Tạp chí Sông Hương -
Văn học chuyển thể thành điện ảnh nên giống hay khác?
09:09 | 17/11/2010
Sau khi bộ phim Cánh đồng bất tận ra mắt, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh câu chuyện: phim không giống truyện. Có ý kiến đưa ra rằng, phim có nên giống với truyện và tác giả ở vị trí nào khi tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim?
Văn học chuyển thể thành điện ảnh nên giống hay khác?
Một cảnh trong Cánh đồng bất tận.

“Khi nhà văn đã đồng ý bán tác phẩm của mình cho nhà làm phim thì cách tốt nhất nên đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh. Nếu tham gia vào sẽ dễ gây ra xung đột, làm hỏng cả hai, bởi mỗi thể loại có đặc trưng riêng”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết.

Khi văn học đồng hành cùng điện ảnh

Tác phẩm văn học là nguồn đề tài lớn cho điện ảnh. Điều này đã được chứng minh qua thực tế và thu được kết quả đáng khích lệ. Ví như, thời gian qua có hai bộ phim là Long Thành cầm giả ca (dựa vào bài thơ của đại thi hào Nguyễn Du viết cách đây gần 200 năm) và Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) đều đã rất thành công. “Trên thế giới, những tác phẩm văn học nổi tiếng luôn là mạch cảm hứng tốt cho các đạo diễn. Không những thế, độc giả cũng rất mong mỏi được xem nhân vật mà mình đã đọc trong truyện sẽ lên phim như thế nào”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi những tác phẩm văn học “biến hóa” thành điện ảnh thì nguyên tác sẽ được đạo diễn “giữ phần hồn” được bao nhiêu và tác giả văn học sẽ đứng ở vị trí nào và có hay không nên tham gia vào quá trình làm phim?

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì có nhiều cách, có thể nhà văn nhượng thẳng tác phẩm cho nhà làm phim để họ mặc sức sáng tạo. "Hoặc tác giả có thể cùng kiểm soát khi tác phẩm được chuyển thể. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi, đạo diễn nên mời họ làm tác giả kịch bản. Bởi khi các nhà văn không biết biến tác phẩm của mình thành ngôn ngữ điện ảnh thì sẽ tham gia cùng đạo diễn viết kịch bản một cách chi tiết, dễ hiểu, tiếp đó đạo diễn muốn làm gì thì làm", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng

Theo ông Phần, điện ảnh và văn học là hai loại hình khác nhau, vì thế không nên đem ra so sánh giống hay không giống. Ví như một câu thoại trong văn học có thể viết một đằng, nhưng khi ra phim thì nó là tình huống cụ thể thì câu thoại có thể mất đi hặc thay đổi. Vì thế, rất khó có thể so sánh mà chỉ có thể thấy tinh thần chủ đề của tác phẩm còn hình thức có thể khác nhau. Giống như thơ chuyển sang âm nhạc, thơ chuyển sang hội họa… thì cũng khó có thể so sánh giống hay không giống.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định, đặc trưng của hai thể loại là khác nhau do đó khi lên phim cũng sẽ khác nhau. Nhưng như Cánh đồng bất tận lên phim gây được dự luận như hiện nay là rất tốt, dù cũng có những khen chê nhưng mọi người đều nhận xét đây là bộ phim được làm nghiêm túc có chất lượng nghệ thuật.

Trên thế giới có những cuốn tiểu thuyết được nhiều đạo diễn dựng khác nhau. Không phải dựng một lần là xong. Ví như Chiến tranh và hòa bình có đến mấy phim, hay Những người khốn khổ cũng vậy, và mỗi đạo diễn lại cho ra một Jean Valjean khác nhau. “Đối với một tác phẩm, mỗi đạo diễn sẽ tìm ra một điểm nhấn khác nhau, do đó, chỉ cần họ làm một cách nghiêm túc và trung thành với tinh thần và sự kiện chính trong tác phẩm”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Bản thân nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chủ nhân của Cánh đồng bất tận cũng cho rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi loại hình có một ngôn ngữ khác nhau nếu mình không sành về ngôn ngữ của họ thì cách tốt nhất là đừng có tham gia vào. “Tôi nghĩ khi đã đồng ý cho tác phẩm của mình chuyền thể thành phim thì lúc đó phải coi đó là tác phẩm của người khác. Đừng có cố đi theo để quản lý đứa con của mình sẽ rất mất thời gian và tạo ra những va chạm không đáng có”, Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ.

                                                                                                       Theo ĐấtViệt












Các bài mới
Các bài đã đăng