Tạp chí Sông Hương -
Những cuộc đời của Romain Gary
08:53 | 19/11/2010
Nhà văn từng hai lần đoạt giải Goncourt ao ước được sống nhiều cuộc đời qua những trang văn của chính mình. Cuộc đời ông là những chuyến du hành sống động, với 'một mỏ vàng kinh nghiệm sống'. Đó là những nội dung trong cuốn tiểu sử mới 'Romain Gary: một câu chuyện dài' của David Bellos.
Những cuộc đời của Romain Gary
Nhà văn Romain Gary. Ảnh: ianpindar.

Romain Gary: một câu chuyện dài (Romain Gary: a Tall Story) do NXB Harvill Secker (Anh) ấn hành trong tháng 11.

Tháng 11/1945, nhà triết học Pháp Jean-Paul Sartre cùng người tình, nhà văn Simone de Beauvoir tới một quán cafe ở đại lộ Saint-Germain để gặp gỡ một chàng trai trẻ, người có cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa được giải thưởng lớn. Đôi tình nhân trứ danh của nước Pháp trông thấy một chàng trai gầy gò, tóc đen và rất ưa nhìn, mặc chiếc áo jacket ngắn không mấy hợp thời. Romain Gary năm đó 31 tuổi nhưng đã sống qua rất nhiều cuộc đời, đã xây dựng được một sự nghiệp văn học huy hoàng.

Sinh năm 1914 ở Moscow, Nga với cái tên Roman Kacew, nhà văn lớn lên ở Wilno (nay là Vilnius, Lithuania) và Warsaw, Ba Lan. Năm 14 tuổi, nhà văn được người mẹ Nina Owczinski đưa đến Nice (Pháp). Lần đầu tiên trông thấy quang cảnh chan hòa ánh nắng ở thành phố miền nam nước Pháp, cậu bé đã quyết định chọn nước Pháp làm đất mẹ.

Gary học luật ở Aix-en-Provence, sau đó là Paris, sống bằng cách làm thêm những công việc lặt vặt và “thó” bánh sừng bò trong các quán bar. Ông nhập quốc tịch Pháp năm 21 tuổi (1935) và nhập ngũ năm 1938. Làm lính ngay khi Chiến tranh Thế giới thứ hai vừa nổ ra vừa là điều may mắn vừa là vận xui của Gary. Thời gian trong quân đội của ông bỗng dưng bị kéo dài. Khi nước Pháp rơi vào tay Đức tháng 6/1940, Gary bỏ chạy trên một chiếc máy bay hai chỗ ngồi tới Algeria, thủ đô của Algeria, sau đó là Casablanca, thành phố rộng lớn nhất Morocco, rồi tiến về vùng hải ngoại Gibraltar của nước Anh, đúng lúc để hô to lời thề trung thành với Charles de Gaulle trong một cuộc biểu tình tại Thính phòng Hoàng gia Albert.

Trong số 200 phi công ban đầu tham gia quân đội của Tướng de Gaulle, chỉ còn 5 người sống sót đến năm 1945, trong đó có Gary. Nỗi ám ảnh từ sự may mắn này đè nặng lên quãng đời còn lại của nhà văn. Gary đến Trung Phi, đó là nơi ông bắt đầu nổi loạn; sau đó là Cairo, nơi ông trải qua một ốm thập tử nhất sinh; rồi Syria; cuối cùng, ông trở lại Anh.

Lesley Blanch, người vợ đầu của Romain Gary. Ảnh: cornucopia.


Ông còn là một nhà văn thực thụ, từng thức cả đêm trong căn nhà gỗ của binh lính ở Nissen để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết sau này xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh với cái tên Forest of Anger trước khi được chuyển ngữ sang tiếng Pháp. Gary yêu tiếng Pháp, nhưng trường hợp của cuốn sách này khiến ông thấm thía một điều: sách cũng giống như con người, phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh.

Jean-Paul Sartre ấn tượng sâu sắc, thậm chí không khỏi ghen tị với Gary, người biết 6 thứ tiếng, từng là chồng của nhà văn Anh xinh đẹp, biên tập viên tạp chí Vogue Lesley Blanch. Sartre quay sang nhìn de Beauvoir và ngẫm nghĩ: “Những kinh nghiệm cậu ta có được đúng là một mỏ vàng”. Năm 1962, Gary bỏ Blanch chạy theo nữ diễn viên Mỹ Jean Seberg.

Những cuộc đời của Gary mới chỉ bắt đầu. Ông từng phục vụ quân đội ở Bulgaria, rồi Thụy Sĩ. Từ năm 1952 đến năm 1954 ông làm thư ký cho Phái đoàn Pháp ở Liên Hợp Quốc. Ông còn làm phát thanh viên cho một số đài phát thanh và truyền hình ở Pháp. Gary cũng là bút danh của một tiểu thuyết gia với những tác phẩm rất thành công ở Mỹ. Người đó không ai khác chính là Romain Gary.

Gary lần đầu giành giải Goncourt với tiểu thuyết Cội rễ bầu trời (The Roots of Heaven) năm 1956. Chiến thắng của ông không hẳn chỉ toàn hào quang, nhiều nhà phê bình đả kích ông vì thứ văn phong không thuần Pháp. Còn có người tung tin đồn tất cả tác phẩm của Gary đều được Albert Camus chỉnh sửa hoặc thậm chí viết lại trước khi in. Đó là một cách ám chỉ Romain Gary nói cho cùng cũng chỉ là một người ngoại quốc, một người Do Thái, không bao giờ có thể là người Pháp thực thụ. Nếu không thể viết tiếng Pháp, Gary vẫn có thể viết bằng các thứ tiếng khác. 5 tiểu thuyết sau đó của ông viết bằng tiếng Anh, rồi được dịch lại tiếng Pháp với những cái tên khác hẳn nguyên tác. Nhiều người vẫn tưởng đó là những tác phẩm gốc bằng tiếng Pháp.

Sự nghiệp sáng tác bằng tiếng Anh của Gary càng có cơ hội thăng tiến khi ông đến Lãnh sự quán Pháp ở Los Angeles làm việc, nói cách khác, nhậm chức Đại sứ Pháp ở Hollywood vào năm 1956. Năm 1962, trong một bữa tối ngoại giao, Gary đã tình cờ để ý đến một người đẹp tóc vàng từng vào vai Joan of Arc trên màn bạc. Ông nhìn ngắm người đẹp bằng đôi mắt “có màu rất hợp với bầu trời” của mình. Romain Gary và cô đào Jean Seberg yêu nhau từ lần gặp gỡ đầu tiên. Gary ngay lập tức bỏ việc, đưa Seberg về Paris, hoặc chu du qua Morocco, Lausanne, Rome, Long Island hay bất cứ nơi đâu Seberg đến quay phim. Gary và Seberg trở thành tâm điểm của thợ săn ảnh ở khắp nơi.

Romain Gary và Jean Seberg. Ảnh: fr2day.


Cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ vài năm sau đó. Gary từng tranh giành tình yêu của Seberg với một đối thủ nặng ký, đạo diễn lừng danh Clint Eastwood. Eastwood không chiến thắng. Nhưng cuộc chiến này cũng làm tổn thương lòng tự trọng của Gary. Ông sáng tác một truyện tranh ngắn có tên Gogol’s Diary of a Madman (Nhật ký của Gogol về một người điên), kể về một viên thư ký cô đơn nuôi một con trăn trong căn hộ ở Paris làm trò tiêu khiển. Gary nhận ra ông có thể sống cuộc đời của người khác, những con người xuất hiện trong sách của mình.

Gary bắt đầu dùng bút danh Émile Ajar để sáng tác. Với cái tên này, ông lần thứ hai giành giải Goncourt với tiểu thuyết Cuộc sống trước mặt (The Life Before Us) năm 1975. Giải thưởng danh giá của Pháp vốn không chấp nhận một tác giả hai lần đoạt giải. Gary liên tục bị giới truyền thông vây hãm vì vụ việc này, phải nhờ cậy một người quen là nhà báo Paul Pavlowitch giúp ông thoát khỏi rắc rối. Tuy nhiên, sau đó, ông vẫn luôn bị chỉ trích là “gian lận”.

Những cuộc đời của Romain Gary được định hình bởi chiến tranh, cách mạng, di cư, thái độ bài Do Thái trong cộng đồng, thua trận, những lần trốn chạy khỏi các vụ đánh bom. Thế nhưng, bản thân nhà văn chưa bao giờ tỏ ra là nạn nhân. Trái lại, ông viết với thái độ châm biếm gay gắt hội chứng nạn nhân, tuyên bố việc ông thay đổi đất nước và ngôn ngữ chỉ là dịp để được trở thành những con người khác. Ông không cần biết mình là người Nga, người Do Thái, Ba Lan hay Pháp. Khi đối mặt với câu hỏi về quốc tịch, ông nói: “Tất cả”. Gary là một hình mẫu trong thế kỷ của ông về một cuộc đời xuyên quốc gia.

                                                                                                                   Theo eVan











Các bài mới
Các bài đã đăng