ngoài căn nhà, trong đó có chiếc giường đơn bằng sắt sứt sẹo, một cây đàn tranh đã cũ treo trên tường, chiếc organ hỏng cả phím, chiếc tivi 12 inchs có lẽ thuộc đời đầu của thế hệ tivi màu…
Ông có hai người con gái, một là giáo viên cấp III ở Hà Nội (con người vợ đầu) và một dạy piano ở Nhạc viện TP.HCM, nhà ở quận Tân Bình (con người vợ sau này, bà Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) nhưng hiện ông đang sống một mình với sự chăm sóc của cô cháu gái gọi ông bằng dượng, người đã ở cạnh ông từ nhiều năm nay. Khi tôi hỏi: “Sao ông không ở với các con?”. Ông bảo: “Chuyện ăn ở có mặt thích hợp và không thích hợp, ở đây ông thấy tự do. Con ông cũng tha thiết mời ông về đó nhưng ông không về, một năm ông đến nhà nó ở mấy lần thôi”. Ông chỉ nhớ lờ mờ rằng cuộc viếng thăm của cô con gái ở Hà Nội đã cách nay hơn 10 năm rồi. Ông bảo cuộc sống bận rộn, lại không dư dả không cho phép cô đi lại nhiều để thăm ông. Cô cháu đang chăm sóc ông đã gắn bó với vợ chồng ông từ nhiều năm nay. Lúc bà Bạch Lê còn sống, ông nói với bà phải ăn ở đối đãi thế nào với cô vì ông biết sau này chỉ có cô là người có thể chăm sóc mình. Vợ chồng ông mua được cho cô một căn nhà nhỏ, chồng cô mất sớm, cô có 3 đứa con, và bây giờ, ông nuôi luôn cả đứa cháu ngoại của cô này từ hồi nó mới 2 tuổi bởi mẹ nó bỏ mặc nó để ăn chơi lêu lổng. Vậy là mỗi tháng, với thu nhập gồm 3 triệu đồng lương hưu, 200.000 đồng do một người bạn văn nghệ cho, 1 triệu đồng của một tổ chức hảo tâm và vài trăm ngàn tiền tác quyền âm nhạc gom trong cả năm, ông nuôi 3 miệng ăn và lo tiền học cho thằng cháu đang học lớp 3. Ông nói: “Người ta trong cuộc đời các mối quan hệ thương yêu nhau thường không rõ ràng. Nhưng bây giờ, phải được cái gì người ta mới thương mình, không thì thôi. Ông sống được thế này đến ngày hôm nay là nhờ có nó nên ông phải lo cho nó…”.
Nói chuyện âm nhạc, ông buồn buồn bảo nhạc bây giờ không nghe được, thỉnh thoảng ai đó đến chơi tặng ông mấy cái đĩa nhạc xưa, nhạc đỏ được làm tử tế ông mới nghe. Ông không còn sáng tác nữa. Ca khúc gần đây nhất ông làm đã từ mấy năm trước, đó là bài hát Mười cô gái Đồng Lộc, sáng tác xong thì ông cũng phải vào bệnh viện cấp cứu vì huyết áp tăng rất cao. Sáng nay ông còn nghe thấy bài hát đó được phát trên tivi, nó mang lại cho ông niềm vui ít ỏi giữa những chuỗi ngày lay lắt tuổi già ngày chỉ ngủ được 3-4 tiếng đồng hồ.
Mối liên hệ giữa ông với những người bạn nhạc lưa thưa lắm bởi ông không thể chủ động được việc gì, ai nhớ đến ông thì ghé thôi. Ông nói ông thích được đi chơi, ngắm phố phường nhưng giờ điều ấy khó thực hiện lắm vì việc đi lại của ông phải phụ thuộc rất nhiều vào người khác. Ông kể năm ngoái ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam mời ra Hà Nội tham dự đại hội, ông mừng lắm nhưng không thể đi một mình, thế mà Hội Nhạc sĩ nhất định chỉ cho ông một chiếc vé máy bay nên ông phải bỏ tiền túi một tháng “thu nhập” – hơn 4 triệu đồng - mua một vé nữa để người con rể tháp tùng ông. Nhưng chuyến đi đó cũng cho ông nhiều niềm vui vì ông được gặp lại Hà Nội sau nhiều năm xa cách, thấy cuộc sống của những người bạn văn nghệ trước đây và thế hệ nhạc sĩ sau này. Ông mừng vì họ có cuộc sống sung túc. Mấy ngày này ông đang chờ một người quen ở Bình Dương đến đón về đó chơi vì họ đã hẹn ông rồi. Nhưng ông cũng cười cười bảo: “Ấy là hẹn thế, chứ người ta bận quá không đến được thì mình cũng phải chịu chứ. Người trẻ giờ làm gì có nhiều thời gian”.
Tôi hỏi ông ước mơ điều gì cho mình vào lúc này, ông ngồi lặng đi một lúc rồi nghẹn ngào nói: “Ước mơ của ông bây giờ không thể thực hiện được nữa cháu ạ. Ông mơ được sống cạnh vợ con, cháu ngoại như hồi con gái ông mới ở Đức về ấy. Hồi đó ông hạnh phúc lắm”. Hai giọt nước mắt đùng đục hoen trên má ông sau câu nói ấy. Ông còn nói, ông lo cho người ở lại lắm. Không chỉ lo cho đứa cháu nuôi với cháu ngoại của cô mà còn lo căn nhà này sẽ chia thế nào để hai cô con gái không phật lòng. Ông đã dặn họ: “Đừng vì cái nhà mà mất chị mất em” và cô con út cũng làm ông yên lòng, cô nói sẽ để chị gái ở Hà Nội thừa kế. Ông lại khóc nấc lên cùng câu nói: “Hai con ông nó thương ông lắm cháu ạ”.
Tôi chào ông ra về, tiết tháng Bảy mưa Ngâu lất phất. Hai bà cháu cô cháu gái ông cũng vừa về tới, thằng bé vừa tan học. Nó nhảy lanh chanh chân sáo vào nhà vòng tay chào ông. Ông nở nụ cười đôn hậu với nó. Sắp đến giờ cơm trưa rồi…
Theo TT&VH Cuối tuần
|