Tạp chí Sông Hương -
Kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du: Về lại Tiên Điền
09:32 | 26/11/2010
Thân thế và sự nghiệp đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820) vẫn sống mãi trong lòng quê hương và dân tộc. Về lại khu lưu niệm Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), lần giở “cảo thơm” và tìm lại những kỷ vật thời xưa càng thấm đẫm nổi đau nhân thế và tình yêu da diết con người với thiên nhiên của ông.
Kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du: Về lại Tiên Điền
Khu lưu niệm Nguyễn Du
Khu mộ đại thi hào

Đã biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đến với Tiên Điền đều cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên đầy quyến rũ: Từ Bến Giang Đình phóng tầm mắt nhìn sông Lam dạt dào sóng vỗ, trông lên ngọn núi Hồng Lĩnh thông xanh lồng lộng dưới trời mây trắng. Dù Nguyễn Du cất tiếng chào đời ở đất Thăng Long và qua đời đột ngột (tuổi 55) tại kinh thành Huế, nhưng hồn cốt ông vẫn về với đất Tiên Điền, về với dòng họ Nguyễn, dòng họ “trâm anh thế phiệt” sinh ra bao nhiêu bậc tài năng nổi tiếng, đầy quyền uy thế kỷ XVII.

Theo một người cháu đời thứ bảy của ông kể lại: Nguyễn Du qua đời vào ngày 16-9-1820. Thi hài Nguyễn Du được an táng tại xã An Ninh, huyện Quảng Điền phủ Thừa Thiên - Huế. Mùa hạ năm Giáp Thân (1824) con trai của Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ đã đưa về an táng tại quê nhà thuộc xứ Đồng Mát (thôn Lương Năm) sau lại dời sang xứ Đồng Thánh gắn với khu Nguyễn Du một thời sống tại Tiên Điền. Khoảng gần một thế kỷ sau mộ thi hào lại được con cháu họ Nguyễn cải táng tại Đồng Cùng. Chỉ riêng phần mộ sau 3 lần dịch chuyển vẫn là “sè sè nắm đất bên đường” đến nỗi nhà thơ Vương Trọng thốt lên: “Dừng chân bên nấm mộ rồi. Chưa tin mình đã tới nơi mình tìm”.

Bây giờ tôi bước vào thăm khu mộ Nguyễn không phải cảnh “Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi” nữa. Đường vào mộ Nguyễn Du là con đường rải nhựa phẳng lì. Mộ thi hào được xây với kiến trúc gồm 3 phần: Bàn thờ, phần mộ và vườn cây cảnh bao quanh. Phần bàn thờ có bia được ghép bằng đá thanh nổi bật dòng chữ “Danh nhân văn hoá thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du”. Quanh bia có khắc hình hoa văn thế kỷ XVIII theo luật đường triện, tường hình cuốn thư, biểu tượng cho sự nghiệp văn chương bất hủ của Nguyễn Du. Mộ xây theo hình chữ nhật, vỉa bao quanh mộ xây bằng những viên gạch hồng đặt nghiêng không trát. Phần giữa thân mộ trồng cỏ xanh. Bao quanh khu mộ, bóng cây bạch đàn phi lao lên ngăn ngắt.

“Cảo thơm lần giở”...

Khu bảo tàng Nguyễn Du không khỏi bồi hội xúc động, mọi kỷ vật được bài trí khoa học và ngăn nắp. Ông Nguyễn Bách - phó ban quản lý - cho hay: “Khu văn hoá được các nhà thiết kế dựa trên ý tưởng kiến trúc đình làng Việt Nam bao gồm thư viện Nguyễn Du có diện tích 500m2, với phòng đọc đa chức năng. Hiện thư viện đã có hơn 2000 đầu sách trong đó không ít những cuốn sách quý cung cấp cho độc giả hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Du”. Trong khu văn hoá Nguyễn Du còn được xây dựng một hội trường với 150 chỗ ngồi, đây là nơi hội tụ những buổi sinh hoạt văn hoá đầy tính nhân văn với những chương trình đậm đà bản sắc truyền thống như lẩy Kiều, vịnh Kiều... Nhà bảo tàng ở tầng 2 với diện tích rộng 100m2.

Kể từ ngày xây dựng đến nay đã gần 8 năm, cán bộ bảo tàng không thể nào nhớ nổi mình đã đón tiếp bao nhiêu lượt khách. Lúc đương thời Nguyễn Du đã từng hỏi “Ba trăm năm nữa ta đâu biết / Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”, thì hôm nay không cần đến ba trăm nữa con cháu Lạc Hồng đất Việt đã khóc Tố Như rồi. Trái tim giàu lòng nhân nghĩa khắp hành tinh đã ngưỡng vọng Nguyễn Du rồi. Không phải ngẫu nhiên năm 1965 Hội đồng Hòa bình Thế giới họp tại Berlin đã công nhận Nguyễn Du là Danh nhân Văn hoá thế giới. Truyện Kiều đã trở thành “quốc hồn quốc tuý” của nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam đam mê “Truyện Kiều” tới mức nhiều người dân họ lần giở những trang Kiều đẫm nước mắt ra bói toán xem vận hội của mình ra sao.

 Sự vĩ đại của Nguyễn Du với tác phẩm “Truyện Kiều” đã làm cho cả lớp hậu duệ thời đại “công nghiệp hoá” vẫn còn nặng nợ với ông. Họ đóng góp vào Khu lưu niệm Nguyễn Du nhiều kỷ vật. Nằm chính giữa phòng trưng bày truyền thống được đặt trang trọng trong lồng kính bản “Truyện Kiều” bằng thư pháp nặng 75kg, rộng 1,2m, dài 1,6m. Người dành thời gian ròng rã suốt 6 tháng trời để tạo dựng lại thi phẩm đó là thầy giáo Nguyệt Đình từ cố đô Huế gửi tặng. Thầy Đình khi làm xong cuốn sách tâm sự với bạn bè rằng: “Cả nhà tôi ba đời đều mê Kiều, vì lẽ đó ý tưởng làm thư pháp “Truyện Kiều” tôi đã nung nấu từ lâu”. Cuốn sách này không chỉ ngưỡng vọng vĩ nhân, nó còn có tác dụng giáo dục con cháu.

Một nữ nhân viên trong khu lưu niệm bảo tôi: “Mời anh xuống thư viện để xem bộ thi pháp dài độc nhất vô nhị này”. Tôi thực sự sửng sốt trước sự “vượt cỡ”, cuốn thư pháp này dài tới 325,4m, dài đến nỗi khi vận chuyển tới đây không có phòng nào trải được cuốn thư pháp. Tác giả cuốn sách này là Trịnh Tuấn (quê ở xã Thượng Tín, Thọ Xuân, Thanh Hoá). Theo lời Trịnh Tuấn kể: “Thành công của cuốn thư pháp là cả một quá trình khổ luyện tầm sư học đạo. Anh Tuấn đã làm đủ mọi nghề như bán báo, lượm ve chai, phu hồ, khuân vác... để có tiền học viết thư pháp ở Sài Gòn”. Sự thử sức của anh Tuấn cùng 4 người bạn thân của anh sau 13 tháng miệt mài dồn sức dồn tâm, dồn trí đã cho ra đời giải thư pháp Việt ngữ kỷ lục. Điều thú vị cho người xem là thư pháp với độ dài 325,4m tương ứng với tỉ lệ 3254 câu Kiều, mỗi câu thơ tương ứng 10cm giấy.

Dạo quanh vườn Nguyễn

Tôi lặng lẽ một mình đi quanh vườn Nguyễn Du, dấu tích của người xưa vẫn còn đọng lại nơi này, nhưng riêng tôi vẫn có điều gì đau đáu, ngoài cây muỗm cụ Nguyễn Quỳnh trồng đã 300 tuổi, khu vườn này vẫn chưa có một vườn Nguyễn thực sự thu hút du khách. Bên đàn tế, bia đá Nguyễn Quỳnh nén nhang cắm đã lạnh hương khói từ lâu. Những dòng chữ trên bia đá đã mờ đi, bụi phủ dày. Nhiều cây xanh trong vườn bị bão quật đổ còn trơ lại những gốc cây chổng chơ. Bão đã qua lâu rồi nhưng thiếu người trông nom và chăm sóc vườn Nguyễn nên không ít thân cây vẫn nằm ì ra đó. Chỗ này là gặp một đống tro than đen kịt, chỗ kia lổn nhổn những gạch vỡ và đá khô...

Những ngôi nhà cũ như Đình chợ Trổ, nhà tư văn trong khu lưu niệm Nguyễn Du, đến cả đền thờ Nguyễn Nghiễm - thân phụ Nguyễn Du - chưa được trùng tu lại thêm hoang phế dần... Tôi vào thăm đền Nguyễn Nghiễm chỉ thấy ngoài đền màu xám đục của đôi voi phục với hai tượng tướng quân sắc mặt rầu rĩ. Cửa được khoá lại bằng chiếc khoá dây xe đạp. Bên tôi vài ba người khách lạ nữa muốn vào thăm đền nhưng đều phải lặng lẽ quay gót. Bất giác tôi lại nhớ tới lời tâm sự của ông Bùi Tùng Phong, cựu Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân: “Điều hạn chế nhất của khu lưu niệm Nguyễn Du là tính quy hoạch tổng thể. Muốn hấp dẫn du khách hơn phải biết nhìn nhận và lựa chọn thấu đáo những gì trong “Truyện Kiều” mà Nguyễn Du đã viết”.

Tôi nghĩ ông nói thật có lý: Vườn Nguyễn khó gì mà không trồng được cây mơ, cây mận, cây nhãn... Vườn Nguyễn khó gì không trồng được hoa hải đường, hoa lựu và những loài hoa khác có trong thơ Nguyễn Du? Khi vườn Nguyễn trỗi dậy những vầng xanh mát rượi cây trái và ngào ngạt hương thơm của hoa, ở đấy nên mời những nhà điêu khắc tài năng đúc những pho tượng Thuý Kiều, Thuý Vân, Kim Trọng, Từ Hải và nhiều nhân vật khác trong Truyện Kiều thì khu vườn ắt hẳn vui hơn nhiều, khoáng đạt hơn nhiều. Tôi mong một một ngày nào đó sẽ được chiêm ngưỡng vườn Nguyễn như thế.

Theo Phan Thế Cải - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng