Tạp chí Sông Hương -
Những phím nhạc câm của Nguyễn Ánh 9
09:35 | 23/11/2010
Ít ai biết rằng, để có những bài ca đi cùng năm tháng như ngày nay, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những phím đàn câm trên bìa cát tông. Con đường âm nhạc: Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm tháng 11/2010 đã phác họa một chân dung âm nhạc đặc biệt.
Những phím nhạc câm của Nguyễn Ánh 9
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh9 hạnh phúc trong đêm Lặng lẽ tiếng dương cầm. Ảnh: Khánh Liên cung cấp

Những phím đàn câm và nhạc công Nguyễn Ánh

Nhắc tới Nguyễn Ánh 9 ngày nay, khán giả có thể ngay lập tức liệt kê ra những ca khúc đã đi cùng năm tháng: Không, Buồn ơi chào mi, Biệt khúc… và nhiều người trong giới nhạc còn tri âm tiếng đàn dương cầm của ông. Tuy vậy, ít ai biết rằng, thủa thiếu thời, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã làm quen với âm nhạc qua những phím đàn câm, tự vẽ trên tấm bìa cát tông.

Nguyễn Ánh 9 kể, lớn lên với cây đàn mandolin, nhưng lúc lên 10 tuổi, khi theo một nhạc sĩ nhà bên (lúc ấy đang theo học nhạc viện) đi tới các phòng trà, ông bị tiếng đàn mê hoặc nên đã tự tập chơi đàn. Khi đã trót mê, ông chẳng có đàn để tập, chỉ nghe bạn chơi và tự mày mò học lại ở phòng trà. Nhưng về tới nhà, đàn không có, ông phải tự tay kẻ lên bìa cát tông những phím đàn rồi tự tập. Sự say mê của ông bị gia đình cấm cản, ông bị đưa lên học nội trú ở Đà Lạt. Nhưng định mệnh khó cưỡng, tại trường học có một cây đàn piano, và ông đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên chỉ dạy vào mỗi cuối tuần.

Theo chia sẻ của Nguyễn Ánh 9, ông bị gia đình bắt tự lo lấy cuộc sống chỉ vì muốn theo nghiệp đàn hát. Nhưng khó khăn đã không làm ông thay đổi để rồi không lâu cái tên Nguyễn Ánh đã trở nên quen thuộc với giới ca sĩ Sài Gòn những năm trước 70 trong vai trò một nhạc công. Cũng trong thời gian bắt đầu sự nghiệp âm nhạc đó, Nguyễn Ánh gặp Trịnh Công Sơn và cũng là người đầu tiên chứng kiến mối tình âm nhạc giữa Trịnh với Khánh Ly. Cũng thời gian đó, Trịnh Công Sơn - Nguyễn Ánh và Khánh Ly đã trở thành một bộ ba khó tách trong vai trò: nhạc sĩ – nhạc công và ca sĩ.

Viết ca khúc đầu tiên từ sự động viên của Khánh Ly

Nhắc tới Nguyễn Ánh 9 không thể không nhắc tới ca khúc một thời làm mưa làm gió ở những sân khấu Đại nhạc hội Sài thành những năm 70, bài hát Không. Ngày ấy, nhiều ca sĩ tranh nhau được hát ca khúc này khi lên sân khấu. Và bài hát đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của ông cũng được viết bởi chính những gợi ý của ca sĩ Khánh Ly.

Ánh Tuyết dù mới ở bệnh viện ra cách đây ba ngày nhưng chị vẫn có mặt trong đêm nhạc của Nguyễn Ánh 9. Tối qua chị hát hai ca khúc Cô đơn và Mùa thu cánh nâu.


Ngày đó, chàng nhạc công Nguyễn Ánh (Tên thật của Nguyễn Ánh 9) luôn song hành với các chương trình biểu diễn của Khánh Ly. Một lần, khi Khánh Ly được mời sang Nhật để hát Diễm xưa, Nguyễn Ánh 9 cũng được đi theo để đệm đàn. Nhưng sang đến Nhật, phía tổ chức biểu diễn yêu cầu Khánh Ly hát Diễm xưa với phần đệm guitar thay vì piano.

Trở về khách sạn, Khánh Ly thấy bạn buồn nên lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn” (ý hỏi về bạn gái Nguyễn Ánh lúc đó) lúc ấy sẵn cây guitar trên tay, Nguyễn Ánh dạo vài nốt rồi hát lên” “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”. Đó cũng chính là những câu hát của bài Không sau này.

Về nước, Khánh Ly lại tiếp tục được mời hát ở Đại nhạc hội. Theo chia sẻ của Nguyễn Ánh 9, Khánh Ly khi đó vốn chỉ là một ca sĩ phòng trà, và cách chọn cũng như xử lý những màn biểu diễn phòng trà và ở sân khấu đại nhạc hội là khác nhau. Lúc đó, Khánh Ly lại động viên Nguyễn Ánh 9 hoàn thiện bài hát dang dở viết ở bên Nhật để chị biểu diễn theo lời mời. Thật may mắn, ca khúc không chủ định đó đã thành công ngoài mong đợi. Để rồi cũng từ đó cái tên Nguyễn Ánh 9 trở thành một hiện tượng âm nhạc ở Sài Gòn.

Dù là người hát đầu tiên và cũng là người đầu tiên thu âm các ca khúc của Nguyễn Ánh 9 nhưng Khánh Ly không phải là người tạo dấu ấn đặc biệt trong âm nhạc của ông. Ca khúc đầu tiên Không cùng với nhiều bà ca như Chia phôi, Lời cuối cho em sau này đã gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương. Tuy nhiên, kỷ niệm về những ngày đầu tiên ấy của nhạc sĩ cùng với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn luôn là những dấu ấn tươi đẹp trong lòng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Con đường âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 đến bất ngờ và thành công cũng bất ngờ, trái ngược với sự tiếp xúc với âm nhạc lặng lẽ thủa bắt đầu. Một điều đặc biệt, các ca khúc của ông viết về tình yêu được yêu mến luôn đầy mất mát, chia ly. Tuy vậy, cuộc sống riêng của ông dường như lại rất viên mãn. Ông kể, nghệ danh Nguyễn Ánh 9, với con số 9 chính là lấy từ ngày kỷ niệm lễ cưới của mình.

Chương trình Con đường âm nhạc Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm đã khắc họa chân dung nhạc sĩ qua lời kể thủ thỉ và những ca khúc làm nên tên tuổi ông với những giọng ca Ánh Tuyết, Hồng Hạnh, Mỹ Hạnh, Đức Tuấn và nhiều học trò do chính ông bảo trợ. Trong đêm nhạc, khán giả còn được nghe, được xem chính Nguyễn Ánh 9 đệm piano.

                                                                                                                  Theo ĐV










Các bài mới
Các bài đã đăng