Tạp chí Sông Hương -
Còn đâu Lầu Ông Hoàng
08:42 | 19/11/2010
Lầu Ông Hoàng, địa danh nổi tiếng ở phố biển Phan Thiết (Bình Thuận), nay chỉ còn trong thơ nhạc.
Còn đâu Lầu Ông Hoàng
Tháp canh vàcác lôcốt ngay bên cạnh,làm nhiều người lầm tưởng đây là LầuÔngHoàng-Ảnh:Q.H

Hoang phế

Cách TP Phan Thiết khoảng 7 km, di tích Lầu Ông Hoàng nằm trên đỉnh đồi Bà Nài (P.Phú Hài, TP Phan Thiết). Di tích này bây giờ chỉ còn lại những lô cốt từ thời Pháp nằm tịch liêu cô quạnh, rêu phủ quanh năm, cây cối mọc um tùm. Môi trường bị ô nhiễm bởi rác rưởi và nhiều thứ khác mà một số du khách thiếu ý thức và những trẻ chăn bò để lại, chứng tỏ không hề có bàn tay chăm sóc của con người cho địa chỉ văn hóa này.

Dấu tích duy nhất của ngành văn hóa Bình Thuận để lại là một tấm bảng ghi chú những thông tin về trận đánh lịch sử diễn ra tại đây năm 1947 và những thông tin vốn rất ngắn ngủi về Lầu Ông Hoàng, rằng "trong kháng chiến chống Pháp, Lầu Ông Hoàng bị hủy hoại hoàn toàn”. Nhiều du khách yêu thơ Hàn Mặc Tử đến Phan Thiết cố lặn lội tìm đến Lầu Ông Hoàng để chiêm ngưỡng nhưng đều thất vọng do nơi đây quá hoang tàn.

Thiếu tiền để phục dựng


Nơi Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm hò hẹn

Nhiều người cho tới nay chỉ biết thi sĩ Hàn Mặc Tử có mối tình lãng mạn với giai nhân Mộng Cầm ở Phan Thiết, mà không biết vì sao nhà thơ tài hoa này lại chọn Lầu Ông Hoàng mỗi khi đến đây.

Theo tư liệu của thạc sĩ văn hóa Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Thuận, Hàn Mặc Tử chọn Lầu Ông Hoàng bởi đây là nơi ngắm trăng lý tưởng. Ngồi trên đỉnh Bà Nài vào đêm trăng có thể thấy toàn cảnh biển Phan Thiết.


Ông Đ., năm nay đã ngoài 80 tuổi, sống dưới chân đồi Bà Nài, cho biết: "Nhà tôi đã 3 đời sinh sống ở mảnh đất này, chứng kiến nhiều thăng trầm của Lầu Ông Hoàng, nhưng từ khi Lầu Ông Hoàng bị đánh sập cho đến nay chưa thấy ai đến để phục dựng".

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, người chuyên nghiên cứu về bảo tồn văn hóa của Bình Thuận, thừa nhận: "Có rất nhiều du khách thắc mắc vì sao Lầu Ông Hoàng không được phục dựng. Nhiều du khách quốc tế rất muốn đến xem Lầu Ông Hoàng, đặc biệt là người Pháp, nhưng ngành văn hóa chưa đáp ứng được". Theo ông Lý, muốn phục dựng Lầu Ông Hoàng phải có bản vẽ gốc hoặc những hình ảnh nguyên thủy của nó. Nhưng những cái này hiện nay ngành văn hóa Bình Thuận chưa thể tự làm được. Một điều nữa là muốn phục dựng sẽ rất tốn kém tiền bạc.

Nhầm lẫn về Lầu Ông Hoàng

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Lý, ngay cả dân địa phương, thậm chí là cán bộ trong ngành văn hóa, có người cũng chưa biết Lầu Ông Hoàng ở đâu, vì sao có Lầu Ông Hoàng, hiện nó còn hay đã mất. Rất nhiều tờ báo, kể cả báo của ngành văn hóa cũng nhầm lẫn Lầu Ông Hoàng với các lô cốt của người Pháp đặt ở gần đấy. Tệ hại hơn, nhiều hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM dẫn khách đến đây tham quan, đã thuyết trình sai hoàn toàn về di tích này.

Trên thực tế, Lầu Ông Hoàng nằm trong quần thể gồm tháp Chăm Pôsahinư và bia tích chiến tranh trên đồi Bà Nài. Nhưng nó gần như đã bị xóa sổ. "Nhiều người khi đến đây thấy những lô cốt hoang vắng này nhầm tưởng đó là Lầu Ông Hoàng" - ông Lý cho biết.

Theo tài liệu của ông Lý cung cấp, năm 1911, công tước người Pháp tên là De Montpensier khi đến đây thấy phong cảnh hữu tình, nên muốn xây dựng một biệt thự để nghỉ dưỡng và săn bắn. Sau đó, chính quyền nhà Nguyễn đã bán ngọn đồi này (đồi Bà Nài hiện nay) cho công tước Pháp. Ngày 21.2.1911, ngôi biệt thự được xây dựng, và gần một năm sau hoàn chỉnh với diện tích 536m2 gồm 13 phòng thuộc diện hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Và cái tên Lầu Ông Hoàng (thể hiện sự sang trọng) có từ đó. Đến năm 1917, Công tước De Montpensier bán lại toàn bộ ngọn đồi Bà Nài cho một ông chủ người Pháp khác. Sau này, nó thuộc quyền sở hữu của vua Bảo Đại.

Tấm bảng giới thiệu vắn tắt di tích Lầu Ông Hoàng - Ảnh: Q.H


Năm 1946, thực dân Pháp cho xây một đồn bốt ngay bên cạnh Lầu Ông Hoàng (chỉ cách 7m về hướng nam); bao gồm nhiều lô cốt và cả một tháp canh gác cao 12m nhằm bảo vệ tuyến đường Mũi Né. Ngày 14.6.1947, một trận đánh của một tiểu đội thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám đã tiêu diệt toàn bộ đồn Pháp. Hiện nay, những tháp canh đồn bốt của Pháp vẫn còn, nhưng Lầu Ông Hoàng thì bị xóa sổ do bom đạn của cuộc chiến. Sự thiếu quan tâm của ngành văn hóa Bình Thuận đang làm cho cái tên Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết dần bị lãng quên.

                                                                                                                 Theo TNO









Các bài mới
Các bài đã đăng